Sau khi thu thập tư liệu và hình ảnh về anh Trịnh Tố Tâm tôi và nhà biên kịch Phạm Minh Lợi ( Xưởng phim quân đội) đã xây dựng kịch bản sơ lược của bộ phim với tên gọi “ Trịnh Tố Tâm chân dung một người lính”. Tên của bộ phim là định hướng cho quá trình làm phim của ê kíp, nó sẽ là những câu chuyện dung dị, đời thường như cuộc đời của nhân vật.
Chuyến đi đầu tiên của đoàn làm phim là quê hương anh một ngôi làng đơn xơ thuộc huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây. Đây chính là nơi xuất hiện phong trào “ Chiếc gậy trường Sơn” nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chiếc gậy tre nhỏ bé mà các mẹ, các chị trao cho con em trước khi lên đường nhập ngũ trở thành một hình ảnh thân thương nhiều ý nghĩa. Chiếc gậy tre nhỏ bé chứa đựng tình yêu của quê hương, của gia đình mong ước những người con, nười em của mình chân cứng đá mềm vượt Trường Sơn đi giải phóng Miền Nam; Chiếc gậy tre còn là biểu tượng giữ nước tuyệt vời gắn với anh hùng Thánh Gióng nhổ bụi tre đánh giặc Ân – truyền thuyết oai hùng trong giữ nước của dân tộc. Chị ruột của anh Trịnh Tố Tâm Trịnh Thị Hào đã kể cho chúng tôi kỷ niệm về người em rất gan góc nhưng giàu tình thương với gia đình, làng xóm trước khi lên đường nhập ngũ. Chúng tôi đã ghi hình lại ngôi nhà đơn xơ có cây Roi ( miền nam gọi là cây mận) trĩu quả trước sân cùng phong cảnh làng quê. Cảnh nghĩa trang liệt sĩ của quê hương Trịnh Tố Tâm bên đầm sen trở thành cảnh chính khi mở đầu phim.
Trường đoạn tiếp theo là cảnh quay ngôi mộ của anh tại khu A nghĩa trang Văn Điển. Là thứ trưởng nhưng chưa là ủy viên trung ương nên anh không đủ tiêu chuẩn được mai táng tại nghĩa trang Mai dịch! Tấm ảnh gắn trên ngôi mộ là ảnh khi anh là lính trinh sát với chiếc mũ tai bèo được quay phim ghi lại bằng cú máy Zoom out để xuất hiện tên phim.
Hành trình tiếp theo, chúng tôi đến với tỉnh Thừa thiên Huế. Thời chống Mỹ anh Trịnh Tố Tâm cùng đồng đội trung đoàn 6 tác chiến trên đèo Hải Vân với nhiệm vụ phá cầu cống và đường sắt mà địch vận chuyển quân và vũ khí cho Quảng trị và các mặt trận khác. Đồng đội phong anh là “ Vua mìn đèo Hải Vân” còn kẻ địch đã treo giải thưởng lớn cho ai bắt được “ Con hùm xám đèo Hải Vân Trịnh Tố Tâm”. Điều kỳ lạ là suốt những năm tháng chiến đấu trên đèo Hải Vân Trịnh Tố Tâm không bị một vết thương nào. Chiến công của anh thật tuyệt vời hơn 50 lần được phong danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, diệt xe cơ giới; tiêu diệt 272 tên địch trong đó có 185 lính Mỹ, hai lần được phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang.
Trong một chuyến công tác khi anh là bí thư trung đoàn TNCSHCM tôi được anh chia sẻ: “ Mình giời đánh không chết”. Tiếc thay anh lại ra đi với bệnh ung thư vòm họng- trong đó có nguyên nhân từ di chứng của chất độc màu da cam khi chiến đấu tại Thừa thiên Huế.
