Câu chuyện ám ảnh để bắt đầu một hành trình mới
Phạm Hồng Sơn vốn không xuất thân trong một gia đình làm nông nghiệp và cũng chẳng phải là một người làm trong lĩnh vực công nghệ. Anh làm trong lĩnh vực ngân hàng. Nhưng anh lại từ bỏ vị trí giám đốc văn phòng giao dịch của một ngân hàng để đi tìm lời giải cho bài toán của những người nông dân. Tất cả bắt đầu từ câu chuyện ám ảnh khi anh còn làm ngân hàng.
Anh Sơn chia sẻ đã thật sự sốc khi một khách hàng của mình, một người nông dân từ việc có 300 triệu gửi tiết kiệm trong ngân hàng nhưng đã mất hết cơ cả nghiệp do nuôi lợn thua lỗ. Không chịu được cú sốc, người nông dân ấy đã tự tử.
Cái chết của người một người nông dân vì sự bấp bênh, rủi ro trong chăn nuôi đã ám ảnh Phạm Hồng Sơn. Nung nấu ý tưởng về một giải pháp công nghệ Việt để giải bài toán cho người nông dân Việt, Phạm Hồng Sơn và các cộng sự của mình đã nghiên cứu để tạo ra một sản phẩm công nghệ Make in Việt Nam.
Anh đã tập hợp một nhóm gồm các bạn trẻ cùng đam mê, là những cựu sinh viên của trường Đại học Bách Khoa để thiết kế, sản xuất công nghệ và thiết bị để phục vụ cho ngành chăn nuôi của người Việt. Nhóm cũng đã tìm đến các chuyên gia trong ngành nông nghiệp để được tư vấn. Sau nhiều nỗ lực, một sản phẩm công nghệ “ Make in Việt Nam” đã ra đời. Đó là Fago 4.0, một hệ thống để giúp mang cả trang trại “ vào túi”của người nông dân .
FAGO 4.0 cho nông dân bứt phá.
Công nghệ được đặt tên Fago viết tắt của Farmer Growth có nghĩa là Nông dân bứt phá.Tạo ra công nghệ Make in Việt Nam là một mũi tên trúng hai đích: giá rẻ, người nông dân sử dụng được và ứng dụng phù hợp với thực tế chăn nuôi ở Việt Nam
Không cồng kềnh, rất nhỏ gọn: Hệ thống thiết bị của Fago chỉ gồm 1 bộ cảm ứng, 1 tủ điều khiển và ứng dụng mang tên Fago chạy trên điện thoại thông minh hoặc máy tính. Từ đó Fago đã giúp người nông dân quản lý tối ưu các chỉ số về độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, gió… và cảnh báo kịp thời tới người nông dân qua điện thoại thông minh hoặc giao diện Web. Rồi từ đó ứng dụng nâng dần thêm các tính năng khác như quản lý thiết bị ngoại vi từ xa, kênh chuyển giao khoa học kỹ thuật, kết nối chuyên nông nghiệp,đơn vị thu mua, đơn vị cung cấp…Nó phù hợp với cả quy mô nông hộ lẫn chăn nuôi công nghiệp tập trung. Giá thành thì rẻ hơn cả trăm lần so với các thiết bị nhập khẩu mà công dụng thì tương đồng. Với những trang trại nuôi lợn của người dân có quy mô từ 300 – 500 con lợn thì tổng chi phí cho lắp đặt và sử dụng Fago chỉ từ 13 đến 15 triệu đồng.
Những người chủ trang trại ở Hưng Yên đã lắp đặt Fago cho biết việc chăn nuôi giờ chuyên nghiệp, hiệu quả mà đơn giản hơn nhiều. Ông Bùi Văn Dũng, chủ một trang trại lợn ở xã Quảng Châu, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên cho biết: giờ có đi xa nhà cả trăm cây số vẫn điều khiển được quạt gió, ánh sáng, biết rõ khí hậu tại chuồng nuôi để điều chình hợp lý. Tất cả chỉ cần thực hiện qua ứng dụng Fago trên điện thoại di động của ông Dũng là xong. Trước đây, nhiệt độ chuồng nuôi không ổn định nên đàn lợn của ông không thực sự năng suất, cũng hay ốm đau, bệnh tật hơn. Nhưng từ ngày lắp đặt Fago đến nay thì khác hẳn.
