Doanh nghiệp Việt tìm sức bật từ 'xuất khẩu số' đón thời điểm vàng

Hiện nay các doanh nghiệp, doanh nhân Việt đang chủ động tiếp cận phương thức "xuất khẩu số" nhằm tạo sức bật tăng trưởng. Khi xuất khẩu truyền thống còn khó lường, xuất khẩu trực tuyến đang có "thời điểm vàng" cho hàng Việt.
xuat-khau-so-01-1710123447.jpg
Năm 2023 doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) từ DN tới người tiêu dùng đạt tới 20,5 tỷ USD. (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp nhanh nhạy nắm bắt "xuất khẩu số"

Nếu năm 2018, doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) từ DN tới người tiêu dùng (B2C) đạt khoảng 8 tỷ USD, đến năm 2023 vừa qua con số này đã tăng lên tới 20,5 tỷ USD. Tỷ trọng doanh thu TMĐT đã chiếm tới gần 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Tăng trưởng doanh thu trực tuyến năm 2023 đạt hơn 54% so với năm 2022. Khi hoạt động này đã không còn xa lạ ở thị trường nội địa, xúc tiến xuất khẩu trực tuyến là cơ hội lớn và doanh nhân, DN nào sớm nhận diện và nhanh nhạy tham gia chắc chắn sẽ tăng tốc phát triển tốt.

Không phải đến nay xuất khẩu trực tuyến mới được cộng đồng doanh nhân, DN Việt Nam quan tâm. Hoạt động này đã được thúc đẩy mạnh mẽ từ giai đoạn toàn nền kinh tế chịu tác động từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đến nay, lượng doanh nhân, DN quan tâm xuất khẩu đa biên giới thông qua TMĐT đã đi sâu về “chất”, tức là không chỉ cố kiếm được các đơn hàng mà còn quan tâm lựa chọn, quảng cáo sản phẩm trên các gian hàng như thế nào để duy trì được lượng khách hàng trung thành toàn cầu. Cách thức giao dịch, vận chuyển như thế nào để đảm bảo tối ưu chi phí, an toàn nguồn hàng khi giao dich xuyên biên giới; quan tâm nhận diện các hợp đồng trực tuyến, với các chữ ký số, con dấu online…

Theo các chuyên gia nhận định, khi xuất khẩu truyền thống còn khó lường, xuất khẩu trực tuyến đang có "thời điểm vàng" cho hàng Việt. "Đây là thời điểm vàng để các thương hiệu Việt Nam tiến ra thị trường thế giới", ông Randolph Ng, Giám đốc khách hàng mới khu vực Đông Nam Á, Australia, Ấn Độ của Google châu Á - Thái Bình Dương nhận định tại ''Diễn đàn Vietnam Brand Scale Up" vừa diễn ra tại TP HCM.

Thời cơ này, theo ông Randolph Ng, nhờ vào thương mại điện tử xuyên biên giới dự báo tiếp tục phát triển ít nhất 15% mỗi năm các năm tới. Nghiên cứu của Juniper Research (Anh) cho hay quy mô thị trường này năm 2023 ước đạt 1.600 tỷ USD và sẽ vượt 3.000 tỷ USD vào 2028.

xuat-khau-so-02-1710123471.jpg
Khi xuất khẩu truyền thống còn khó lường, xuất khẩu trực tuyến đang có "thời điểm vàng" cho hàng Việt.(Ảnh minh họa)

Cùng với đó, các nhà sản xuất và thương hiệu Việt Nam đang "có vị thế rất tốt" để nắm bắt cơ hội xuất khẩu, theo chuyên gia của Google. Nhiều sản phẩm như may mặc, phụ kiện, nội thất, gia dụng, mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe đã hiện diện các chợ trực tuyến bán lẻ, bán sỉ quốc tế.

Đặc biệt, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đều đang có mức độ thâm nhập về thương mại điện tử xuyên biên giới khá cao. Theo số liệu của nền tảng eMaketer, mức độ thâm nhập của thị trường Mỹ và Trung Quốc là hơn 31%.

Tại châu Âu, tỷ lệ này còn cao hơn, dao động từ trên 33% đến khoảng 51% tại 5 nền kinh tế hàng đầu gồm: Đức, Anh, Pháp, Italy, Tây Ban Nha. Mức độ thâm nhập được tính bằng tỷ lệ người khảo sát cho biết từng mua hàng online nước ngoài trong năm.

