Tiền Giang đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp

Đến tháng 5/2024, Tiền Giang đã ứng dụng truy xuất nguồn gốc, cấp 383 mã số vùng trồng cây ăn trái với diện tích 240.915,6 ha cùng 9 chủng loại cây trồng gồm: thanh long, sầu riêng, mít, xoài, vú sữa, dưa hấu, bưởi, chôm chôm, nhãn. Tỉnh đã cấp 308 mã số cơ sở đóng gói, trong đó có 66 mã số cơ sở đóng gói.
chuyen-doi-so-nong-nghiep-tien-giang-1716892917.jpg
Nông dân điều khiển máy bay phun thuốc trên ruộng lúa. Ảnh minh họa.

Ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang phát triển theo hướng công nghệ cao

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đánh giá, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp đã đem lại những hiệu quả thiết thực cho người nông dân.

Sau thời gian triển khai Kế hoạch 1584/KH-SNN&PTNT ngày 28/4/2022 về chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025, đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chú trọng nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số của tỉnh mang lại những kết quả nổi bật.

Đến tháng 5/2024, Tiền Giang đã ứng dụng truy xuất nguồn gốc, cấp 383 mã số vùng trồng cây ăn trái với diện tích 240.915,6 ha cùng 9 chủng loại cây trồng gồm: thanh long, sầu riêng, mít, xoài, vú sữa, dưa hấu, bưởi, chôm chôm, nhãn. Tỉnh đã cấp 308 mã số cơ sở đóng gói, trong đó có 66 mã số cơ sở đóng gói.

Trong phát triển vườn cây ăn trái, các tiến bộ kỹ thuật trong chăm sóc, sử dụng phân hữu cơ, công nghệ tưới tiết kiệm nước, sử dụng các chế phẩm sinh học phòng trừ sâu hại… được nhiều nhà vườn ứng dụng vào sản xuất đạt hiệu quả. Tỉnh Tiền Giang hiện có 100% diện tích sầu riêng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước giúp dễ dàng điều chỉnh vùng tưới, lượng nước, thời gian tưới theo từng thời điểm sinh trưởng, phát triển của cây, hạn chế lãng phí nước tưới. Đặc biệt, trong tình hình hạn, mặn xâm nhập năm nay, công nghệ tưới tiết kiệm nước đã phát huy hiệu quả trong cung cấp nước, phục vụ tưới tiêu cho vùng chuyên canh rau màu phía Đông của tỉnh, vùng chuyên canh thanh long của tỉnh ở huyện Chợ Gạo cũng như vùng chuyên canh sầu riêng ở các huyện phía Tây của Tiền Giang.

Về trồng trọt, dự án vùng sản xuất lúa công nghệ cao, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa giống chất lượng cao, nhân giống lúa chất lượng cao, ứng dụng máy cấy kết hợp vùi phân bón… giúp năng sất bình quân tăng, giảm chi phí sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường. Tỉnh Tiền Giang hiện đã phát triển được 11.260 ha sản xuất lúa chất lượng cao tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Đông, Gò Công Tây mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho nông dân.

Ngoài ra, có 2 hệ thống giám sát sâu rầy thông minh đã được lắp đặt tại các vùng trọng điểm sản xuất lúa của tỉnh. Từ đó, việc thống kê, theo dõi số lượng côn trùng vào đèn mỗi ngày (đặc biệt là rầy nâu) được thực hiện một cách dễ dàng và nhanh chóng bằng việc truy cập vào phần mềm ứng dụng. Các hộ nông dân lấy đó làm cơ sở thực tiễn để bố trí lịch thời vụ xuống giống nhằm né rầy đạt hiệu quả.

Tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chăn nuôi

Trong lĩnh vực chăn nuôi, trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều cơ sở đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chăn nuôi như các công nghệ về chuồng kín (44 cơ sở), tự động hóa hoàn toàn qua phần mềm vi tính để điều khiển hệ thống cho ăn tự động (12 cơ sở), gom trứng (3 cơ sở)… Quy trình chăn nuôi thực hiện theo công nghệ trang trại lạnh, quá trình điều chỉnh nhiệt độ được thiết kế chế độ chạy tự động theo dải nhiệt độ đã cài đặt theo nhiệt độ môi trường. Các cơ sở chăn nuôi đã ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng công nghệ mã QR code, tem truy xuất nhằm phục vụ truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm cùng hệ thống phần mềm quản lý chăn nuôi để theo dõi nhập, xuất thức ăn, sử dụng thuốc thú y, vaccine…

Về thủy sản, tỉnh Tiền Giang đã đưa vào sử dụng thiết bị giám sát hành trình cho 392 tàu cá đang hoạt động (đạt 100% số lượng tàu cá) nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm những vi phạm về các quy định trong hoạt động đánh bắt khai thác thủy sản trên biển, nhất là vi phạm vùng biển nước ngoài để có cơ sở cho việc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc hải sản sau đánh bắt. Hầu hết các tàu cá đều được trang bị các loại thiết bị cần thiết trước khi ra khơi gồm: định vị vệ tinh, thiết bị đàm thoại đường dài, tầm xa liên lạc với bờ; thiết bị đàm thoại tầm ngắn để liên lạc giữa các tàu cá trên biển; thiết bị nhận dạng tàu cá trên biển.

chuyen-doi-so-nong-nghiep-tien-giang-2-1716893687.jpg
tỉnh Tiền Giang đã đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp. Ảnh minh họa.

Đẩy mạnh thương mại điện tử trong nông nghiệp

Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang đã đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, hướng dẫn, khuyến khích nông dân đưa sản phẩm nông nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử. Tiền Giang hiện nay đã có 147/259 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP được đăng bán trên các trang thương mại điện tử như Voso.vn, Ocop247.vn, Postmart.vn, sendo.vn, htx.cooplink.vn… thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ tem QR code truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã tập trung vận hành, ứng dụng các hệ thống dữ liệu của ngành nhằm cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai… nhằm giúp người dân nâng cao năng suất cùng chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đang tập trung xây dựng, vận hành các ứng dụng phục vụ quản lý, điều hành cùng nhu cầu tra cứu thông tin trên môi trường mạng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất lao động; tăng cường nâng cao chất lượng sản phẩm; giảm rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu cũng như giúp nông dân kết nối trực tiếp với người tiêu dùng; trong đó, tập trung thực hiện trọng tâm định hướng sản xuất nông nghiệp theo các nội dung lớn gồm: phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp; tập trung vận hành, ứng dụng các hệ thống dữ liệu của ngành nhằm cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai… phục vụ sản xuất./.

Hữu Chí