Không chỉ với chăn nuôi gia súc mà các trang trại chăn nuôi gia cầm cũng cho thấy hiệu quả rõ rệt sau khi lắp đặt Fago. Là chủ trang trại nuôi gà úm hơn 2ha ở Hải Dương, trước kia cả đêm anh Tạo gần như không được ngủ mà phải đi kiểm tra nhiệt độ khắp các chuồng rồi lại điều chỉnh cho phù hợp. Vì với gà con mới nở, nhiệt độ cao thấp thất thường có thể gây chết hàng loạt. Nhưng giờ, có Fago, tất cả đều được cảnh báo trên điện thoại , qua ngưỡng nhiệt độ an toàn là lập tức có chuông báo về điện thoại để anh Tạo điều chỉnh.
Fago đã kết nối với hệ thống các chuyên gia nông nghiệp là giảng viên tại Học viện Nông nghiệp, các chuyên gia thú y của các tập đoàn, các nhân viên kỹ thuật của các công ty thức ăn chăn nuôi ở nhiều địa phương sẵn sàng tư vấn miễn phí cho bà con. Và điều đáng quý là tất cả dấu hiệu bệnh tật của vật nuôi được cảnh báo đồng thời tới cả người nuôi và chuyên gia ( tất cả đều qua điện thoại di động) nên việc xử lý, tư vấn sẽ chính xác và hiệu quả hơn nhiều.
Fago đến với mô hình chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn
Với hiệu quả thực tế, không chỉ dừng lại ở các hộ chăn nuôi vừa và nhỏ, Fago đã làm hài lòng cả những công ty lớn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp
Ông Hà Dương Sông Thao, PGĐ Công ty Cổ phần Trại giống Châu Thành cho biết, sau khi lắp đặt Fago công ty đã khắc phục được tình trạng vật nuôi đột tử, tiết kiệm thời gian và công sức hơn cho các công nhân và đặc biệt là chất lượng con giống mang ra thị trường tốt hơn hẳn.
Không chỉ trong nước mà Fago đã được các khách hàng ngoài nước đánh giá cao. Ông Trần Minh Phong, một nhà đầu tư người Đài Loan ( Trung Quốc) đã lắp đặt Fago tại cả hệ thống trang trại của mình tại Việt Nam và Đài Loan ( Trung Quốc). Ông Phong đánh giá cao chất lượng sản phẩm Fago mà giá thành thì lại rất rẻ.
Theo Tiến sỹ Hoàng Minh Sơn, Phó trưởng khoa Thú Y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đánh giá thì Fago 4.0 là một giải pháp rất hiệu quả trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi hoành hành. Vì nó hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa người và vật nuôi nên hạn chế nguy cơ lây lan dịch bênh. Ông đánh giá sâu hơn về ý nghĩa của Fago với việc an ninh nông nghiệp, đặc biệt là việc bảo mật thông tin chăn nuôi trong nước. Nếu chúng ta sử dụng hệ thống các thiết bị tương tự nhưng của nước ngoài thì tất cả các thông tin về chăn nuôi của Việt Nam sẽ nằm ở nước ngoài, rất dễ bị mất thông tin, có thể xảy ra rủi ro trong xuất nhập khẩu. Nhưng với Fago, một sản phẩm của người Việt, do người Việt quản lý thì thông tin hoàn toàn được bảo mật. Đó chính là ý nghĩa rất lớn của Fago với an ninh nông nghiệp Việt.
Từ một câu chuyện ám ảnh hình thành lên ý tưởng khởi nghiệp. Sau nhiều nỗ lực, từ ý tưởng khởi nghiệp được Tỉnh đoàn Hưng Yên hỗ trợ, Fago đã được ghi nhận ở nhiều phạm vi như giải ba Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức. Rồi các anh thành lập Công ty Cổ phần Công nghệ phát triển Nông nghiệp Việt Nam. Năm 2019 Fago là một trong 10 ứng dụng có giải pháp đột phá được Bộ TT&TT chọn triển lãm. Năm 2020 được Bộ TT&TT bình chọn là top 10 sản phẩm thu hẹp khoảng cách số, được nhận giải các sản phẩm công nghệ số Make in VN. Và đến nay Fago đã đến với gần 500 trang trại ở hơn 20 tỉnh, thành phố trong cả nước. Fago cũng đã đến với cả những trang trại ở nước ngoài để quảng bá về một sản phẩm công nghệ Make in Việt Nam.
Thông qua công nghệ để nâng tầm Việt Nam góp phần xây dựng một Việt Nam Hùng Cường là lý tưởng của Phạm Hồng Sơn và các cộng sự của anh đang theo đuổi để tìm nhiều lời giải hơn nữa cho bài toán 5 không trong nông nghiệp, giúp người nông dân bứt phá xa hơn nữa. Và dẫu con đường phía trước còn nhiều chông gai thì việc “ lấy lợi ích của người nông dân làm động lực phát triển” vẫn là giá trị cốt lõi mà Fago xác định.