Các vùng rau chuyên canh Hà Tĩnh sẵn sàng cho thị trường Tết

Thời điểm này, khi Tết Nguyên đán Ất Tỵ đang đến gần, tại các vùng chuyên canh rau của tỉnh Hà Tĩnh, nông dân đang tích cực chăm sóc rau màu để sẵn sàng phục vụ thị trường Tết.
rau-2-1737035007.jpg
Các vùng trồng rau chuyên canh tại Hà Tĩnh sẵn sàng nguồn hàng cung ứng cho thị trường tết.

Những năm gần đây, tại một số vùng của các địa phương tại Hà Tĩnh được quy hoạch thành vùng trồng rau chuyên canh phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Thời điểm này, khi tết Nguyên đán Ất Tỵ đang cận kề, các vựa rau đã sẵn nguồn hàng cung ứng cho thị trường.

Gia đình ông Nguyễn Quốc Ninh (thôn Bắc Văn, xã Thạch Văn, Tp Hà Tĩnh) là một trong những hộ dân trồng rau tại vùng đất cát bạc màu xã Thạch Văn, với hơn 5 sào cải củ và cà rốt. Những ngày này, gia đình ông vừa thu hoạch dần củ cải để bán ra thị trường, vừa chăm sóc hơn 2 sào cà rốt để kịp thu hoạch phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.

Ông Ninh cho biết: Mỗi năm gia đình tôi trồng từ 2 - 3 vụ rau, mỗi vụ thu hoạch từ 20 - 25 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập chính và ổn định của gia đình. Những năm gần đây rau được trồng đúng kỹ thuật, an toàn nên thương lái tìm đến tận nơi để mua, giá cả tăng dần vào dịp Tết nên chúng tôi lại có thêm động lực để sản xuất.

rau-3-1737035007.jpg
Người dân trồng xen canh cây rau ngắn ngày với dài ngày nên thường xuyên có nguồn rau củ cung ứng cho khách hàng.

Ông Nguyễn Văn Hội - Phó Giám đốc HTX rau, củ, quả Hằng Bảy (xã Thạch Văn, Tp Hà Tĩnh) chia sẻ: Để chuẩn bị nguồn rau củ cung ứng cho thị trường tết, từ đầu tháng 10 âm lịch người dân đã làm đất canh tác, xuống giống cho các lứa rau để kịp thời vụ. Giá rau vụ Tết tuy không nhỉnh hơn so với bình thường bao nhiêu, nhưng lượng tiêu thụ lại cao gấp 4 - 5 lần, do đó các nhà vườn luôn phải theo sát từng loại rau để cho ra những lứa rau tươi ngon, đảm bảo an toàn nhất. Thời điểm này, HTX chúng tôi đang thu hoạch củ cải, bí đỏ bán ra thị trường với giá từ 12 -15 ngàn đồng đồng/kg. Sát Tết sẽ thu hoạch thêm cà rốt và dự báo giá sẽ tăng cao hơn.

Xã Thạch Liên (huyện Thạch Hà) cũng là một trong những vựa rau lớn của tỉnh Hà Tĩnh. Những ngày này, những ruộng rau xanh mướt sẵn sàng phục vụ khách hàng.

rau-1-1737034995.jpg
Để phục vụ thị trường rau tết, người dân luôn bám ruộng để chăm sóc.

Bà Nguyễn Thị Hạnh (thôn Khang, xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà) cho biết: Gia đình tôi có 3 sào đất trồng các loại rau bắp cải, súp lơ và cà chua. Từ đầu tháng 12 âm lịch chúng tôi bắt đầu thu hoạch cà chua và bán cho thương lái với giá 25.000đ/kg, từ giữa tháng 12 đến giáp Tết sẽ thu hoạch bắp cải, súp lơ. Giá cả sẽ tăng cao trong thời điểm giáp Tết, vì vậy chúng tôi đang tích cực chăm sóc để tăng năng suất, chất lượng rau màu.

Đầu năm 2024, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn Khang, xã Thạch Liên đã được cấp chứng nhận VietGAP trên diện tích 2,5 ha. Với quy trình sản xuất rau an toàn nên được thị trường ưa chuộng, sản xuất đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Mỗi sào rau (500m2) có thể cho thu nhập từ 35 - 40 triệu đồng/năm. Với diện tích rau VietGAP, thu nhập còn có thể cao hơn (ở mức 70 - 80 triệu đồng/sào/năm).

