Doanh nghiệp xuất khẩu gạo có nhiều thuận lợi trong năm 2023

Năm 2023, dự báo, xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục thuận lợi. Trong ngắn hạn, giá gạo vẫn ở mức tốt do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.

Tại Hội nghị “Đánh giá tình hình xuất khẩu gạo năm 2022, nhận định các thuận lợi, khó khăn và thách thức trong năm 2023” do Bộ Công Thương tổ chức, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho biết, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, biến động địa - chính trị giữa các nước hay lạm phát của các nước gia tăng, nhưng xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn đạt được một số kết quả tích cực.

Cụ thể, năm 2022 xuất khẩu gạo đạt 7,13 triệu tấn, mang lại kim ngạch 3,45 tỷ USD; tăng 13,8% về số lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, chủng loại gạo trắng thường vẫn chiếm tỷ trọng ổn định ở mức dưới 45%, gia tăng xuất khẩu chủng loại gạo Việt Nam có thế mạnh như, gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp… giảm tỷ trọng xuất khẩu gạo thường, chất lượng thấp. Bên cạnh đó, năm 2022, tiếp tục ghi nhận xuất khẩu chủng loại gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng mặc dù với số lượng nhỏ nhưng mang lại giá trị cao.

Về thị trường, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng ở tất cả các thị trường. Trong đó, xuất khẩu gạo sang thị trường EU ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc, ở mức 95.510 tấn gạo, vượt hạn ngạch 80.000 tấn gạo mà EU dành cho Việt Nam. Các thị trường truyền thống và trọng điểm vẫn tiếp tục giữ vững như: Philippines, Trung Quốc, châu Phi, Cuba… Lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu 3,2 triệu tấn gạo sang thị trường Philippines.

hoi-nghi-gao-1676987526.jpg
Hội nghị “Đánh giá tình hình xuất khẩu gạo năm 2022, nhận định các thuận lợi, khó khăn và thách thức trong năm 2023”.

Tại Hội nghị các chuyên gia dự báo, xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục thuận lợi. Trong ngắn hạn, giá gạo vẫn ở mức tốt do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới. Bên cạnh đó, những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tại nhiều quốc gia tăng lên nên giá gạo vẫn ở mức tốt. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần chủ động nắm bắt thời cơ, ổn định vùng nguyên liệu để bảo đảm các đơn hàng xuất khẩu.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, châu Phi... nhìn chung trong quý I-II/2023 ổn định do các nước tăng cường dự trữ lương thực.

Đặc biệt, thị trường xuất khẩu gạo cũng đang rộng mở. Điển hình, Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại là tín hiệu tích cực bởi thị trường này dự kiến thu hút được những hợp đồng xuất khẩu gạo lớn. Hay như thị trường EU, theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam được cấp hạn ngạch 80.000 tấn, trong đó 30.000 tấn gạo trắng, 30.000 tấn gạo thơm, 20.000 tấn gạo lứt. Các đơn hàng gạo xuất khẩu nếu nằm trong danh mục trên thì được miễn thuế 175 EUR/tấn. Đây là lợi thế rất lớn, do đó, các doanh nghiệp nên tìm cách gia tăng sản lượng chủng loại gạo để tận dụng tối đa lợi thế.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặc dù thuận lợi về mặt thị trường, song hiện nay các doanh nghiệp ngành gạo lại đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khươi thông nguồn vốn. Đặc biệt trong giai đoạn thu hoạch rộ vụ Đông Xuân đang đến gần.

Ghi nhận các ý kiến từ doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh cho rằng, VFA và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần theo sát tín hiệu từ các thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc.Việc Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do. Bộ Công Thương sẽ phối hợp các bộ, ngành cùng tháo gỡ về nguồn vốn, về chính sách cũng như những hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường.

Trong chiến lược phát triển ngành lúa gạo từ nay đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu giảm sản lượng, giảm số lượng gạo xuất khẩu và tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Đây là định hướng đúng đắn về tái cơ cấu ngành lúa gạo, làm cơ sở để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành này sang chiều sâu; đáp ứng tiêu chuẩn cao về nhập khẩu và nhu cầu người tiêu dùng ở các nước phát triển. Năm 2023, ngành lúa gạo đề ra mục tiêu xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo, trị giá gần 4 tỷ USD.

Hương Lan