Hệ lụy của tình trạng đứt gãy chuỗi cung là giá cả tăng cao và thiếu lao động trầm trọng. Kết quả khảo sát công bố ngày 13/1 cho thấy giới doanh nghiệp nước Mỹ lo ngại về tình trạng giá cả tăng cao, thiếu lao động trong năm nay không khác gì lo ngại về đại dịch COVID-19.
Conference Board, tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại New York, cho biết khảo sát của họ với hơn 1.600 quản lý doanh nghiệp, trong đó có hơn 900 giám đốc điều hành các công ty lớn trên toàn cầu, cho thấy giới doanh nghiệp rất lo ngại về tình hình giá cả tăng vọt trong năm 2021 vừa qua, đồng thời nhận định rằng áp lực này sẽ còn đó ít nhất cho đến giữa năm 2023.
Số liệu của bộ Lao động Mỹ vừa công bố cũng cho thấy lạm phát tại thời điểm cuối năm 2021 lên tới 7%, mức cao nhất trong gần 40 năm qua, và giá tăng chủ yếu đối với các mặt hàng như ô tô, nhà đất và thực phẩm. Đại dịch COVID-19 đã gây ra tình trạng khan hiếm nhiều hàng hóa quan trọng như chip điện tử dùng trong sản xuất ô tô hay tình trạng ùn tắc, trục trặc trong giao thông, vận chuyển đã khiến lạm phát thêm trầm trọng, nhất là trong bối cảnh sự hoành hành của các chủng virus COVID-19 mới đang khiến các hoạt động kinh tế, kinh doanh vừa mới khôi phục đã lại bị gián đoạn.
Bà Lael Brainard, thành viên Hội đồng Thống đốc, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã bày tỏ quan ngại trước tình trạng lạm phát cao của nước Mỹ hiện nay, nhất là trong bối cảnh các dự báo đều cho thấy giá cả sẽ còn tăng cao trong nửa đầu năm 2022. Phát biểu trước Quốc hội Mỹ ngày 13/1, bà Brainard cho biết Fed sẽ tập trung kiềm chế lạm phát về mức mục tiêu 2% nhưng đồng thời cũng sẽ nỗ lực duy trì phục hồi kinh tế một cách mạnh mẽ và bền vững. Trong khi đó, giới doanh nghiệp Mỹ nhận định rằng nếu tình trạng đứt gãy chuỗi cung kéo dài giá sản xuất sẽ bị đẩy lên cao ở ngưỡng kỷ lục trong thời gian tới.
Giá cả tăng cao đã ảnh hưởng tới đời sống của người dân Mỹ và ảnh hưởng đáng kể tới những nỗ lực của Tổng thống Biden trong tiến trình phục hồi nền kinh tế sau đại dịch tại đây. Hiện giới chức Mỹ đang nỗ lực giải quyết các thách thức mà nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang đối mặt, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới chuỗi cung, song song với việc kiểm soát đại dịch COVID-19./.