Đồng Tháp tiên phong triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc

Đồng Tháp đã phát triển và vận hành thử nghiệm Nền tảng dữ liệu số ngành nông nghiệp tại địa chỉ VDAPES. COM từ tháng 5/2023. Dần tiến đến tích hợp các thiết bị IoTs vào tất cả hoạt động để có thể thu thập dữ liệu tự động. Quản lý tất cả hoạt động với công cụ số như phần mềm SaaS và ứng dụng di động Apps…
chuyen-doi-so-nong-nghiep-1-1718938974.jpg
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện chủ trì buổi họp.

Tiến đến chuyển đổi số toàn diện trong sản xuất nông nghiệp

Quyết định số 17 của Ủy ban Quốc gia; Quyết định số 1837 của Bộ NN&PTNT về Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ NN&PTNT năm 2023, giao tỉnh Đồng Tháp tiên phong trong việc tổ chức triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc.

Dựa trên quy định tại Nghị định 73/2019/NĐ-CP, nền tảng này là phần mềm nội bộ, đáp ứng nhu cầu đặc thù của địa phương theo Đề án chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp. Nền tảng phục vụ công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, thủy sản, kiểm lâm, thủy lợi và phát triển nông thôn. Kiến trúc dữ liệu tuân theo khung Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số.

Theo đó, Đồng Tháp đã phát triển và vận hành thử nghiệm Nền tảng dữ liệu số ngành nông nghiệp tại địa chỉ VDAPES.COM từ tháng 5/2023. Dần tiến đến tích hợp các thiết bị IoTs vào tất cả hoạt động để có thể thu thập dữ liệu tự động. Quản lý tất cả hoạt động với công cụ số như phần mềm SaaS và ứng dụng di động Apps… Quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp số dựa trên nền tảng thu thập thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu lớn hướng đến tự động hóa trong thu thập.

chuyen-doi-so-nong-nghiep-2-1718938951.jpg
Đồng Tháp đã phát triển và vận hành thử nghiệm Nền tảng dữ liệu số ngành nông nghiệp. (Ảnh minh họa)

Khung kiến trúc thuộc Nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp gồm 6 phân hệ chính gồm trồng trọt và BVTV; chăn nuôi, thú y; thủy sản; thủy lợi; lâm nghiệp; phát triển nông thôn. Ngoài ra tích hợp, chia sẻ dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường.

Trong quá trình vận hành thí điểm cho kết quả, nền tảng dữ liệu số ngành nông nghiệp Đồng Tháp là nền tảng mở, có thể đồng bộ với các phần mềm liên quan khi cần. Không tạo sự độc quyền cung cấp và có thể nâng cấp theo nhu cầu vận hành thực tế. Đến nay, đã tích hợp được 100% diện tích/số liệu thống kê ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Bên cạnh đó, nền tảng đã số hóa quy trình sản xuất an toàn, hình thành mạng lưới quan sát - quan trắc, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng sản phẩm; dần tiến đến chuyển đổi số toàn diện trong sản xuất nông nghiệp, hình thành mạng lưới quan sát - quan trắc tự động phục vụ hoạt động hướng đến canh tác thông minh bền vững.

Kiến nghị tiếp tục được giao làm mô hình điểm về chuyển đổi số nông nghiệp

Đại diện tỉnh Đồng Tháp cho biết, nhiệm vụ thí điểm thực hiện Nền tảng dữ liệu số về Nông nghiệp đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng nhu cầu sử dụng cho địa phương và có khả năng nhân rộng trong khu vực và toàn quốc. Tuy nhiên, đến nay chưa có mô hình mẫu, khung kiến trúc đối với Nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp cho từng lĩnh vực, nông, lâm, thủy sản do Bộ NN&PTNT ban hành để làm cơ sở xác định Nền tảng dữ liệu số nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng thời gian qua là phù hợp.

Với nguồn kinh phí ban đầu để xây dựng, phát triển phần mềm là rất lớn, tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư và xây dựng kế hoạch thuê sử dụng dịch vụ công nghệ thông tin.

Để giải quyết các khó khăn trên, tỉnh Đồng Tháp kiến nghị tiếp tục được giao làm mô hình điểm về chuyển đổi số nông nghiệp, với khung kiến trúc Nền tảng dữ liệu số ngành nông nghiệp được đánh giá là phù hợp, có khả năng tích hợp và đồng bộ dữ liệu với các nền tảng do các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT đang triển khai. Điều này sẽ tạo cơ sở để nhân rộng mô hình ra các tỉnh ĐBSCL và các vùng kinh tế lân cận.

Đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ hỗ trợ thống nhất phương pháp xác định và sử dụng dữ liệu để phục vụ công tác điều hành, đồng bộ với dữ liệu cơ sở của các địa phương như Đồng Tháp đang triển khai.

chuyen-doi-so-nong-nghiep-4-1718939038.jpg
Đồng Tháp tiên phong thực hiến ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong nông nghiệp. (Ảnh minh họa)

Dù chưa được bố trí nguồn vốn từ Trung ương, Đồng Tháp đã chủ động sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư hạ tầng thiết bị IoT, mang lại nguồn dữ liệu chính xác cao phục vụ quá trình quản lý và thu thập dữ liệu tự động. Tổng dự toán kinh phí thực hiện dự án là 37,3 tỷ đồng, bao gồm thuê thiết bị và dịch vụ hạ tầng, thuê dịch vụ công nghệ thông tin và chi phí tạo lập cơ sở dữ liệu.

Đồng Tháp kiến nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ 50% kinh phí từ ngân sách Trung ương trong tổng dự toán, nhằm thực hiện thí điểm xây dựng nền tảng dữ liệu số nông nghiệp.

Phần mềm nội bộ này, sau khi được Bộ chấp nhận, sẽ được đề xuất ban hành tiêu chí để áp dụng trong khu vực ĐBSCL và các vùng kinh tế lân cận, tạo điều kiện cho các địa phương tiếp cận và thuê sử dụng dịch vụ công nghệ thông tin.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, quá trình làm thí điểm bộc lộ nhiều khó khăn, đề nghị Trung tâm chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) nghiên cứu và điều chỉnh lại. 

Bên cạnh đó, với tỉnh tiên phong như Đồng Tháp, cần sự đồng hành của Trung tâm để cùng thực hiện các nhiệm vụ trong triển khai xây dựng kiến trúc nền tảng. Bên cạnh đó, xác định các bước tiếp theo trong quá trình làm thí điểm.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Bộ NN&PTNT đồng ý Đồng Tháp tiếp tục thí điểm. Thứ trưởng yêu cầu xem xét, đánh giá về khung kiến trúc của nền tảng chuyển đổi số của Đồng Tháp phù hợp với chỉ đạo của Bộ và đúng với kiến trúc cơ sở dữ liệu, nền tảng cơ sở dữ liệu cũng như hệ thống thông tin chuyển đổi số, từ đó có tính khả thi để nhân rộng ra các tỉnh khác. Bộ cũng sẽ tiếp tục tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và tài chính để thí điểm thành công./.

Bình Nguyên