Định vị thương hiệu OCOP trên thị trường nông sản - Bài 1: Khơi dậy tiềm năng nông nghiệp Việt

Nhiều kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và của chính người nông dân gửi gắm vào "Chương trình OCOP" trong mục tiêu chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế hàng hóa.
a1-1695306438.jpg
“Tuần hàng quảng bá nông sản Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2023” được tổ chức trong các ngày từ 8 đến 10/9 vừa qua, tại phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội.

LTS: Sau 5 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”- OCOP theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/05/2018 của Thủ tướng Chính phủ, diện mạo nông nghiệp của Việt Nam được định hình rõ hơn bằng hàng ngàn sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP.

Thị trường nội địa Việt Nam cũng đã quen dần với các đặc sản vùng miền trong nước thông qua thương hiệu OCOP. Tuy nhiên, bên cạnh sự đa dạng, phong phú về sản phẩm, thì vẫn còn không ít băn khoăn về chất lượng, giá trị kinh tế mang lại và đặc biệt là tính bền vững của sản phẩm OCOP. Làm sao để thị trường hóa sản phẩm OCOP, làm sao để tạo sự hấp dẫn và khác biệt giữa sản phẩm OCOP với những nông sản thông thường khác trên thị trường, làm sao để sản phẩm OCOP không bị nhạt nhòa và mai một giữa “rừng” sản phẩm nông nghiệp hiện nay?

Để trả lời những câu hỏi này, Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh đã tiến hành khảo sát ở nhiều địa phương, phỏng vấn ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý và khởi đăng chuyên đề “Định vị thương hiệu OCOP trên thị trường nông sản”. Chuyên đề nhằm đánh giá những kết quả đạt được; nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đồng thời chuyển tải những khuyến nghị của các chuyên gia, nhà quản lý để tháo gỡ, góp phần phát triển Chương trình OCOP, từ đó thúc đẩy chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế hàng hóa trong ngành Nông nghiệp Việt Nam.

bo-truong-le-minh-hoan-2-2055-1640080275-860x0-1695306437.jpg

OCOP là một chương trình lớn của ngành Nông nghiệp và được triển khai sâu rộng đến từng thôn xã trong cả nước. Đây cũng là chương trình gửi gắm nhiều kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của chính người nông dân trong mục tiêu chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế hàng hóa. Vậy, sau 05 năm, OCOP đã xác lập được vị trí như thế nào trong rất nhiều chương trình, dự án dài hơi của ngành Nông nghiệp?

Giải pháp trọng tâm của ngành Nông nghiệp

OCOP là từ viết tắt của “One commune one product”, nghĩa là “mỗi xã (phường) một sản phẩm”. Chương trình OCOP bắt nguồn từ Phong trào OVOP được triển khai ở Nhật Bản từ thập niên 70 của thế kỷ XX và được đánh giá là rất thành công, mang lại nhiều lợi ích cho người dân nên đến nay đã được trở thành mô hình mẫu của hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Ở Việt Nam, ngày 07/05/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình OCOP, triển khai rộng rãi trên phạm vi cả nước, đến tận thôn bản. Chương trình nhằm phát huy thế mạnh, đặc thù ở mỗi địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững, góp phần giảm nghèo, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, đồng thời khắc phục những hạn chế của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Trao đổi với Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh, TS. Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương cho biết, sau 5 năm triển khai, có thể nói Chương trình OCOP đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, được tất cả các địa phương chủ động triển khai một cách hiệu quả và thành công.

“Với vai trò là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, chú trọng các nguồn lực tại chỗ, sẵn có làm động lực phát triển kinh tế (bao gồm: đất đai, tài nguyên, điều kiện địa lý, văn hóa và tri thức bản địa, khả năng sáng tạo và lòng tợ hào của người dân,…), Chương trình OCOP đã được các địa phương và người dân đón nhận. Chương trình đã huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng NTM ở tất cả các địa phương”, ông Sơn nhấn mạnh.

a5-1695306438.jpg
Vịt quay Hồng Xiêm, sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao năm 2020; Đạt danh hiệu Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2022 của Nhà hàng Hồng Xiêm, số 2A, đường Phai Vệ, phường Đông Kinh, TP.Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn tại Tuần hàng quảng bá nông sản Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2023 - Ảnh: Trần Quỳnh.

Nhìn lại thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình OCOP để thấy nhận định của Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương là hoàn toàn xác đáng. Chương trình OCOP được triển khai thực hiện trong giai đoạn ngành Nông nghiệp quyết liệt triển khai 02 chương trình lớn là tái cơ cấu ngành và xây dựng NTM. Đây cũng là giai đoạn (2016 – 2020) mà ngành Nông nghiệp đạt được nhiều thành tích nổi bật, nhất là những kết quả ấn tượng trong tái cơ cấu ngành và xây dựng NTM.

