Đưa sản phẩm OCOP vào giỏ hàng Tết góp phần lan tỏa nông sản trên thị trường

Dịp Tết Nguyên đán đã trở thành mùa vụ quan trọng nhất trong năm đối với các chủ thể OCOP. Bởi vậy dịp này, các cấp ngành tỉnh Tây Ninh đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vào giỏ quà Tết, góp phần nâng tầm giá trị nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ.
ocop-hang-tet-2-1737344371.jpg
Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh Tây Ninh có 139 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.(Ảnh minh họa)

Tây Ninh vốn nổi tiếng khắp cả nước không chỉ nhờ các địa điểm du lịch như núi Bà Đen, Hồ Dầu Tiếng, Tòa Thánh Tây Ninh, Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát... mà còn bởi nhiều sản phẩm OCOP đặc sắc như muối tôm, bánh tráng, mãng cầu. Những sản phẩm này không chỉ nâng cao giá trị kinh tế mà còn góp phần quảng bá hình ảnh và bản sắc văn hóa của Tây Ninh đến với du khách trong và ngoài nước.

Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 139 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, bao gồm: 97 sản phẩm 3 sao; 36 sản phẩm 4 sao (trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang trình Bộ NN&PTNT đánh giá, phân hạng cấp quốc gia); 6 sản phẩm đề xuất 4 sao đang được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh xem xét.

Tây Ninh đã ban hành nhiều chính sách nhằm đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng, như: hỗ trợ các chủ thể OCOP kết nối và mở rộng thị trường, đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị ở các đô thị lớn; hỗ trợ áp dụng công nghệ số để phát triển thị trường; cung cấp kinh phí thiết kế bao bì, nhãn mác; xây dựng các điểm giới thiệu, trưng bày và quảng bá sản phẩm OCOP…

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Tây Ninh đánh giá: Dịp Tết Nguyên đán đã trở thành mùa vụ quan trọng nhất trong năm đối với các chủ thể OCOP. Sản phẩm OCOP không chỉ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc rõ ràng mà còn có mẫu mã đẹp, ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng làm quà biếu. Bởi vậy dịp này, các cấp ngành địa phương cũng đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vào giỏ quà Tết.

ocop-hang-tet-3-1737344412.jpg
Các cấp ngành địa phương đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Đơn cử, với sự hỗ trợ của Chi cục Phát triển nông thôn Tây Ninh, từ tháng 10/2024, cửa hàng OCOP TG tại phường Hiệp Ninh, TP Tây Ninh đã ra mắt, trưng bày gần 300 sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh. Đây được kỳ vọng là điểm mua sắm lý tưởng, phục vụ người dân và du khách trong dịp Tết Nguyên đán 2025.

Anh Phạm Trường Giang, chủ cửa hàng OCOP TG, chia sẻ: “Mục tiêu của cửa hàng là phục vụ khách du lịch, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương và quảng bá sản phẩm OCOP Tây Ninh. Tất cả các sản phẩm tại cửa hàng đều có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, được đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã. Trong dịp Tết Nguyên đán, chúng tôi cung cấp nhiều đặc sản như mãng cầu, bánh tráng phơi sương, muối tôm… để phục vụ người tiêu dùng và du khách”.

ocop-hang-tet-1-1737344352.jpg
Nhiều địa phương đã hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP và giỏ quà Tết và được bán tại cửa hàng đặc sản, siêu thị. (Ảnh minh họa)

Từ thực tế cho thất, từ khi triển khai Chương trình OCOP đến nay, sản phẩm OCOP đã được khai thác mạnh thị thị trường nội địa, tạo đà cho các sản phẩm phát huy thế mạnh, tạo động lực cho các nhà sản xuất. Đặc biệt, vào dịp lễ, Tết, dòng sản phẩm này càng được chú trọng đưa đến với người tiêu dùng nội địa.

Điều đáng mừng với các chủ thể OCOP là nhiều sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố đã được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn để sử dụng và làm quà biếu, tặng trong dịp Tết Nguyên đán vì bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, rõ nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã đẹp./.

Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, để các sản phẩm OCOP cung ứng thị trường nội địa đảm bảo chất lượng, các địa phương phối hợp với các tỉnh lân cận kiểm tra chuỗi cung ứng, đặc biệt với sản phẩm sản xuất ngoài tỉnh, thành phố, tăng cường sự phối hợp giữa Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cùng Sở Công Thương trong việc đánh giá, phân hạng và công nhận lại các sản phẩm OCOP hết thời hạn công nhận, mới tạo lòng tin vững chắc cho người tiêu dùng nội địa. Điển hình, hiện nay nhiều địa phương đã liên kết, hợp tác với nhau trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP như  Tây Ninh, Tiền Giang, Long An, hoặc Cần Thơ, Kon Tum, Cà Mau,…

Theo đó, năm 2025 với sự chung sức của cả 3 tỉnh, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang hướng tới xuất khẩu cũng như đẩy mạnh hoạt động kinh tế biên mậu, để làm sao có thể hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa thông qua các kênh cửa khẩu; trong đó, có những cửa khẩu lớn ở Long An, Tây Ninh, để hoạt động kinh tế biên mậu tại địa phương ngày càng phát triển, nổi bật hơn.

Ngoài liên kết hợp tác giữa các tỉnh, các địa phương cũng đã liên kết tiêu thụ với trung tâm kinh tế khu vực phía Nam - thành phố Hồ Chí Minh. Sản phẩm OCOP ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại các hệ thống bán lẻ, siêu thị và trung tâm thương mại của Tp.HCM. Đặc biệt, việc đưa các nông sản đặc sản vào giỏ quà tặng kỳ vọng vừa thúc đẩy đầu ra nông sản vừa quảng bá sản phẩm của Việt Nam tới đông đảo người tiêu dùng trên cả nước trong dịp tết Nguyên đán 2025.

Bình Nguyên