Đôi vợ chồng trẻ và những lớp học tình người ở thành phố hoa phượng vàng

Từ tình yêu với trẻ thơ và tấm lòng thơm thảo muốn được cho đi mà không màng nhận lại, cặp vợ chồng anh Cao Việt Cường và chị Đào Thu Hà đã mở nhiều lớp học miễn phí để dạy học cho trẻ em trong khu phố.

Anh Cao Việt Cường là cán bộ Công an, hiện công tác tại Phòng Tham mưu – Công an tỉnh Đắk Nông còn chị Đào Thu Hà công tác tại Ban Dân Vận của tỉnh. Dù chẳng ai trong hai người làm nghề giáo nhưng đều đặn suốt mấy tháng qua trong ngôi nhà nhỏ tại tổ 3, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông những lớp học văn và võ cứ đều đặn được mở ra với học trò là đủ các lứa tuổi trong khu phố tìm đến.

z4874260833162-d2e4a4cffb06c2a6e5dffcc8957ef954-1704768639.jpg

Lớp dạy văn miễn phí của chị Đào Thu Hà.

Dạy văn bởi học văn là học làm người

Chia sẻ với phóng viên về lý do mở lớp dạy học của mình chị Hà cho biết, tình yêu với nghề giáo của chị xuất phát từ những ngày còn thơ bé. Khi chị học tiểu học tuy chỉ là học sinh khá nhưng đã được họ hàng và láng giềng xung quanh tin tưởng nhờ kèm các em lớp nhỏ hơn học bài. Lớn hơn một chút, chị lại tiếp tục được nhờ kèm môn Văn cho các em lớp 9. Dù sau này, không chọn theo nghề sư phạm nhưng dường như “mối duyên” ấy với chị không thể chấm dứt khi chị liên tục nhận được lời đề nghị từ hàng xóm, đồng nghiệp nhờ dạy kèm môn Văn cho các em từ học sinh bậc tiểu học đến THPT.

Trong những lần làm “cô giáo” đó chị Hà chẳng thể quên người “học trò” đặc biệt năm lớp 3 của mình. Năm đó, cùng thôn chị có một bác gái sau một trận ốm nặng thì không thể nói được, chỉ phát ra những tiếng ú ớ. Chị Hà vì thương cảm mà tranh thủ những lúc rảnh rỗi dạy bác ấy cách phát âm từng chữ một cho đến nói những từ đơn giản. Một thời gian sau người “học trò” ấy của chị bị bệnh nặng và không qua khỏi. Thế nhưng những ngày cuối đời cũng bác đã có thể nói được một số từ, câu ngắn với con gái và người thân trong gia đình.

Kỷ niệm khó quên đó là một trong những điều làm chị nhớ mãi và có lẽ đó cũng là động lực để chị mở những lớp học miễn phí về sau. Tuổi thơ cơ cực khi sinh ra trong một gia đình nghèo, chị Hà biết được đến trường, được đi học là điều may mắn và là cơ hội duy nhất giúp những đứa trẻ như chị có một tương lai tốt hơn. Đắk Nông nơi chị đang sinh sống là một tỉnh mới được tái thành lập gần 20 năm nay, còn nhiều khó khăn, vất vả. Các trung tâm giáo dục đã có nhưng thường là các trung tâm về ngoại ngữ, năng khiếu, kỹ năng. Việc để các em học sinh tiếp cận với các phương pháp học tập mới còn rất hạn chế.

Chị Hà nhận thấy hầu hết các em học sinh thường học văn một cách thụ động. Các em hạn chế vốn từ nên bài văn thiếu sinh động, hấp dẫn. Đặc biệt các em viết với mong muốn chỉ cần đủ điểm để qua, khi được giao bài tập làm văn về nhà việc đầu tiên các em làm là lên mạng tìm và chép lại để nộp.

Chị Hà tâm sự “Tôi luôn cho rằng, học văn là học làm người. Văn chương góp phần nuôi dưỡng tâm hồn con người, bồi đắp nhân cách trong sáng và giúp cuộc đời này trở nên tươi đẹp hơn. Tôi muốn được giúp các em trong khả năng của mình bằng cách dạy các em mở rộng vốn từ, bồi dưỡng cảm thụ văn học miễn phí ở cả ba cấp học. Tôi không có hi vọng gì quá lớn lao hay xa vời, chỉ mong các buổi bồi dưỡng văn học sẽ giúp các em hiểu được cái hay, cái đẹp trong văn chương, hiểu được giá trị nhân văn, tình người mà mỗi tác phẩm văn học gửi gắm”.

Các lớp học của chị Hà có số lượng không nhiều, từ 7-15 em/lớp. Mỗi tuần 2 buổi vào những ngày cuối tuần. Tính đến nay chị Hà đã “tốt nghiệp” các lớp học với cấp 3 và cấp 2 còn các lại lớp cấp 1 vẫn tiếp tục học. Tuy ít lớp và ít học sinh nhưng việc soạn bài, sửa bài, nhận xét định kỳ về các em cho từng phụ huynh cùng với công việc trên cơ quan gần như ngốn của chị toàn bộ thời gian trong ngày.

