Thời điểm vàng cho thương hiệu Việt
"Đây là thời điểm vàng để các thương hiệu Việt Nam tiến ra thị trường thế giới", ông Randolph Ng, Giám đốc khách hàng mới khu vực Đông Nam Á, Australia, Ấn Độ của Google châu Á - Thái Bình Dương nhận định tại "Diễn đàn Vietnam Brand Scale Up" vừa diễn ra tại TP HCM.
Với chủ đề “Thương hiệu TP Hồ Chí Minh - Đổi mới và bền vững hướng ra thị trường quốc tế”, Diễn đàn Vietnam Brand Scale Up lần thứ nhất do Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh và Vietnam Brand Purpose phối hợp tổ chức đã thu hút nhiều chuyên gia, diễn giả trong và ngoài nước cùng hơn 300 doanh nghiệp tham dự.
Diễn đàn năm nay có chủ đề "Thương hiệu TP Hồ Chí Minh - Đổi mới và bền vững hướng ra thị trường quốc tế " thu hút nhiều chuyên gia, diễn giả trong và ngoài nuớc cùng hơn 300 doanh nghiệp tham dự với 2 phiên chính gồm 7 bài tham luận và 1 tọa đàm.
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – Phó Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh: "Đây không chỉ là một chủ đề quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng mà còn là mục tiêu cấp thiết mà TP Hồ Chí Minh hướng tới. Thành phố, doanh nghiệp và những người làm thương hiệu phải luôn là những nguời đi đầu, không ngừng đổi mới trong quản trị doanh nghiệp và phát triển thương hiệu, liên tục mở rộng quy mô đáp ứng không chỉ nhu cầu nội địa mà còn cả thị trường quốc tế."
Thời cơ này, theo ông Randolph Ng, nhờ vào thương mại điện tử xuyên biên giới dự báo tiếp tục phát triển ít nhất 15% mỗi năm các năm tới. Nghiên cứu của Juniper Research (Anh) cho hay quy mô thị trường này năm 2023 ước đạt 1.600 tỷ USD và sẽ vượt 3.000 tỷ USD vào 2028.
Cùng với đó, các nhà sản xuất và thương hiệu Việt Nam đang "có vị thế rất tốt" để nắm bắt cơ hội xuất khẩu, theo chuyên gia của Google. Nhiều sản phẩm như may mặc, phụ kiện, nội thất, gia dụng, mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe đã hiện diện các chợ trực tuyến bán lẻ, bán sỉ quốc tế.
Đặc biệt, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đều đang có mức độ thâm nhập về thương mại điện tử xuyên biên giới khá cao. Theo số liệu của nền tảng eMaketer, mức độ thâm nhập của thị trường Mỹ và Trung Quốc là hơn 31%.
Tại châu Âu, tỷ lệ này còn cao hơn, dao động từ trên 33% đến khoảng 51% tại 5 nền kinh tế hàng đầu gồm: Đức, Anh, Pháp, Italy, Tây Ban Nha. Mức độ thâm nhập được tính bằng tỷ lệ người khảo sát cho biết từng mua hàng online nước ngoài trong năm.
Bà Trần Tuệ Tri, Cố vấn Vietnam Brand Purpose, tác giả sách "Thương hiệu Việt Nam - Thời khắc vàng" cũng đồng quan điểm đang có "thời điểm vàng". Ngoài thị trường phát triển, bà Tri cho rằng cơ hội còn nằm ở các lợi thế sản xuất và tiêu thụ. Trong đó, tài nguyên phong phú và tinh hóa di sản văn hóa là điều kiện có thể tận dụng. Bên ngoài, lượng kiều bào đông đảo cũng là lực lượng ủng hộ.
Ông Đồng Thanh Sơn, Đồng sáng lập thương hiệu mỹ phẩm Abera trải nghiệm được những lợi thế này khi xuất khẩu trực tuyến. Tiếp cận thị trường Mỹ thông qua sàn Shopify, Abera sau đó mở cửa hàng trên Amazon và đạt doanh số triệu USD trong năm đầu tiên, theo ông Sơn.
Thừa nhận thị trường mỹ phẩm online quốc tế cạnh tranh rất cao nhưng ông cho rằng hàng Việt vẫn "có cửa" nhờ nguồn dược liệu phong phú và bán hàng trên các sàn là một sân chơi công bằng. "Tôi nghĩ vài năm nữa sản phẩm 'Made in Vietnam' sẽ phủ sóng toàn cầu", ông Sơn tự tin.
