Doanh nghiệp nỗ lực xanh hóa ngành logistics

Việc thực hiện tốt hoạt động logistics xanh không chỉ là trách nhiệm mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm sự phát triển bền vững.
z5616583369150-3eeb20615485100c299827cd2fe869e1-1720527987.jpg
“Toạ đàm Phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh và công bố FIATA World Congress 2025". Ảnh Hương Lan

Theo số liệu của Bộ Công Thương, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng bình quân 14 - 16% một năm, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng, từng bước hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam năm 2023 đạt 3,3 điểm, đứng thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ và đứng thứ 5 trong các nước ASEAN.

Do đó, với ngành logistics, xanh hóa không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp. Thậm chí, trên thế giới, nhiều doanh nghiệp logistics lớn như các hãng tàu, doanh nghiệp cảng biển…đã có lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh sớm hơn lộ trình của các quốc gia đã cam kết.

Để xanh hóa ngành logistic, tại “Toạ đàm Phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh và công bố FIATA World Congress 2025" chiều 9/7,ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, chuyển đổi xanh với ngành logistics cần hướng tới việc chuyển đổi năng lượng với các phương tiện sử dụng năng lượng. Đây vẫn là bài toán khó và thách thức với các doanh nghiệp. Hiện nay, các phương tiện vận tải hành khách cỡ nhỏ đã bước đầu chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, các phương tiện vận tải hàng hóa, vận tải lớn vẫn chưa chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, ông Hải cho rằng, các doanh nghiệp có thể tìm cách thức tiết kiệm năng lượng trong quá trình hoạt động như sử dụng các phương tiện có hiệu suất cao hơn. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần năng cao hiệu suất, hiệu quả trong quy trình làm việc. Đây cũng là một yếu tố góp phần nâng cao khả năng thích ứng nhanh trong bối cảnh mới.

Để làm được những yếu tố trên, theo ông Hải, các cơ quan quản lý, Chính phủ cần tạo thuận lợi thương mại, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Chia sẻ về quá trình xanh hóa của doanh nghiệp, ông Trương Tấn Lộc - Giám đốc marketing Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết: “Thực hiện chuyển đổi xanh, trong những năm qua, Tân cảng Sài Gòn tiên phong trong hoạt động kinh doanh, chuyển đổi phương thức và thay đổi dần tập quán của khách hàng. Tân cảng Sài Gòn phát triển mạnh vận tải đường thuỷ - mô hình vận tải giảm phát thải khí nhà kính. Cùng với đó, đẩy mạnh các giải pháp chuyển đổi số góp phần tối ưu các hoạt động, cung cấp dịch vụ cho khách hàng, tối ưu tổ chức sản xuất tại các khu vực cảng, giảm thời gian chờ đợi và giao nhận vận tải cho khách hàng trong cảng, giảm thiểu khí thải ra môi trường.

dsc-0796-17-21-25-785-1720527987.jpg
Tân Cảng Cái Mép thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã được nhận giải thưởng "Cảng xanh". Ảnh minh họa

Tân cảng Sài Gòn ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giao nhận vận tải cho khách hàng, cho các tàu thông qua cổng giao dịch thương mại. Đặc biệt, mua lại mobile app cho phép khách hàng sử dụng điện thoại để giao dịch, giao nhận hàng hoá, không dùng giấy, giảm thời gian. Ngoài ra, hiện đại hoá các biện pháp kỹ thuật, chuyển đổi năng lượng trong trang thiết bị từ nguồn điện truyền thống sang sử dụng điện mặt trời. Với việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, chúng tôi hướng đến xây dựng cảng bán tự động và tự động trong thời gian tới”.

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch Western Pacific Group (WPG) chia sẻ, để xanh hóa, ngoài việc tiết kiệm nhiên liệu thì chúng tôi kiến nghị một giải pháp mang tính vĩ mô, đó là sự quy hoạch đồng bộ. Sự đồng bộ giữa nhà sản xuất và các trung tâm logistics sẽ giúp chúng ta tối ưu hóa chặng đường vận tải. Trong giải pháp này, sự điều tiết của Chính phủ là vấn đề quan trọng nhất và rõ ràng nhất.

Trong lúc đó, dưới góc độ doanh nghiệp, chúng tôi đang áp dụng mô hình cụm ở quy mô nhỏ. Mô hình Khu công nghiệp sẽ được tính toán theo từng địa phương, ví dụ như sát biển, hoặc gần sân bay sẽ tính toán để đặt các trung tâm logistics sao cho tối ưu hóa chặng đường và thời gian.

Về phía Chính phủ, chúng tôi cũng kiến nghị tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy năng lượng tái tạo. Thời gian qua đã có một số vấn đề kĩ thuật và chính sách liên quan tới vấn đề này. Do đó, tôi mong chính phủ nhìn nhận vai trò khác của năng lượng tái tạo với logistics xanh.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm của doanh nghiệp, bà Phạm Thị Bích Huệ Như cho hay, khi mới bắt đầu có thể chưa thấy nhiều giá trị nhưng khi áp dụng tôi nhìn thất rất nhiều tác động trực tiếp và gián tiếp. Ví dụ 1 ha kho bãi có thể đầu tư 1 MW năng lượng tái tạo, tương ứng 20.000 cây xanh và giảm phát thải khoảng 1400 khí thải CO. Đây là mô hình nên chia sẻ và mong đợi nhận thêm sự hỗ trợ từ cơ quan như Bộ Công Thương dành cho các doanh nghiệp logistics xanh.

Bên cạnh sự nỗ lực của từng doanh nghiệp ngành logistics, theo ông Stanley Lim - Tổng thư ký liên đoàn Giao thông vận tải ASEAN cho rằng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan không chỉ hỗ trợ mà cần có những chính sách ngành logistics để thay đổi để thích ứng với những cạnh tranh trên thế giới. Ngược lại, với các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực, nâng cao trách nhiệm của mình, tham gia vào logistics bền vững.

Không những vậy, ông Stanley Lim còn lưu ý các hiệp hội cũng đóng vai trò quan trọng, với trách nhiệm đào tạo, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong ngành, từng vị trí, từng con người phải nâng cao năng lực và kỹ năng của mình, như thế mới có thể chuyển mình, tận dụng được công nghệ, giảm thiểu được các lượng thải carbon, giảm thiểu các chi phí của việc vận hành, từ đó nâng cao được năng lực sản xuất, nâng cao doanh thu./.

Đông Nghi