Bản thân chị Hà sức khỏe không tốt khi bị mắc bệnh tuyến giáp và đang phải điều trị. Theo định kỳ chị vẫn phải xuống TP. HCM tái khám và lấy thuốc uống theo chỉ định của bác sĩ. Nhiều khi bệnh tật và áp lực công việc khiến chị mệt mỏi và cũng có lúc muốn “buông xuôi” những lớp học. Thế nhưng khi nhận được tin nhắn của phụ huynh “khoe” con mình đã đạt điểm 8, điểm 9 đầu tiên của môn Văn. Và nghe các em tâm sự đã hết “sợ môn Văn”, đã hiểu cách làm bài, sử dụng vốn từ phong phú hơn thì mọi mỏi mệt của chị tự nhiên tan biến hết.

Bên cạnh việc dạy học, chị Hà cũng giới thiệu cho các em những cuốn sách hay, truyền tải các thông điệp tích cực, lồng ghép vào các bài học về tình cảm gia đình, lòng biết ơn, cách thể hiện cảm xúc của mình. Một số em sau các buổi học đã mạnh dạn bày tỏ tình cảm với cha mẹ, tâm sự với cha mẹ những điều mình băn khoăn, biết quan tâm đến gia đình, thầy cô, bạn bè hơn. Không chỉ học sinh học được kiến thức từ chị mà chính chị cũng học được ở các em những ý kiến bất ngờ và đầy sáng tạo, những góc nhìn mới mẻ gắn với thế hệ của các em. Chị Hà cho rằng đó là “quả ngọt” mình gặt hái được và cũng chính là động lực để tôi tiếp tục mở các lớp miễn phí tiếp theo.

Những điều tử tế dẫu nhỏ bé cũng sẽ giúp cho cuộc đời này tốt hơn

Còn đối với anh Cao Việt Cường việc mở lớp đơn giản từ việc muốn các cháu tập luyện để rèn luyện sức khỏe và tránh xa các thiết bị điện tử. Từng là Chủ nhiệm CLB Vovinam của trường Đại hoc An ninh nhân dân, anh có kinh nghiệm trong việc đứng lớp nên khi nhận được lời nhờ của các cháu nhỏ khi thấy anh dạy võ cho con trai anh đã vui vẻ đồng ý.

z4874257900857-e2e7f1cf08828160ee2533d27b459c17-1704768724.jpg

Anh Cường và học sinh lớp dạy võ .

“Lò luyện” mới chỉ có 6 cháu là con của các nhà hàng xóm xung quanh, độ tuổi từ học sinh lớp 1 đến học sinh lớp 4 và hoàn toàn miễn phí nhưng anh đã đầu tư rất nhiều dụng cụ để các cháu có thể tập luyện tốt nhất. Các cháu học 3 buổi/tuần, mỗi buổi 2 tiếng. Các học sinh tập luyện rất chăm chỉ và nghiêm túc theo sự hướng dẫn của thầy giáo nên sau hơn một tháng tập luyện, đã nắm được những động tác cơ bản, rèn luyện được tính kỷ luật và đoàn kết. Một điều khiến anh Cường khá bất ngờ là qua các buổi tập võ, các cháu còn rủ nhau tập múa lân với mục đích biểu diễn kiếm tiền giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Một mong ước hồn nhiên, ngây thơ nhưng cũng đầy tinh thần cao đẹp, thượng võ khiến anh Cường rất xúc động.

Anh Cường chia sẻ “Xung quanh tôi, những người đồng chí, đồng nghiệp, những người bạn vẫn đang hàng ngày lan tỏa tinh thần tình nguyện, chung tay vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng. Các bạn không ngần ngại đến với bà con vùng sâu, vùng xa, đến với các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn nơi biên giới. Điều tôi làm hết sức nhỏ bé nhưng tôi tâm niệm rằng, những điều tử tế dẫu nhỏ bé cũng sẽ giúp cho cuộc đời này trở nên ấm áp và tốt đẹp hơn”.

Đặc biệt nữa ở đôi vợ chồng Cường Hà đó chính là tình yêu với văn chương, khi chị Hà là nhà văn thuộc Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, còn anh Cường cũng là một cây viết tiềm năng trong lực lượng Công an. Số tiền nhận được từ việc bán 8 đầu sách của chị Hà cùng với nhuận bút từ việc viết văn của hai vợ chồng đều được trích để ủng hộ những trường hợp khó khăn, giúp đỡ trẻ em mồ côi mà anh chị biết. Thời gian tới để có thể dạy học miễn phí cho nhiều trẻ em hơn nữa, chị Hà dự kiến sẽ mở lớp học online để những bạn ở xa có thể theo học.

z4874254736346-c1b27c017c54c61b3875052bf301ed2d-1704768761.jpg

Gia đình anh Cường, chị Hà trong buổi ra mắt sách.

Chị Hà chia sẻ “ Có người khi thấy vợ chồng tôi mở những lớp học miễn phí còn bảo là “rỗi hơi”. Công việc của cả hai chúng tôi đều rất bận để có thể dạy học theo lịch đều đặn cả hai đã phải rất cố gắng để sắp xếp. Khi nhận được những lời nói như vậy tôi cũng có chút chạnh lòng, thế nhưng chúng tôi biết ý nghĩa của việc mình đang làm và sẽ tiếp tục làm để lan tỏa đi những thông điệp tốt đẹp cho con trẻ và cuộc sống”./.

Quang Minh