Cũng tận dụng lợi thế về nguyên liệu và văn hóa bản địa, ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc Dh Foods, một công ty sản xuất gia vị, đã xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, Hàn, Canada, châu Âu sau khi phủ sóng các siêu thị nội địa.
"Ẩm thực Việt Nam bắt đầu phổ biến thế giới, từ phở, bánh mỳ đến bún chả. Món ăn chúng ta đi đến đâu, gia vị Việt Nam đi đến đó", ông Dũng nói. Nhà sáng lập Dh Foods cho rằng việc nhắm đến các thị trường phát triển là do ưa chuộng sản phẩm nguồn gốc tự nhiên và chấp nhận được giá cao.
Doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội tận dụng đa kênh
Để tận dụng "thời điểm vàng", ông Randolph Ng khuyến nghị doanh nghiệp hoạt động đa kênh, bán trên nhiều sàn và cả tìm cách kết nối trực tiếp với người tiêu dùng. Họ có thể tận dụng tiếp thị trực tuyến và tìm kiếm các công cụ hỗ trợ về logistics, thanh toán, chăm sóc khách hàng.
Đồng thời, cần nắm bắt xu hướng. Nghiên cứu của Alibaba chỉ ra tính bền vững tiếp tục là trọng tâm năm nay. Người mua ngày càng đòi hỏi các sản phẩm có nguồn gốc thân thiện môi trường.
Khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Kantar chỉ ra các điểm tương tự. Theo đó, 2 trong 5 ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng toàn cầu khi lựa chọn sản phẩm là thành phần 100% tự nhiên và 100% bao bì tái chế.
Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Khối kinh doanh Kantar Việt Nam lưu ý thương hiệu có thể truyền thông về tính bền vững của sản phẩm để hút khách nhưng phải gắn các câu chuyện nguồn gốc, quy trình sản xuất với lợi ích cụ thể cho người mua để đạt hiệu quả.
Ngoài ra, cải tiến mẫu mã, bao bì và liên tục ra mắt sản phẩm mới là cách cạnh tranh, cả với thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Ông Nguyễn Trung Dũng cho hay công ty đang có khoảng 100 loại sản phẩm (SKU), có lúc đỉnh điểm đến 200 SKU. "Đôi khi ra 2-3 sản phẩm mới một cái thành công. Nhiều sản phẩm cũng để khách hàng dễ lựa chọn. Với xuất khẩu, có sản phẩm không được chuộng ở thị trường này nhưng bán tốt ở thị trường khác", ông Dũng nêu.
Khảo sát của Kantar Việt Nam cho hay, trong nửa đầu năm 2023, trung bình mỗi ngày có 32 sản phẩm mới ngành tiêu dùng được tung ra thị trường nội địa mỗi ngày, gấp đôi so với năm 2014, với 16 sản phẩm. Người tiêu dùng được cho là ngày càng ít trung thành, yêu thích trải nghiệm cái mới.
"Nếu không đổi mới thì đối thủ đổi mới. Thị trường đang ngày càng cạnh tranh về số lượng sản phẩm mới tung ra mỗi ngày", bà Nguyễn Phương Nga nhận định.
Kết thúc Diễn đàn, với những chia sẻ và trao đổi từ các diễn giả, bà Nguyễn Thanh Giang - CEO Vietnam Brand Purpose đã có tổng kết về tiềm năng, cơ hội, thách thức và các bài học đi ra thị trường quốc tế của Thương hiệu TP Hồ Chí Minh.Theo đó, muốn tiến ra thị trường quốc tế, doanh nghiệp cần chuẩn bị hành trang từ việc xây dựng thương hiệu mạnh đến triển khai chiến lược tiếp cận thị trường quốc tế bài bản cùng với các đối tác tư vấn chuyên nghiệp.
Với sự nỗ lực của tất cả doanh nghiệp cùng nguồn lực của các chuyên gia trong và ngoài nước, TP Hồ Chí Minh sẽ không chỉ là một trung tâm kinh tế của Việt Nam, mà còn là nơi tạo ra những thương hiệu uy tín, chất lượng và bền vững trên thị trường quốc tế. Điều này không chỉ đem lại sự phát triển cho TP Hồ Chí Minh mà còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới./.