Giá cước vận chuyển dầu giảm mạnh sau khi OPEC+ cắt giảm sản lượng

Việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) thực hiện cắt giảm sản lượng lớn để hỗ trợ giá đã và đang làm giảm khối lượng vận chuyển dầu bằng đường biển trên khắp thế giới. Kết quả là cước phí vận chuyển của các siêu tàu chở dầu đã giảm 75%.

Bloomberg trích dẫn dữ liệu từ Baltic Exchange cho biết, cước phí vận chuyển hàng ngày trên tuyến từ Trung Đông đến Trung Quốc đối với các siêu tàu chở dầu (VLCC) có khả năng vận chuyển tới 2 triệu thùng dầu đã giảm từ gần 100.000 USD/ngày trong tháng 3 xuống chỉ còn 24.000 USD/ngày vào cuối tuần trước.

Trong gần 1 năm qua, giá cước tàu chở dầu đã tăng cao do các chuyến hàng phải đi xa hơn khi người mua tìm kiếm nguồn thay thế cho dầu của Nga. Điều này cùng với việc giải phóng dầu từ nguồn dự trữ dầu của Mỹ đã mang lại nguồn thu từ cước phí vận chuyển với giá trị trên 100.000 USD/ngày lần đầu tiên kể từ năm 2020. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, OPEC+ tuyên bố một đợt cắt giảm nguồn cung lớn, góp phần giảm số lượng hàng hóa cho tàu vận chuyển. Những yếu tố tâm lý xung quanh dầu thô cũng bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu và sau khi nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh, số lượng tàu quay trở lại Trung Đông cũng tăng lên, thúc đẩy nguồn cung tàu cho thuê.

03-3014-1683709918.jpg

Ảnh minh họa.

Trước đó, vào ngày 02/4, OPEC+ đã bất ngờ tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu thêm 1,16 triệu thùng/ngày. Lý giải cho quyết định cắt giảm sản lượng của mình, các thành viên OPEC+ khẳng định đây là "biện pháp phòng ngừa" nhằm hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ thế giới.

Ả Rập Xê-út và Nga là hai nước tiên phong trong đợt cắt giảm này, mỗi nước có kế hoạch giảm sản lượng khoảng 500.000 thùng/ngày cùng với các thành viên khác như: Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Iraq, Kuwait, Algeria, Oman, Kazakhstan và Gabon.

Trước đợt cắt giảm sản lượng gần đây nhất của OPEC+, giá cước tàu siêu chở dầu đã từng tăng lên 100.000 USD/ngày trong bối cảnh nhu cầu dầu mỏ tăng vọt khi Trung Quốc mở cửa và lệnh cấm vận dầu thô nhập khẩu từ Nga vào EU. Giờ đây, nhiều tàu chở dầu đã phải di chuyển trên các tuyến đường dài hơn nhiều từ các cảng xuất khẩu ở Baltic và Biển Đen của Nga đến châu Á thay vì chuyến đi chỉ vài ngày đến châu Âu./.

Thi Nguyên (t/h)