Báo Mỹ đánh giá cao tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Tình hình thế giới vẫn có nhiều biến động, lạm phát tăng cao và những lo ngại về suy thoái kinh tế… Đây chính là những rủi ro với kinh tế toàn cầu. Việt Nam là một quốc gia có độ mở kinh tế cao, nên cũng đang chịu những ảnh hưởng nhất định. Trong bức tranh khó khăn chung của các quốc gia, Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế cả năm nay. Nội dung được nhiều báo chí quốc tế nhấn mạnh từ các báo cáo cập nhật quý III.

Sự chuyển mình mạnh mẽ, vược bậc

Theo một bài viết mới được đăng tải trên trang News Wire đã đánh giá cao tốc độ tăng trưởng kinh tế vĩ mô của Việt Nam, cũng như việc Việt Nam thúc đẩy tự do hóa thương mại với các quốc gia và khu vực trên thế giới. Chính phủ Việt Nam đã đảm bảo phục hồi kinh tế nhanh chóng và kiểm soát lạm phát bất chấp những thách thức bên ngoài, giúp tăng niềm tin của các nhà đầu tư.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng, từ 11,57 tỷ USD vào tháng 7 lên 12,8 tỷ USD vào tháng 8/2022, báo hiệu sự phục hồi của Việt Nam sau COVID-19. Sự tăng trưởng này một phần do nỗ lực nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo ra một môi trường đầu tư an toàn và thân thiện cho doanh nghiệp nước ngoài.

Đồng quan điểm với nhận định trên, tạp chí The Diplomat có trụ sở tại Mỹ nhận định: "Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế đáng kinh ngạc trong 40 năm qua, điều này khiến đất nước này trở thành một điểm đến hấp dẫn FDI". Bài viết chỉ ra rằng, Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhờ lợi thế cơ sở hạ tầng phát triển và những chính sách tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh.

na1-1627795682959-1664769757.png
Nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng và sở hữu lực lượng lao động dồi dào, nắm bắt được lợi thế này đã trở thành một nơi hấp dẫn hơn để các tập đoàn nước ngoài đầu tư. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, cách đây không lâu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cho năm 2022, điều chỉnh tăng từ 6% lên 7%. Đây là lần điều chỉnh tăng đáng kể duy nhất giữa các nền kinh tế châu Á và cao hơn so với các nền kinh tế khu vực lớn khác như Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc, các dự báo đều giảm từ 0,7 đến 1,1%. Tuần này, Ngân hàng Thế giới cũng điều chỉnh tương tự dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ 5,3% lên 7,2%, con số cao nhất đối với bất kỳ quốc gia nào ở Đông Á và Đông Nam Á.

Mặc dù đây là điều đáng kinh ngạc với nhiều người, nhưng lại là điều có thể đoán trước đối với những chuyên gia đã theo dõi sát sao Việt Nam trong vài thập kỷ qua. Âm thầm và lặng lẽ, Việt Nam đã chuyển mình từ một trong những nền kinh tế khó khăn nhất toàn cầu sang một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất, trong khi sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa Trung Quốc và Mỹ còn vô tình hỗ trợ cho sự tăng trưởng gần đây của Việt Nam.

Tận dụng tốt cơ hội

Việt Nam là nước được hưởng lợi từ cuộc cạnh tranh cường quốc giữa Mỹ và Trung Quốc. Chính sách "Zero COVID-19" của Trung Quốc buộc các doanh nghiệp phải tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ để giảm thiểu bất kỳ sự gián đoạn nào.

Chỉ tính riêng trong năm 2021, ít nhất 11.000 công ty nước ngoài đã hủy đăng ký công ty của họ tại Trung Quốc, trái ngược hoàn toàn với mức tăng ròng 8.000 công ty nước ngoài đăng ký vào năm 2020. Trong số đó, các công ty như Apple, Samsung và Hasbro, những công ty có năng lực và đã sản xuất lâu năm ở Trung Quốc, đã quyết định giảm hoạt động của họ tại nước này.

