Đô thị hóa thu hẹp đất nông nghiệp tạo áp lực lên sản xuất nông nghiệp bền vững

10 năm gần đây, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng từ 30,5% năm 2010 lên 42% năm 2023. Tuy vậy, quá trình đô thị hóa hiện nay chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới. Đất nông nghiệp thu hẹp nhanh, áp lực lên sản xuất nông nghiệp bền vững.

Nội dung trên được nêu ra tại Hội thảo khoa học quốc gia về kết quả nghiên cứu Đề tài phát triển bền vững nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, đô thị hoá và thích ứng với biến đổi khí hậu (Đề tài KX.04/21-25) do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức.

thu-hep-dat-nong-nghiep-1-1721702803.jpg
Hội thảo khoa học quốc gia về kết quả nghiên cứu Đề tài phát triển bền vững nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, đô thị hoá và thích ứng với biến đổi khí hậu. (Ảnh: Hưng Giang)

Nhận diện thách thức đô thị hóa với nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Theo GS.TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, việc thực hiện Đề tài KX.04/21-25 đã tạo cơ hội, động lực cho các nhà khoa học, các giảng viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói chung, các nhà khoa học ở các đơn vị nghiên cứu nói riêng đề xuất các phương pháp nghiên cứu mới, nhằm có những đánh giá mang tính toàn diện về quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân trong bối cảnh có nhiều cơ hội và thách thức đan xen.

TS. Cao Đức Phát, Phó Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam kỳ vọng, Hội thảo sẽ cung cấp các luận cứ khoa học, từ đó kiến nghị tới Đảng, Nhà nước những vấn đề về cơ hội, thách thức  của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, góp phần chuẩn bị những tài liệu quan trọng tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Chia sẻ về khía cạnh thách thức đô thị hóa với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đại diện nhóm nghiên cứu, TS. Trần Mạnh Hải (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã chỉ ra những cơ hội của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra nhanh.

thu-hep-dat-nong-nghiep-3-1721702789.jpg
 Những cơ hội và thách thức của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra nhanh. (Ảnh: minh họa)

Theo đó, đô thị hóa đóng vai trò quan trọng trong thành công của Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới, với tỷ lệ dân số sống ở các thị trấn và thành phố tăng từ ít hơn 20% năm 1990 lên hơn 38,1% vào năm 2023. 10 năm gần đây, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng từ 30,5% năm 2010 lên 42% năm 2023.

Tuy vậy, quá trình đô thị hóa hiện nay chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới. Hạ tầng kỹ thuật còn thiếu tính đồng bộ, thiếu tính kết nối liên vùng và giữa các lĩnh vực làm giảm hiệu quả khai thác, vận hành. Đất nông nghiệp thu hẹp nhanh, áp lực lên sản xuất nông nghiệp bền vững.

Quá trình đô thị hóa còn khiến mai một giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc nông thôn. Một số sản phẩm, loại hình văn hóa, quan niệm, lối sống, cách ứng xử, làm ăn... không phù hợp, thậm chí trái ngược, đối lập với thuần phong mỹ tục, với những giá trị tốt đẹp; bào mòn và làm rạn nứt những quan hệ tốt đẹp, đồng thuận và thuần phác trong cộng đồng.

Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp

Từ thực tế đó, TS.Trần Mạnh Hải kiến nghị cần rà soát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương và cả nước đảm bảo thực hiện yêu cầu phát triển hài hòa, gắn kết giữa đô thị và nông thôn; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch phát triển nông nghiệp trên cơ sở nhu cầu thị trường và lợi thế từng vùng nhằm sử dụng đất nông nghiệp tiết kiệm, có hiệu quả.

Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp để phát triển đô thị; Khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp thực hiện tích tụ, tập trung đất nông nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất thông qua miễn giảm thuế thu nhập từ sử dụng đất.

Chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng kết nối các đô thị và nông thôn; đổi mới cơ chế, chính sách để huy động mạnh nguồn lực đất đai vào phát triển hạ tầng.

thu-hep-dat-nong-nghiep-4-1721702902.jpg
Tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng đã tác động tới việc thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, TS. Nguyễn Đức Chính (Học viện Chính trị khu vực I) lại chỉ ra những bất cập trong năng suất lao động (NSLĐ) khi NSLĐ nông nghiệp vẫn thấp nhất trong các ngành kinh tế từ mức NSLĐ 48,2 triệu đồng/lao động năm 2019 đã đạt 81,1 triệu đồng/lao động trong năm 2022. Trong khi đó NSLĐ của khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2022 đạt 215 triệu đồng/lao động, tăng 19,4 triệu đồng/lao động so với năm 2021, đồng thời là khu vực có mức NSLĐ cao nhất trong 3 khu vực kinh tế; khu vực dịch vụ đạt 199,2 triệu đồng/lao động, tăng 10,9 triệu đồng/lao động.

"Hệ thống đào tạo của ngành nông nghiệp cần cập nhật và điều chỉnh chương trình đào tạo theo nhu cầu thị trường; cập nhật chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập và thực tiễn gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu, giữa nhà trường với doanh nghiệp. Có cơ chế, chính sách từng bước xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có phương án giữ chân và thu hút lao động trẻ", TS. Nguyễn Đức Chính kiến nghị./.

Bình Châu