Tại Phú Lộc – Thừa thiên Huế tôi đã được các đồng đội của anh kể lại những câu chuyện dũng cảm và mưu trí của anh trong chiến đấu và giản dị nhưng rất đỗi thân thượng với đồng đội và người dân. Đại tá Phan sĩ Khứ chia sẻ: “Tôi hỏi anh Phiêu ( đồng chí Lê Khả Phiêu) đơn vị anh có cậu nào nhanh nhẹn và thông minh không, thì anh Phiêu giới thiệu với tôi Trịnh Tố Tâm.”. Khi nghe tin anh mất đồng đội và bạn bè anh đã lập ban thờ anh tại huyện Phú Lộc – Thừa thiên Huế. Chúng tôi đã ghi hình được cảnh đồng đội lập ban thờ và làm lễ cho anh tại Phú Lộc – Thừa thiên Huế. Khi ra đi anh có ba cô con gái và con gái cả được đặt tên Trịnh Hải Vân, cái tên gắn bó với mảnh đất anh từng chiến đấu với các đồng đội mà anh từng sẻ từng bát cơm, viên thuốc, manh áo!
Trong phim ở trường đoạn chị Nguyễn Thị Hảo, con gái Trịnh Hải Vân và các đồng đội của anh viếng hài cốt những chiến sĩ đặc công bị giặc chôn trong ngôi mộ tập thể mới được phát hiện ở Phú Lộc tôi đã bình: “ Ai đã một lần đi qua dải đất miền trung hẳn sẽ thấy không có nơi đâu trên dải đất hình chữ S này nhiều nghĩa trang như thế. Nhiều như thế nhưng không phải tất cả các anh, các chị đã được nằm trong các nghĩa trang!”. Nhớ lại tôi vẫn bồi hồi xúc động!
Nhà báo Nguyễn Công Khế tổng biên tập báo Thanh niên tâm sự trong phim: “ Đối với lực lượng báo chí trung ương Đoàn TNCSHCM lúc nào anh Trịnh Tố Tâm cũng sống như một người anh hùng, một người lính. Khi chúng tôi gặp khó khăn không bao giờ anh bỏ chúng tôi. Bao giờ anh cũng nhận khuyết điểm về mình những cái gì là khuyết điểm của chúng tôi. Tôi thấy đấy là tâm hồn của người chiến sĩ, tâm hồn của người đồng chí, tâm hồn của người anh em, bè bạn. Một tâm hồn rất đẹp”.
Những nhân vật xuất hiện trong phim như đồng chí Trần Đình Hoan, bộ trưởng bộ lao động thương binh& xã hội, ông Trương sĩ Tiến, phó chủ tịch tỉnh Quảng trị, Hoàng Thọ Diêu trưởng ban thanh niên quân đội khi đó… đều dành cho Trịnh Tố Tâm những lời ngợi ca chân thành và sự khâm phục một người anh hùng, một nhân cách lớn. Câu chuyện hai lần ông phản bác lại ý kiến của hai tổng bí thư Nguyễn văn Linh và Đỗ Mười chúng tôi không đưa vào phim do những lý do khác nhau nhưng phẩm chất cao đẹp của người lính Trịnh Tố Tâm luôn còn nguyên vẹn trong tâm trí của đồng đội, đồng nghiệp và những người được sống và làm việc bên anh.
Phim được phát vào dịp 27/7/1997 trên sóng truyền hình Việt Nam đã tạo ra ấn tượng tốt với người xem cả nước. Liên hoan phim truyền hình toàn quốc 1998 tại Hà Nội. Bộ phim đã được trao huy chương bạc cùng lời khen ngợi của chủ tịch liên hoan phim Hồ Anh Dũng, tổng giám đốc đài truyền hình Việt Nam. Ai cũng biết phim dự thi thường có chủ đề gai góc mới có hy vọng có giải. Việc phim người tốt việc tốt “ Trịnh Tố Tâm chân dung một người lính”của chúng tôi vào giải có ý nghĩa riêng! 21 năm đã trôi qua nhưng với tôi tác giả chính của bộ phim vẫn luôn bồi hồi xúc động khi xem lại bộ phim này. Cũng xin chân thành cảm ơn đại tá Phạm Minh Lợi người viết kịch bản và nhà quay phim Hoa Đình Đạt ( đã mất năm 2010) đã cùng tôi thực hiện bộ phim giàu cảm xúc về anh hùng Trịnh Tố Tâm – một tấm gương tiêu biểu của tuổi trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ và dựng xây đất nước.