Nhà nông Hàn Quốc gặp khó khăn do thiếu lao động nhập cư

Hoạt động sản xuất nông nghiệp của Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn bởi tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động khi lực lượng lao động nhập cứ bị gián đoạn bởi bùng phát dịch COVID-19.
720x400-fda4da9c-d083-43b1-b58c-f59e750ddba9-1634495315.jpg
Nhà nông Hàn Quốc gặp khó khăn do thiếu lao động nhập cư

Ông Koh Jin-taek, một doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ ở thành phố Anseong, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) vốn tự hào việc cung cấp gần 10.000 kg sản phẩm nông sản hàng tháng cho các công ty, với doanh số bán hàng năm lên tới 800 triệu won (680.000 USD). Tuy nhiên, hoạt động sản xuất và kinh doanh nông sản của ông Koh gặp nhiều khó khăn kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Hàn Quốc trong năm 2020. Ông Koh nói: “Chúng tôi phải cung cấp ít nhất 9.000 kg rau mỗi tháng để hòa vốn và tiết kiệm một khoản tiền. Tháng trước, chúng tôi chỉ có thể bán 4.800 kg”.
Ông Koh ngày càng nghi ngờ về khả năng duy trì hoạt động kinh doanh của mình trong tương lai hay không. Số nhân viên của ông Koh đã giảm từ 9 người xuống chỉ còn 5 người, vì những người kia “ra đi” tìm việc làm có thu nhập cao hơn.
Một trong những nguyên nhân chính của những khó khăn trên là do thiếu hụt lao động với tiền lương hợp lý. Đại dịch khiến lực lượng lao động nhập cư ở Hàn Quốc giảm mạnh, khiến tiền lương phải trả cho người lao động tăng cao.
Hàn Quốc thực hiện ba loại chương trình lao động di cư, theo đó người lao động từ 16 quốc gia châu Á được phép làm việc trong các lĩnh vực lao động yêu cầu tay nghề thấp, gồm có đánh bắt cá, trồng trọt và sản xuất theo loại thị thực (visa) E-8, E-9 và C-4.
Trong năm 2019, gần 9.000 người lao động từ các nước châu Á, bao gồm Campuchia, Pakistan (Pa-ki-xtan), Trung Quốc và Bangladesh (Băng-la-đét), đã được thuê thông qua các chương trình lao động di cư của Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc kiểm soát biên giới nghiêm ngặt để hạn chế đại dịch, số lượng lao động nhập cư đến Hàn Quốc trong giai đoạn tháng 1-8/2021 giảm 82%, xuống còn 1.590 người.
Tình trạng thiếu hụt lao động nhập cư liên tục tạo ra tình trạng mất cân bằng cung cầu về lao động nông nghiệp. Điều này dẫn tới tình trạng chi phí lương tăng cao, giữa bối cảnh thanh niên Hàn Quốc ngày càng tránh xa các công việc lao động chân tay, như nông nghiệp và đánh cá, và lựa chọn sống ở các thành phố có công việc được trả lương cao hơn.
Về phía người tiêu dùng, tình trạng thiếu lao động làm suy yếu sản lượng nông nghiệp nói chung. Qua đó, giá thực phẩm bị đẩy giá lên cao và tạo thêm áp lực lạm phát cho nền kinh tế “xứ Kim chi”.
Trong quý II/2021, Hàn Quốc xếp thứ ba về mức độ giá thực phẩm tăng cao giữa các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Một số công đồng người nông dân đang yêu cầu đưa người làm nông vào chương trình chính phủ bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo lệnh giãn cách xã hội.
Nhằm giúp đỡ người nông dân, nhiều địa phương ở Hàn Quốc cũng cung cấp hỗ trợ, chẳng hạn như giảm phí thuê thiết bị nông nghiệp, trong khi một số khu vực lãnh đạo cử nhân viên xuống giúp các nông trại địa phương trong việc lao động chân tay.