Nỗ lực vượt rào cản để đón thời điểm vàng

Những tín hiệu rất tích cực cho thấy doanh nhân, DN Việt đã và đang quan tâm hoạt động “xuất khẩu số’. Thời gian qua, theo nhìn nhận của các chuyên gia cả trong nước lẫn chuyên gia quốc tế, cơ hội tăng tốc xuất khẩu trực tuyến của sản phẩm, hàng hoá Việt rất nhiều nhưng rào cản, bất cập cũng nhiều, khiến cho hiệu quả không tương xứng.

Các rào cản, bất cập chủ yếu do các yếu tố chủ quan, như DN hiểu về sự cần thiết phải chuyển đổi số, xúc tiến xuất khẩu trực tuyến nhưng đa phần không biết phải bắt đầu từ đâu, hay tìm tới đâu để biết được những công đoạn cần quan tâm trong xuất khẩu trực tuyến. Việc thiếu nhân sự hiểu biết xuất khẩu trực tuyến là rào cản lớn thứ hai.

Và vấn đề thứ 3, được nhiều chuyên gia chỉ rõ là nhiều DN sau khi đã tiếp cận được với hoạt đông xuất khẩu trực tuyến, thông qua các sàn TMĐT lại quên đổi mới sáng tạo – sản phẩm hàng hoá không phong phú, đa dạng, cách thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm không được cải tiến thường xuyên, liên tục khiến lượng khách hàng ngày càng sụt giảm.

Đó là lí do nhiều năm qua các Bộ, ngành chức năng trong đó có Bộ Công Thương, trực tiếp là Cục Xúc tiến thương mại đã nỗ lực thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, các hoạt động xúc tiến thương mại số tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa DN và thị trường, từ đó mang lại những kết quả thực tiễn củng cố niềm tin và tạo đà cho DN, đặc biệt là trong bối cảnh còn nhiều rất nhiều khó khăn, thách thức của năm 2024.

“Bộ Công Thương đã tập trung nghiên cứu triển khai và điều chỉnh nhiều hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp với tình hình thực tiễn, phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế nhằm đồng hành hiệu quả nhất đối với DN”, ông Phú nói.

xuat-khau-so-03-1710123431.jpg
Doanh nghiệp cần hoạt động đa kênh, bán trên nhiều sàn và cả tìm cách kết nối trực tiếp với người tiêu dùng. (Ảnh minh họa)

Để tận dụng "thời điểm vàng", ông Randolph Ng khuyến nghị doanh nghiệp hoạt động đa kênh, bán trên nhiều sàn và cả tìm cách kết nối trực tiếp với người tiêu dùng. Họ có thể tận dụng tiếp thị trực tuyến và tìm kiếm các công cụ hỗ trợ về logistics, thanh toán, chăm sóc khách hàng.

Đồng thời, cần nắm bắt xu hướng. Nghiên cứu của Alibaba chỉ ra tính bền vững tiếp tục là trọng tâm năm nay. Người mua ngày càng đòi hỏi các sản phẩm có nguồn gốc thân thiện môi trường.

Khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Kantar chỉ ra các điểm tương tự. Theo đó, 2 trong 5 ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng toàn cầu khi lựa chọn sản phẩm là thành phần 100% tự nhiên và 100% bao bì tái chế.

Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Khối kinh doanh Kantar Việt Nam lưu ý thương hiệu có thể truyền thông về tính bền vững của sản phẩm để hút khách nhưng phải gắn các câu chuyện nguồn gốc, quy trình sản xuất với lợi ích cụ thể cho người mua để đạt hiệu quả.

Ngoài ra, cải tiến mẫu mã, bao bì và liên tục ra mắt sản phẩm mới là cách cạnh tranh, cả với thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Ông Nguyễn Trung Dũng cho hay công ty đang có khoảng 100 loại sản phẩm (SKU), có lúc đỉnh điểm đến 200 SKU. "Đôi khi ra 2-3 sản phẩm mới một cái thành công. Nhiều sản phẩm cũng để khách hàng dễ lựa chọn. Với xuất khẩu, có sản phẩm không được chuộng ở thị trường này nhưng bán tốt ở thị trường khác", ông Dũng nêu./.

Bình Nguyên