Hương vị Tết của bản vùng cao xứ Thanh

Khi những tia nắng ban mai len lỏi qua màn sương giăng kín, nhuộm hồng những đỉnh núi cao, cũng là lúc không khí Tết tràn ngập khắp bản làng. Tiếng khèn, tiếng sáo hòa quyện cùng tiếng cười rộn rã tạo nên bức tranh xuân sống động giữa núi rừng hùng vĩ.
tet-vung-cao-1-1737300074.jpg
Những cô gái Mông trong trang phục sặc sỡ chuẩn bị đi đón xuân (Ảnh Ly Pó)

Hương Tết trên nếp nhà sàn

Là người con của Thanh Hóa, tôi luôn dành một tình yêu đặc biệt cho những bản làng vùng cao. Mỗi dịp Tết đến xuân về, tôi lại háo hức lên đường khám phá những nét đẹp văn hóa độc đáo của quê hương, đặc biệt là ở những huyện biên cương. Trong những ngày cuối tháng Chạp năm 2024, chúng tôi lại rong ruổi trên chiếc xe máy, băng qua những con đường ngoằn ngoèo, đến với những bản làng khó khăn nhất của Mường Lát. Cái lạnh buốt giá như cắt vào từng thớ thịt, khiến chúng tôi càng thấu hiểu hơn những gian nan mà bà con nơi đây phải gồng mình vượt qua.

Sau hành trình gần 5 tiếng đồng hồ, vượt qua những con dốc dựng và những khúc cua ôm trọn dòng sông Mã, chúng tôi đã đặt chân đến bản Na Tao thuộc xã Pù Nhi (Mường Lát) khi ánh nắng vàng nhạt chiều vừa tắt sau rặng núi. Ở đây, do núi cao và địa hình hiểm trở, thời gian mặt trời chiếu sáng luôn ngắn ngủi. Khi ánh nắng cuối cùng vụt tắt, cái lạnh giá đặc trưng của vùng cao nhanh chóng ùa về, cùng làn sương giày đặc bao quanh.

tet-vung-cao-3-1737300248.jpg
Khu du lịch Pha Đén Pù Nhi những ngày cuối năm trở nên nhộn nhịp vui tươi.

Những đứa trẻ trong bản, với đôi má đỏ au vì lạnh, đang cố gồng lên chống chọi với từng đợt gió buốt. Chúng ngồi quây quần bên đống lửa hồng, đôi tay nhỏ bé xoa vào nhau để sưởi ấm. Tiếng cười giòn tan của chúng như những bông hoa nhỏ bung nở giữa tiết trời giá lạnh. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng nụ cười trên môi những đứa trẻ như những tia nắng ấm áp, xua tan đi cái lạnh giá của mùa đông.

Pù Nhi vốn yên ắng chìm đắm trong núi rừng, vào những ngày giáp Tết trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Những người đàn ông trong bản với làn da bánh mật khỏe khoắn lặn lội vào tận rừng già tìm những cành đào đá nhiều nụ vác về để tô đẹp cho ngôi nhà. Phụ nữ bản làng, với những chiếc gùi xinh xắn trên lưng, xuống những con suối trong vắt gùi nước về dự trữ.

Đang mải mê ghi lại những khoảnh khắc hồn nhiên của những đứa trẻ, tôi bỗng nghe ào ào phía sau lưng, giật mình quay lại thì thấy một người đàn ông đang kéo một cây gỗ to dài lê thê. Thân cây khô cằn, vỏ bong tróc. Quá dài nên ông phải gác một đầu lên vai, lê từng bước về phía trước. Dù trời lạnh nhưng những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, đôi tay chai sạn siết chặt vào cây để cố gắng hết sức kéo chúng về phía chiếc chòi nhỏ của mình.

Hỏi ra mới biết ông là Thao Văn Pó, người già nhất trong bản. Ông Pó sinh sống một mình đã gần chục năm nay, từ khi vợ ông qua đời, các con lập gia đình, sinh sống bên kia quả đồi, đường xá đi lại khó khăn nên cũng ít thời gian qua thăm ông. Mặc dù vậy nhưng ông vẫn vui vẻ lạc quan bên chiếc Radio cũ kỹ, làm bầu bạn với đang gà và mấy con mèo con.

tet-vung-cao-4-1737300343.jpg
Ông Thao Văn Pó bên bếp hửa hồng.

Khoác vội ba lô lên lưng, tôi tiến lại vừa bắt chuyện vừa giúp ông kéo cây tiến về phía căn chòi nhỏ. Như để trả lời cho những hành động kỳ quái của mình, ông Pó lên tiếng: Kéo về để chặt ra làm củi mà đốt, khi đóng cửa rừng rồi thì không lấy được nữa đâu. Chỉ khi nào qua ngày mùng 5, làm lễ khao năm mới với rừng mới được vào đốn củi.

Thấy câu chuyện mộc mạc, cuốn hút của ông Pó nên chúng tôi ngỏ ý xin ở lại, để tiếp tục được tìm hiểu về những điều bí ẩn của ông và rừng già. Vốn thẳng tính như cây gỗ trong rừng sâu nên ông Pó lên tiếng: “Tao chỉ có cơm với rau rừng chấm muối lạc thôi, chúng mày chịu khó thì làm thịt gà, để tao xuống dưới kia mua rượu”.

