Nuôi vịt ở Đồng Tháp tập trung nuôi nhiều nhất là vịt cò lấy trứng, nuôi theo mô hình vịt chạy đồng và nuôi vịt rọ. Năm 2021 cho sản lượng hơn 7.400 tấn thịt, 313 triệu trứng.
Anh Lê Văn Thìa, ở xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình cho biết, anh nuôi đàn vịt cò lấy trứng gần 3.000 con, nhờ cho vịt chạy đồng ăn lúa rơi và cua ốc khi lúa Đông Xuân sớm vừa thu hoạch xong, giảm được thức ăn công nghiệp, bình quân giá thành từ 1.100-1.200 đồng/trứng, hiện nay giá bán mỗi trứng vịt được 1.900 đồng, anh lãi từ 700-800 đồng/trứng. Với đàn vịt mỗi ngày anh thu về hơn 1.800 trứng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngành hàng vịt đã có nhiều chuyển biến tích cực, thay đổi tập quán sản xuất từ nuôi vịt chạy đồng nhiều rủi ro sang nuôi nhốt (nuôi vịt rọ) cho giá trị cao và an toàn sinh học, tổ chức quản lý chặt chẽ ngành chăn nuôi vịt, tiêm phòng, không để phát sinh dịch cúm gia cầm.
Ở huyện Tháp Mười, một trong huyện nuôi vịt tiêu biểu của tỉnh trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành hàng vịt, huyện đã tập trung phát triển nuôi vịt theo hướng sản xuất hàng hóa và xuất khẩu, đa dạng hóa sản xuất các sản phẩm như: thịt, trứng thương phẩm cho thị trường nội địa, xuất khẩu mang thương hiệu sản phẩm của địa phương. Phát triển ngành hàng vịt dần dần khắc phục tình trạng phát triển tự phát và chăn nuôi nhỏ lẻ. Vận động người nuôi thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, có kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm. Gắn kết chăn nuôi vịt với thị trường từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, đảm bảo phát triển bền vững.
Ngành hàng vịt còn bấp bênh, khi giá trứng lên xuống bất thường, hiện nay tỉnh cần có giải pháp nào để những người nuôi vịt có cuộc sống “du mục” này có thể cùng “ngồi lại với nhau” để “làm ăn lớn”; tìm đầu ra, thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm trứng vịt.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến nghị người chăn nuôi thực hiện với quy mô trang trại, giảm quy mô nuôi nhỏ lẻ. Cũng cố hoàn thiện các tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi vịt hiện có; đồng thời thành lập 1 chuỗi giá trị ngành hàng vịt theo hình thức liên kết thông qua hợp đồng pháp lý cung ứng đầu tư vật tư, hỗ trợ kỹ thuật có kết hợp tiêu thụ (công ty/ doanh nghiệp sẽ cung ứng thức ăn, con giống, vật tư chuồng trại, hướng dẫn kỹ thuật - người chăn nuôi tổ chức sản xuất - công ty/doanh nghiệp thu mua lại sản phẩm).
Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con thực hiện chăn nuôi với quy trình sản xuất tốt (VietGAP) nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trên cơ sở đó, từng bước xây dựng nhãn hiệu “Trứng vịt Đồng Tháp”; kêu gọi, hỗ trợ thành lập cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm từ trứng, thịt vịt để góp phần tiêu thụ, tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi vịt.…
Chăn nuôi vịt là một trong 5 ngành hàng tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, năm 2022 tỉnh Đồng Tháp phấn đấu giữ ổn định và phát triển 7 triệu con./.