Hầu hết những nền kinh tế mới nổi cạn kiệt dự trữ ngoại hối vì COVID-19

Theo báo cáo mới của trang tin đầu tư fDI Intelligence dựa trên dữ liệu ngân hàng trung ương của 75 quốc gia, dự trữ ngoại hối của nhiều nền kinh tế mới nổi đã giảm mạnh so với thời điểm trước đại dịch COVID-19.

Dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương của 75 quốc gia cho thấy, hơn một nửa số nước được khảo sát có lượng dự trữ ngoại hối giảm ít nhất 25%. 3 quốc gia sụt giảm mạnh nhất là Bolivia, Sri Lanka và Li băng đều có mức giảm lên tới trên 75%, trong bối cảnh các nước này đang trải qua khủng hoảng tài chính. Tại Cộng hòa Kyrgyzstan, dự trữ ngoại hối sụt giảm một phần do lượng kiều hối từ Nga giảm.

Dự trữ ngoại hối cạn kiệt đe dọa hạn chế khả năng hỗ trợ thâm hụt ngân sách của các nước, cũng như ảnh hưởng tới hoạt động nhập khẩu thực phẩm, nhiên liệu và các hàng hóa thiết yếu khác.

du-tru-ngoai-hoi-626-1681448592.jpg

Ảnh minh họa.

Ngược lại, dự trữ ngoại hối của Ecuador và Côte d'Ivoire tăng mạnh nhờ có thặng dư tài khoản vãng lai, vay nợ của khu vực công và FDI ổn định đã tạo được ảnh hưởng. Ngoài ra, giá dầu cao hơn đã giúp tăng thu nhập xuất khẩu bằng USD, IMF cho biết.

Cập nhật của IMF tới hết quý III/2022 cho thấy, dự trữ ngoại hối toàn cầu đã xuống mức 11.600 tỷ USD - mức thấp kỷ lục kể từ đầu năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bắt đầu lây lan.

Trong phân bổ dự trữ ngoại hối toàn cầu đến quý III/2022, USD chiếm quy mô lớn nhất, đến 59,79%. Đứng thứ hai và ba là Euro và Yen, với tỷ trọng lần lượt là 19,66% và 5,62%./.

Thi Nguyên (t/h)