Không đợi ông mời lần thứ 2, chúng tôi mỗi đứa mỗi việc, người nhóm lửa, người hái rau để chuẩn bị cho bữa tối. Riêng ông Pó, sau khi tắm rửa qua, ông khoác cái áo kaki đã sờn màu rồi xách chai đi xuôi về phía trung tâm xã để mua rượu. Nấu nướng xong, chúng tôi ngồi bên bếp lửa, ánh mắt hướng về phía con đường mòn chờ đợi. Tôi chợt nhớ đến những câu chuyện bà tôi thường kể về rừng già, có lẽ ông Pó là nhân vật được tái hiện sinh động nhất mà tôi đã từng nghe.

Sức sống văn hóa từ lễ Khao rừng

Bữa cơm tối của chúng tôi đầm ấm với gà luộc và rau rừng tươi mát và rượu men lá cay nồng. Tiếng cười nói rôm rả vang vọng, làm ấm căn lều nhỏ vốn vắng tiếng người. Khi men rượu đã ngấm, ông Pó bắt đầu kể về những câu chuyện thời kỳ mới lập bản, khi núi rừng còn hoang sơ, người dân phải đối mặt với những con thú dữ, những trận sốt rét rừng, và cả sự thiếu thốn lương thực…

Bên bếp lửa hồng, giọng ông Pó cứ vang lên đều đều trầm ấm, có lúc ánh mắt ông Pó long lanh khi nhớ lại những đêm dài đốt lửa trại để xua đuổi thú dữ, về những trận sốt rét rừng cướp đi sinh mạng của những người thân yêu. Dù cuộc sống ngày nay đã khá giả hơn, nhưng trong lòng ông, ký ước về những ngày tháng gian khó ấy vẫn luôn sống mãi.

Bằng sự đoàn kết và cần cù, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, cuộc sống của người dân dần được cải thiện. Họ bắt đầu chuyển từ việc săn bắt, hái lượm sang làm nông nghiệp. Những thửa ruộng bậc thang được hình thành, cung cấp lương thực cho cả bản. Đồng thời, người dân cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, nguồn sống của họ. Rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, trở thành nguồn cung cấp dược liệu quý.

tet-vung-cao-5-1737300438.jpg
Bản người Mông ở Mường Lát nép mình bên những sườn đồi với những thửa rộng bậc thang mềm mại.

Cũng từ đó, bản Na Tao đã thay đổi hoàn toàn. Từ một bản nghèo với vài mái nhà sàn lác đác, nay đã có hàng trăm ngôi nhà vững chãi mọc lên san sát, trẻ em đều được đến trường để theo học con chữ. Dù cuộc sống đã khởi sắc, nhưng bà con vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như đường xá, nước sạch… Tuy nhiên, tinh thần lạc quan và yêu đời vẫn luôn tràn đầy trong mỗi người.

Mỗi dịp Tết đến, cả bản làng lại tưng bừng tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống. Tiếng khèn Mông dìu dặt hòa quyện với tiếng cười nói rộn rã. Các cô gái trong trang phục truyền thống thướt tha, duyên dáng, cùng nhau nhảy sạp. Những chàng trai thi tài kéo co, bắn nỏ, thể hiện sức mạnh và sự khéo léo của mình. Bên bếp lửa hồng, các cụ già lại kể những câu chuyện cổ, truyền dạy kinh nghiệm sống cho thế hệ trẻ, giống như những cây rừng già đang vạch từng chiếc lá để thế hệ cây con được quang hợp ánh nắng mà vươn lên.

Họ quay quần bên nhau đến tận đêm khuya, khi đống lửa đã tàn mới bắt đầu trở về trong men rượu chếnh choáng. Đến khi ánh mặt trời chiếu những giọt nắng vàng xuyên qua màn sương long lanh họ mới tỉnh giấc. Họ tận hưởng những ngày Tết còn lại trong không khí yên bình, cùng nhau trò chuyện, nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả. Buổi tối, họ lại quây quần bên bếp lửa, kể chuyện, hát hò… Cứ như vậy, Tết ở đây kéo dài đến tận ngày làm lễ khao rừng mới kết thúc.

Ngày làm lễ khao rừng, cả bản làng cùng nhau lên bìa rừng, dâng lễ vật để cảm ơn thần linh, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Tiếng khèn Mông hòa quyện với tiếng trống hội, tạo nên một không khí thật náo nhiệt. Mọi người cùng nhau nhảy múa, hát ca, tạo nên một bức tranh lễ hội đầy màu sắc.

Từ những lời kể của ông Pó, sáng hôm sau, với lòng háo hức, chúng tôi đi bộ đến trung tâm bản làng. Nơi đây, không khí Tết đã ngập tràn, tiếng cười nói rôm rả hòa quyện với tiếng khèn Mông du dương. Tại đây, sân bãi được quét dọn sạch sẽ, các trò chơi như kéo co, đẩy gậy, ném còn đã được bày sẵn, mời gọi mọi người tham gia. Trẻ em nô đùa, người lớn trò chuyện rôm rả, tạo nên một khung cảnh thật ấm áp. Lấp ló ở các căn nhà sàn là những cô gái Mông với mái tóc đen dài, gương mặt rạng rỡ, trong bộ trang phục truyền thống sặc sỡ như những đóa hoa rừng.

Tết ở vùng cao xứ Thanh không chỉ là dịp để mọi người quần quần bên nhau mà còn là một bức tranh văn hóa độc đáo, nơi những giá trị truyền thống được gìn giữ và lan tỏa. Giữa khung cảnh núi rừng hùng vĩ, Tết ở bản làng như một bản giao hưởng rực rỡ sắc màu của tình người, của sự đoàn kết, và của niềm tin vào một năm mới an lành, no đủ./.

Hà Khải