Ông Trần Văn Lý - Tổ trưởng THT sản xuất rau an toàn thôn Khang, xã Thạch Liên cho biết:  Nhằm phục vụ thị trường trước và trong Tết,  nên bà con đã sản xuất theo hình thức luân canh, xen kẽ giữa cây ngắn ngày và dài ngày. Theo đó, từ tháng 10, bà con đã có sản phẩm xuất bán thường xuyên và kéo dài đến cận tết. Thị trường tiêu thụ chính tại các chợ ở thành phố Hà Tĩnh, Thạch Hà, Can Lộc, Hồng Lĩnh.

rau-1737034995.jpg
Những dùng rau chuyên canh được người dân trồng theo hướng VietGAP.

Còn tại vùng rau xanh Thị trấn Đức Thọ (huyện Đức Thọ) những ngày này, đã tấp nập cảnh thu hoạch rau để cung ứng cho thị trường trong và ngoài địa phương. Tổng diện tích đất màu hiện nay của 03 Hợp tác xã (Mai Hồ, Yên Liên và Yên Long) trên địa bàn toàn thị trấn là 53ha (gồm đất màu vùng ngoài đê ven Sông La, đất màu vùng trong đê của các tổ hợp tác và đất vườn hộ gia đình); số diện tích đất màu được bà con nông dân đưa vào sản xuất các loại giống rau khoảng từ 25 - 30ha, với sản lượng các loại rau hàng năm cung ứng trên thị trường ước tính trên dưới 100 tấn sản phẩm, đây là nguồn thu nhập chính cho các hộ dân ở địa phương vào mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Để sản xuất phục vụ thị trường dịp tết Nguyên đán, người trồng rau xuống giống vào khoảng giữa tháng 9 âm lịch. Các loại rau màu được đưa vào sản xuất là củ cải trắng, su hào, súp lơ, bắp cải và rau cải các loại,…

Để đảm bảo cung ứng cho thị trườngdịp trước và trong tết, người trồng rau tại các vùng chuyên canh đã thực hiện các biện pháp luân canh, xen canh, gối vụ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho các loại rau củ quả.

Còn hơn 10 ngày nữa là đến tết Nguyên đán, thời điểm này, những người trồng rau tại các vùng trồng rau Hà Tĩnh thường tất bật, vất vả hơn các thời điểm khác bởi thời tiết thời gian này có mưa lạnh, nắng xen kẽ nên thường sâu, bệnh gây hại ảnh hưởng đến cây. Vì vậy, người dân phải thường xuyên có mặt để kịp phòng trừ làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng thu hoạch.

Để có được sản phẩm an toàn thường các hộ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học và đối với những ruộng bị nặng thường cắt bỏ để xử lý nhằm không gây ảnh hưởng đến những ruộng xung quanh. Bên cạnh đó việc phòng trừ bà con nơi đây đều tuân thủ quy tắc trong thời gian cách ly để không ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng khi xuất bán ra thị trường.

h1-12-1737035133.jpg
Từ đầu tháng 12 Âm lịch, người dân bắt đầu thu hoạch củ cải và kéo dài đến tết Nguyên đán.

Ông Nguyễn Văn Bằng - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Văn cho biết: Toàn xã hiện sản xuất gần 14 ha rau màu các loại, trong đó có 2 HTX và 3 tổ hợp tác sản xuất rau an toàn được đầu tư hệ thống tưới tiên tiến, mạng lưới điện đảm bảo phục vụ sản xuất. Những năm gần đây, xã Thạch Văn đã mở rộng diện tích vùng trồng rau an toàn tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho diện tích trồng rau, đồng thời cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Theo đó, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo được thương hiệu rau an toàn.

Với kinh nghiệm sản xuất nhiều năm cộng với sự chăm chỉ, tỉ mỉ và niềm hăng say trong lao động sản xuất, người dân Hà Tĩnh đây đang nỗ lực từng ngày để tạo ra những sản phẩm rau sạch, chất lượng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025./.

Nguyễn Duyên