Doanh nghiệp phân bón cần thêm những giải pháp trợ lực thích ứng với Xanh hóa sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh

Sản xuất hoá chất và phân bón là những ngành công nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây phát thải cao, sử dụng nhiều năng lượng do đó yêu cầu về tiêu chuẩn xanh còn được đặt ra khắt khe hơn rất nhiều. Các doanh nghiệp sản xuất hóa chất và phân bón thích ứng với xu hướng Xanh hóa như thế nào? Cần thêm những giải pháp như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động và thích ứng với Xanh hóa sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh?

Những nội dung trên là chủ đề chính được các đại biểu thảo luận tại Tọa đàm với chủ đề “Xanh hóa” sản xuất hóa chất và phân bón: Cơ hội cạnh tranh hiệu quả cho doanh nghiệp, do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 24/10.

toa-dam-xanh-hoa-san-xuat-phan-bon-2-1729816506.jpg
Các đại biểu tham dự Tọa đàm với chủ đề “Xanh hóa” sản xuất hóa chất và phân bón: Cơ hội cạnh tranh hiệu quả cho doanh nghiệp. (Ảnh Vietnam+)

Yêu cầu về tiêu chuẩn xanh trong sản xuất phân bón ngày càng khắt khe

Đề dẫn tại Tòa đàm cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các nhiều hoạt động, chương trình nhằm tăng cường bảo vệ môi trường, thực hiện các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch bảo vệ môi trường của ngành Công Thương giai đoạn 2020-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Một trong những giải pháp trong Kế hoạch được quan tâm là thúc đẩy thí điểm các mô hình công nghiệp xanh trong các ngành công nghiệp.

Trong khi đó, sản xuất hoá chất và phân bón là những ngành công nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây phát thải cao, sử dụng nhiều năng lượng do đó yêu cầu về tiêu chuẩn xanh còn được đặt ra khắt khe hơn rất nhiều.

Các doanh nghiệp sản xuất hóa chất và phân bón thích ứng với xu hướng Xanh hóa như thế nào? Cần thêm những giải pháp như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động và thích ứng với Xanh hóa sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

toa-dam-xanh-hoa-san-xuat-phan-bon-4-1729816482.jpg
Theo Đề án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam phấn đấu thành quốc gia có tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ cao, diện tích trồng trọt sử dụng phân bón hữu cơ chiếm 50% vào năm 2050. (Ảnh minh họa)

Tại Tọa đàm, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp cùng tham gia thảo luận, chia sẻ về: Kế hoạch bảo vệ môi trường của ngành Công Thương giai đoạn 2020-2025, những hoạt động Bộ Công Thương đã triển khai trong thời gian qua, đặc biệt là những giải pháp về phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và thúc đẩy các doanh nghiệp ngành hóa chất phát triển bền vững; vai trò và ý nghĩa của hoạt động bảo vệ môi trường, loại bỏ các nguồn ô nhiễm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành hóa chất, phân bón; Những tác động của xu hướng sản xuất xanh đến các doanh nghiệp sản xuất hóa chất, phân bón tạo ra các cơ hội, thách thức như thế nào?...

Từ đó nâng nâng cao nhận thức về sản xuất xanh, thay đổi tư duy và áp dụng các phương thức chuyển đổi xanh trong các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh, qua đó giúp tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp hóa chất, phân bón. Đồng thời tăng cường các giải pháp trợ lực từ Chính phủ và các cơ quan ban, ngành, địa phương góp phần nâng cao hiệu quả chuyển đổi xanh của doanh nghiệp, tạo động lực tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Nếu doanh nghiệp sản xuất theo hướng xanh thì thương hiệu sẽ nổi tiếng hơn

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, theo Đề án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam phấn đấu thành quốc gia có tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ cao, diện tích trồng trọt sử dụng phân bón hữu cơ chiếm 50% vào năm 2050.

Tuy vậy, Chủ tịch Phùng Hà cũng cho rằng việc sử dụng phân bón khá lãng phí. Dẫn thống kê của của IFA (Tổ chức Hiệp hội phân bón thế giới), theo ông Hà, trên thế giới bình quân chỉ dùng khoảng 135kg-140kg/hecta, còn ở Việt Nam lên tới 400 kg. Chính vì vậy, theo Chủ tịch Phùng Hà, muốn sản xuất xanh cần tập trung giải quyết vấn đề này.

“Nếu doanh nghiệp sản xuất theo hướng xanh thì thương hiệu sẽ nổi tiếng hơn” ông Phùng Hà nói, đồng thời nhấn mạnh việc sản xuất xanh, tức là gắn với nông nghiệp xanh, trong đó chú trọng để đầu vào tiết kiệm được năng lượng, tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên và đầu ra phải đảm bảo môi trường, phải bền vững.

Liên quan tới vấn đề xanh hóa, bà Nguyễn Thanh Phương, Cục Kỹ thuật An toàn và môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, nhận thức xanh hóa công nghiệp là khó khăn lớn nhất, do chưa có quy định cụ thể nên việc triển khai còn gặp khó khăn.

Mặt khác, năng lực triển khai thực hiện đối với các doanh nghiệp ngành hóa chất nói riêng, đặc biệt liên quan đến xanh hóa công nghiệp như việc chuyển đổi nguồn nguyên liệu đầu vào đến chuyển đổi nguồn năng lượng sử dụng, thay đổi các công nghệ, áp dụng các công nghệ mới, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường hơn… đều phải đầu tư lớn, do vậy sẽ khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

toa-dam-xanh-hoa-san-xuat-phan-bon-3-1729816585.jpg
Bà Nguyễn Thanh Phương trao đổi ý kiến tại tọa đàm. (Ảnh Vietnam+)

Bà Phương cũng nêu việc thiếu các quy định, như xác định xanh hóa là gì, phải thực hiện ra sao? vì vậy, việc đưa ra các những chính sách và cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp như thế nào cũng chưa cụ thể.

“Mặc dù Việt Nam có những chủ trương hướng tới xanh hóa công nghiệp cũng như là sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên rồi là sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn năng lượng. Thế nhưng việc áp dụng nó hiện nay vẫn còn rất nhỏ lẻ, chưa đồng bộ,” bà Nguyễn Thanh Phương nói.

Bà Nguyễn Thanh Phương cũng cho biết trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường chỉ đạo cũng như triển khai các nhiệm vụ liên quan được giao trong Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường nói chung, các nội dung liên quan như phát triển công nghiệp môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng ngừa, ứng phó với các sự cố môi trường, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh…

Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tài nguyên Môi trường để tìm ra những quy định và chỉnh sửa các quy định liên quan cho phù hợp giúp các doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả, khả thi nhất.

Liên quan đến tập trung phát triển ngành công nghiệp môi trường, bà Phương thông tin, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022 của Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng danh mục cụ thể các công nghệ, sản phẩm, thiết bị ngành công nghệ môi trường được ban hành vào năm 2023 theo Quyết định số 980 của Thủ tướng Chính phủ./.

Trọng Bình