Việt Nam đã được hưởng lợi khi các công ty lớn chuyển sản xuất sang để tận dụng lợi thế của chi phí thấp, cơ sở hạ tầng phát triển, môi trường kinh doanh hỗ trợ và thành công trong việc giảm thiểu tác động kinh tế của COVID-19. Ví dụ, Foxconn, nhà sản xuất điện tử nổi tiếng có hợp đồng với tất cả các công ty công nghệ lớn, bao gồm cả gã khổng lồ Apple, tuyên bố sẽ đầu tư 300 triệu USD vào một nhà máy mới ở miền Bắc Việt Nam.

samsung-1664769757.jpg
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng, từ 11,57 tỷ USD vào tháng 7 lên 12,8 tỷ USD vào tháng 8/2022. Ảnh minh họa

Gần đây, Google đã thông báo rằng họ có kế hoạch chuyển một nửa sản lượng điện thoại Pixel sang Việt Nam, trong khi Microsoft đã tận dụng nhà máy ở Việt Nam cho một số thành phần của máy chơi game Xbox. Một vài năm trước, các tập đoàn này từng độc quyền sản xuất những mặt hàng nêu trên ở Trung Quốc. Nhìn chung, FDI của Việt Nam tăng 8,9% từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thử thách đối với tăng trưởng trong tương lai. Yếu tố hạn chế nhất là quy mô dân số của Việt Nam sẽ không bao giờ vượt quá được Trung Quốc. Tương tự, lực lượng lao động của Việt Nam cần tăng cường trình độ, nguồn cung năng lượng đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu. Mặc dù Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng vẫn chưa có thứ hạng cao về lĩnh vực này trên thế giới.

Những khuyến nghị phát triển kinh tế bền vững

Các tập đoàn nước ngoài cũng thể hiện sự quan tâm đến Việt Nam khi Chính phủ đã có những nỗ lực tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh dễ dàng hơn cho các công ty nước ngoài. Các chuyên gia và nhà đầu tư vẫn có nhiều kỳ vọng, đồng thời đưa ra những khuyến nghị cho thời gian tới, để đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Giáo sư David Dapice, chuyên gia Kinh tế cấp cao, Chương trình Việt Nam và Myanmar, Trung tâm Ash, Đại học Harvard, đánh giá: "Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam đã và đang đưa ra những chính sách đúng đắn cho phát triển, cần tiếp tục gia tăng độ mở của nền kinh tế và thu hút nhân tài đến với Việt Nam; tiếp thu những thành tựu trên thế giới và ứng dụng vào Việt Nam. Thu hút đầu tư vẫn quan trọng nhưng cần phải thu hút đầu tư chất lượng cao".

Bên cạnh đó, khi nguồn vốn FDI cạn dần, thì những chính sách thúc đẩy công nghiệp 4.0, cải cách các quy định và tài chính, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ phát huy hiệu quả và góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Việt Nam cần có một lực lượng lao động không chỉ biết lắp ráp linh kiện, mà còn có thể sáng chế ra những sản phẩm công nghệ cao. Tổng thể mà nói, tôi cho rằng sự phát triển của Việt Nam trong tương lai là rất tương sáng, vị này cho hay.

tq-can-3-4-the-he-6036-1664769757.jpg

Khuyến nghị để kinh tế tăng trưởng bền vững. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham), cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng sang năm, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt hơn 100 tỷ USD. Điều đó thể hiện sự quan tâm và thiện chí của các nhà đầu tư Hàn Quốc đối với thị trường Việt Nam. COVID-19 gần hết rồi, bây giờ chúng ta phải tiếp tục tạo ra những điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sang Việt Nam, cải thiện một chút các chính sách thu hút đầu tư cũng như chế độ cấp giấy phép lao động, thẻ tạm trú. Điều đó là những mong muốn của các nhà đầu tư Hàn Quốc đang hoạt động ở Việt Nam".

"Tôi cho rằng điều quan trọng là Chính phủ Việt Nam đẩy nhanh việc giải ngân các khoản chi tiêu tài khóa theo kế hoạch, chẳng hạn như phát triển cơ sở hạ tầng để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nhu cầu từ thị trường quốc tế đang chững lại. Đối với lạm phát, việc cắt giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu là một cách hiệu quả và một bước đi đúng đắn giúp hạn chế lạm phát. Nếu tiền Đồng mất giá khoảng 4 - 4,5% so với USD trong năm nay, thì vẫn còn tốt hơn rất nhiều so với nhiều nước châu Á khác, nhưng nếu áp lực mất giá tiền Đồng ngày càng gia tăng, thì Ngân hàng Nhà nước nên xem xét thắt chặt chính sách tiền tệ", ông Brian Lee Shun Rong, Nhà nghiên cứu kinh tế, Ngân hàng đầu tư Maybank, Singapore, nhận định.

Thi Nguyên (t/h)