Sản lượng tăng kim ngạch xuất khẩu giảm
Năm 2023 ngành thuỷ sản chịu ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine kéo dài, giao tranh giữa Israel - Hamas, tình hình bất ổn tại Trung đông khiến kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo, lạm phát ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, người dân các nước thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm mạnh trong đó có sản phẩm thủy sản, dẫn đến những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu.
Năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước khoảng 9,2 tỷ USD, đạt 92% so với kế hoạch (10 tỷ USD). Trong đó xuất khẩu tôm đạt khoảng 3,45 tỷ USD; cá tra khoảng 1,9 tỷ USD; nhuyễn thể khoảng 0,8 tỷ USD; cá ngừ khoảng 0,9 tỷ USD.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng: “Năm 2023 với rất nhiều khó khăn, khó khăn từ xung đột trên thế giới, nhu cầu tiêu thụ giảm, một số nước có chung sản phẩm với chúng ta đều có chương trình gia tăng sản lượng. Bên cạnh đó khó khăn còn đến từ nội tại của sản xuất, các vấn đề môi trường, rào cản thương mại”.
Bên cạnh đó, giá cả một số hàng hóa, vật tư đầu vào phục vụ phát triển thủy sản vẫn còn ở mức cao, chi phí logistics cao gây áp lực đối với hoạt động sản xuất, đặc biệt khi nhu cầu tiêu thụ chững lại và quy mô sản xuất bị thu hẹp. Ủy ban châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam, khiến cho hoạt động xuất khẩu sang thị trường này vẫn gặp nhiều rào cản.
Trong năm 2023, sản lượng khai thác thủy sản đạt 3,86 triệu tấn, tương đương với năm 2022 trong khi mục tiêu của ngành là phải giảm được sản lượng còn 3,68 triệu tấn để đảm bảo sự phát triển bền vững của nguồn lợi.
Lý giải về việc thời gian qua số lượng tàu thuyền đã có xu hướng giảm nhưng sản lượng đánh bắt không giảm, ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng phòng Quản lý tàu cá và Cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, Cục Thủy sản phân tích: “Năm nay, bão gió ít, nghề nghiệp hoạt động bình thường. Tuy nhiên số lượng tàu thống kê lại thì giảm, tàu quá niên hạn, hỏng chứ không có chương trình nào để thu, phá dỡ tàu hay bán đi, chỉ giảm theo tuổi thọ. Con số giảm bởi vì rà soát. Sản lượng như năm ngoái, chuỗi cung ứng đứt gãy ở giai đoạn cuối nên xuất khẩu vẫn chưa như kỳ vọng”.
Trước những khó khăn chung, ngành thuỷ sản đạt được những kết quả khả quan trong năm 2023. Cụ thể, ước tính đến hết tháng 12/2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 9,269 triệu tấn, tăng 2% so với năm ngoái. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,4 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm ngoái.
Ông Trần Gia Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá ngành thủy sản vẫn là ngành giữ được tốc độ tăng trưởng khá so với nhiều lĩnh vực khác.
“Với chúng tôi ngành thủy sản là một trong những ngành có tăng trưởng tương đối khá. Có hai chỉ tiêu - thứ nhất là giá trị sản xuất, thứ hai là GDP, thủy sản năm nào hai chỉ tiêu này cũng vượt trội so với các ngành khác. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp khoảng 3,5-3,6%”.
Cần những giải pháp mạnh tạo đột phá trong năm 2024
Theo Cục thủy sản, 2024 sẽ tiếp tục là năm nhiều diễn biến bất thường, nguồn lợi hải sản suy giảm. Tình hình an ninh trật tự trên biển diễn biễn phức tạp, khó lường, các nước trong khu vực tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác trên biển, ngư trường khai thác hải sản của ngư dân ta bị thu hẹp đáng kể.
Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục giữ cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam. Nhu cầu nhập khẩu chưa có dấu hiệu hồi phục, sự cạnh tranh mạnh mẽ của các thị trường và lượng tồn kho của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Do đó, năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 9,22 triệu tấn, tương đương với ước thực hiện năm 2023. Trong số đó, sản lượng khai thác khoảng 3,54 triệu tấn, giảm 8,3% so với năm 2023; sản lượng nuôi trồng 5,68 triệu tấn, tăng 5% so với ước năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 9,5 tỷ USD.
Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, để vượt qua thách thức và tạo bước phát triển bền vững, thủy sản đã chuyển dần từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế tập trung; phát triển thị trường, sản xuất sản phẩm đặc thù, kết hợp với nhiều lĩnh vực, ngành nghề tạo thành liên kết chuỗi sản phẩm thủy sản.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành thủy sản năm tới cần có giải pháp tổ chức sản xuất phù hợp, thúc đẩy sự tham gia doanh nghiệp vào chuỗi liên kết để chia sẻ rủi ro.
“Hướng tới một ngành thủy sản xanh là một yêu cầu bắt buộc không thể đảo ngược được, xu thế thế giới rồi. Cái này chúng ta phải bắt nhịp ngay. Chiến lược như thế, tổ chức thực hiện như thế nào, cá tra ra sao? rong tảo ra sao? nuôi hồ thế nào? Tất cả phải rà soát lại” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Để vượt qua khó khăn về thị trường xuất khẩu, ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản cho rằng, phải tiếp tục tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi và chuỗi ngang. Trong lĩnh vực khai thác phải truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp; khai thác phải phù hợp với trữ lượng nguồn lợi và đảm bảo an toàn thực phẩm trên tàu cá, cảng cá về đến nhà máy.
Ngoài yêu cầu về giảm phát thải, tăng sản xuất xanh thì phúc lợi động vật cũng là vấn đề đặt ra đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thời gian tới. Đây không chỉ là nhu cầu của thị trường trong nước mà còn là xu hướng thị trường tiêu dùng thế giới thời gian tới./.