Phế phụ phẩm trong ngành thủy sản là các chất thải phát sinh trong quá trình chế biến và xử lý, tồn tại dưới nhiều dạng như rắn, lỏng và khí. Trong đó, chất thải rắn chiếm hơn 90% tổng lượng phế phụ phẩm và bao gồm đầu, xương, da, nội tạng, vây, vẩy, cùng với vỏ của giáp xác và nhuyễn thể hai mảnh. Những phụ phẩm này có xu hướng dễ thối rữa và phân hủy nhanh chóng trong điều kiện nhiệt độ khoảng 27 độ C và độ ẩm khoảng 80%.
Bên cạnh đó, nước thải từ các nhà máy chế biến thủy sản nếu không được thu gom và xử lý đúng cách cũng góp phần tạo ra khí nhà kính, đặc biệt là khí metan và N2O. Do đó, việc tìm kiếm các giải pháp để tận dụng nguồn phụ phẩm này và giảm thiểu phát thải khí metan trở thành một nhu cầu cấp thiết trong ngành công nghiệp thủy sản.
Theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển Thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ sản phẩm thủy sản chế biến sâu và có giá trị gia tăng cao tại Việt Nam còn rất khiêm tốn, dẫn đến việc phát sinh nhiều phế phụ phẩm. Ngành chế biến phụ phẩm thủy sản hiện chỉ đạt khoảng 275 triệu USD mỗi năm, trong khi nếu phát huy hiệu quả, con số này có thể lên tới 4-5 tỷ USD.
Trong ngành thủy sản, nếu không xử lý hợp lý các phế phụ phẩm, hàng triệu tấn chất thải sẽ phân hủy và thải ra khí mê tan. Cụ thể, một nghiên cứu của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, ngành thủy sản toàn cầu thải ra khoảng 5-7 triệu tấn khí mê tan mỗi năm, góp phần làm tăng nồng độ khí nhà kính trong bầu khí quyển, biến đổi khí hậu và ảnh hưởng đến hệ sinh thái cũng như sức khỏe con người.
Tại Công ty Cổ phần Thương mại Kiên Giang (KTC) là doanh nghiệp chế biến các sản phẩm như cá ngừ, cá nục đóng hộp xuất khẩu sang các thị trường lớn như Châu Âu, Mỹ… Để đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường đó, doanh nghiệp đã ứng dụng mô hình sản xuất tuần hoàn khép kín, nguồn nguyên liệu hải sản đánh bắt được truy suất nguồn gốc.
Toàn bộ phụ phẩm của cá ngừ, cá nục như đầu, da, xương cá đều được tận dụng chế biến làm thức ăn chăn nuôi. Nước thải trong quá trình chế biến cá được thu hồi tạo thành phân bón hữu cơ. Với mô hình này, toàn bộ con cá đã được tận dụng hết, giảm thiểu lãng phí mà còn tối ưu hóa sản lượng và chất lượng sản phẩm.
Ông Phạm Văn Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Kiên Giang, chia sẻ: Các thị trường xuất khẩu yêu cầu rất khắt khe về chất nước, về môi trường, trách nhiệm xã hội. Áp dụng mô hình tuần hoàn trong chế biến đã giúp doanh nghiệp có thêm doanh thu, tiết kiệm chi phí, giảm phát thải ra môi trường
Hàng năm, ngành tôm nước lợ thải ra khoảng 200.0000 tấn đầu vỏ tôm, gây vấn nạn môi trường và ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Ông Phan Thanh Lộc Công ty CP Việt Nam Food phân tích: Riêng phụ phẩm tôm mỗi năm thải ra 200.000 tấn, một nửa là vỏ tôm lột, một nửa là vỏ và đầu tôm thải khi chế biến. Trong đó, xả bỏ 60-80% mà không xử lý, vừa phát thải khí nhà kính (đặc biệt CH4 & N2O) vừa lãng phí tài nguyên. Còn dưới 20% thu hồi bằng thủ công và chế biến thô sơ (sử dụng trực tiếp, xử lý hóa chất...) cũng gây ô nhiễm môi trường.
Khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cho ngành tôm Việt Nam có thể giảm phát thải đến 46%, đã tạo ra giá trị mới cho ngành tôm và giá trị mới cho ngành khác, giúp giảm phát thải toàn ngành và giảm nguy cơ bị đánh thuế phát thải khi xuất khẩu.
Có thể khẳng định “phụ phẩm” thủy sản là nguồn nguyên liệu đem lại giá trị gia tăng cho ngành khi tận dụng hiệu quả. TS. Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ô-zôn, Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ: “Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các biện pháp xử lý chất thải, áp dụng các biện pháp thu hồi khí mê tan để sử dụng làm năng lượng, có thể sử dụng làm các nguyên vật liệu cho ngành khác. Tất cả đều mang lại giá trị kinh tế và hướng đến một nền kinh tế tuần hoàn và không phát thải. Tiến tới có thể áp dụng tín chỉ carbon và bán tín chỉ carbon”.
Tuy nhiên, các sản phẩm chế biến của Việt Nam mới ở mức thấp, chuỗi sản phẩm còn ngắn và phục vụ chủ yếu cho lĩnh vực sản xuất thức ăn, thực phẩm… Việc tận dụng và chế biến phế phụ phẩm thủy sản chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm do một số nguyên nhân chính. Việc thu gom phụ phẩm đạt chất lượng và số lượng từ các nhà máy chế biến gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, để xây dựng một quy trình sản xuất tuần hoàn khép kín, yêu cầu về công nghệ và nguồn vốn đầu tư rất lớn. Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng xanh do các rào cản như chứng minh tài chính và tài sản đảm bảo.
Để giảm phát thải khí mê tan và tối ưu hóa việc sử dụng phế phụ phẩm, các doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ và nâng cao hiệu quả chế biến sản phẩm giá trị gia tăng. Đồng thời, việc áp dụng các chính sách hỗ trợ đầu tư cho phụ phẩm là cần thiết, hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản, đặc biệt là trong chế biến xuất khẩu.
“Bộ Tài Nguyên và Môi Trường đã đề xuất với Bộ Tài Chính và các đơn vị liên quan nhằm tìm hiểu, đánh giá và đưa ra các giải pháp tài chính nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hiệu quả để đầu tư ban đầu, cũng như cải thiện hệ thống thu gom và xử lý chất thải. Sự hỗ trợ này sẽ là một bước đi quan trọng để doanh nghiệp thực hiện các hoạt động bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường” - TS. Lương Quang Huy, đề xuất./.