Dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm ở mức 7,5 - 8,2%

Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng năm 2022 và 2023, trong đó dự báo về tăng trưởng GDP năm 2022 hầu hết ở mức từ 7,5-8,2%.

Đây là thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022. Tại phiên họp này, về kinh tế-xã hội, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, KTXH nước ta tháng 10 và 10 tháng tiếp tục đà phục hồi, phát triển nhanh và mạnh với nhiều điểm sáng.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 2,89%. Các cân đối lớn được bảo đảm: Thu NSNN 10 tháng ước đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2%; kim ngạch XNK đạt hơn 616 tỷ USD, tăng 14,1%, xuất siêu 9,4 tỷ USD, riêng tháng 10 xuất siêu 2,27 tỷ USD; an ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu lương thực đạt 45 tỷ USD, trong đó có trên 6 triệu tấn gạo; an ninh năng lượng được bảo đảm, cơ bản cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,8% so tháng trước và tăng 10,2% so cùng kỳ.

ctvpcp-1667191275.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 6,3% so cùng kỳ và 10 tháng tăng 9%; 61/63 tỉnh, thành phố có chỉ số công nghiệp 10 tháng tăng. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng, bảo đảm tiến độ sản xuất, tái đàn, tái vụ, phục vụ nhu cầu dịp cuối năm và trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ giữ xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, tổng 10 tháng đạt gần 4,65 triệu tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2019. Khách quốc tế đến Việt Nam 10 tháng đạt gần 2,4 triệu lượt, tăng 18,8 lần so cùng kỳ. Tình hình đăng ký DN khởi sắc, số DN thành lập mới và trở lại hoạt động trong 10 tháng là 178.500, tăng 38,3% so cùng kỳ, gấp gần 1,5 lần số doanh nghiệp rút lui.

Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình KTXH của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng năm 2022 và 2023, trong đó dự báo về tăng trưởng GDP năm 2022 hầu hết ở mức từ 7,5-8,2%. Nikkei Asia đánh giá Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về đà phục hồi sau đại dịch COVID-19 (đứng thứ 8 thế giới).

Mặc dù vậy, các thành viên Chính phủ cho rằng vẫn còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng suy giảm; ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; sức ép về lạm phát, điều hành tỷ giá; hoạt động của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ chưa thật hiệu quả. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Việc triển khai một số nhiệm vụ của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân còn chậm…

Trong bối cảnh đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, nhưng phải linh hoạt và hiệu quả; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để người dân, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn nguồn tín dụng; hướng mạnh tín dụng vào sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, phải bảo đảm an ninh, an toàn về tiền tệ, tín dụng, tài chính, nợ công, lương thực, năng lượng; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng cả phía cung và phía cầu (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu); tăng cường quản lý, kiểm soát giá, xây dựng kịch bản điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất kinh doanh và đời sống, nhất là các mặt hàng xăng dầu, lương thực, thực phẩm. Tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, các công trình hạ tầng mang tính động lực cho phát triển.

Song song với đó, phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tiễn về bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân…

Hương lan (t/h)