Cụ thể, về nông nghiệp, đã cơ cấu lại ngành, phát triển trên cơ sở phát huy lợi thế từng vùng miền, sản xuất hàng hóa chuyển dịch theo hướng hiện đại, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản phát triển nhanh, công nghệ cao được quan tâm áp dụng để giảm chi phí và nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, trong 05 năm (2016 - 2020) ghi nhận thị trường nông sản được mở rộng ở cả trong nước và thị trường quốc tế; xuất khẩu nông sản của nước ta đã đứng top cao trong khu vực Đông Nam Á và thứ hạng cao trên thế giới. Nông sản của Việt Nam đã có mặt trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Về nông dân, đã phát huy vai trò chủ thể của người dân, tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia chuỗi giá trị, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Thu nhập của người dân nông thôn ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao. Về nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã về đích trước 1,5 năm so với mục tiêu Quốc hội giao. Nông thôn khang trang, xanh, sạch đẹp hơn, hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa giáo dục y tế được quan tâm đầu tư đồng bộ…

Vậy, Chương trình OCOP đã xác lập được vị trí như thế nào trong bức tranh nhiều gam màu sáng của ngành Nông nghiệp? Trả lời câu hỏi này, ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ninh – nguyên Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương (2017 – 2020), đánh giá: Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng theo 5 hạng, trong đó hạng 5 sao là cao nhất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Từ chương trình này, hàng trăm sản phẩm được nâng tầm, nhiều nông dân đã trở thành triệu phú.

a10-1695306437.jpg
Sản phẩm OCOP tại Tuần hàng quảng bá nông sản Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2023 - Ảnh: Trần Quỳnh.

Trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã dành những lời hay, ý đẹp nhất để đánh giá về Chương trình OCOP. Theo Bộ trưởng, Việt Nam không thiếu những sản vật nông nghiệp. Mỗi vùng miền, mỗi mùa vụ đều có những đặc sản khác nhau, rất đa dạng, phong phú; không chỉ diện tích mà năng suất sản lượng cũng rất lớn. Nhưng để chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế hàng hóa lại cần có chiến lược và một định hướng cụ thể.

“Sản phẩm gì cũng vậy, không riêng gì nông nghiệp, muốn tạo sự chú ý, muốn có vị trí chỗ đứng trên thị trường thì trước hết phải xây dựng được thương hiệu và nhãn hiệu. Và khi đã mang thương hiệu, nhãn hiệu thì phải có gì đó khác biệt với những sản phẩm cùng loại. Đó chính là chất lượng, là mẫu mã, là quy trình sản xuất…Với nông sản thì sản xuất sạch, an toàn vô cùng quan trọng. Và cuối cùng anh muốn người ta nhớ, người ta để tâm thì phải có một cái tên để định danh, để gọi. Trong nông nghiệp, OCOP chính là như thế”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Cuộc cánh mạng cho “tam nông”

Xác định vai trò, ý nghĩa của Chương trình OCOP, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg, các cấp, các ngành, các địa phương đã triển khai quyết liệt, với sự đồng thuận của người dân. Sau 05 năm triển khai, Chương trình OCOP bước đầu đã đạt được những con số rất ấn tượng.

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối NTM Trung ương, tại thời điểm năm 2019, cả nước mới có 20 tỉnh tham gia và phân hạng, đánh giá sản phẩm OCOP; có 619 chủ thể OCOP và 946 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Nhưng tính đến ngày 31/08/2023, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, đã có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Cả nước có 5.361 chủ thể OCOP, trong đó 38,1% là hợp tác xã (HTX), 24,2% là doanh nghiệp, 34,9% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

picture2-1695306437.png
Nguồn số liệu: Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương - Đồ họa: Phúc Lâm.

Không chỉ dừng lại ở những con số ấn tượng đó, Chương trình OCOP thực sự đã tạo “cú hích” trong viêc gia tăng giá trị nông sản Việt, đem lại thu nhập cao hơn cho người nông dân. Như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã khẳng định, sản phẩm OCOP được phân biệt với nông sản thông thường là từ chất lượng, là mẫu mã, là quy trình sản xuất… Sản phẩm OCOP được định danh theo chuẩn quốc tế, được cấp hạng theo bộ tiêu chí nghiêm ngặt nên giá trị mang lại là cao hơn, được người tiêu dùng lựa chọn hơn so với nông sản thông thường. Theo khảo sát của Văn phòng điều phối NTM Trung ương, hơn 60,7% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên có doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm, giá bán các sản phẩm khi được công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%.

Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh đã tiến hành khảo sát một số chủ thể OCOP đại diện các vùng miền trên cả nước và những ngành hàng dịch vụ thuộc Chương trình OCOP. Các chủ thể OCOP đều đánh giá Chương trình OCOP đã góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường.

a9-1695306437.jpg
Sản phẩm OCOP Đông trùng hạ thảo tại thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa) của anh Nguyễn Văn Tuấn - Ảnh: Hà Khải.

Ông Nguyễn Thanh Vũ - Giám đốc HTX Nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang (thôn Thanh Long, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cho biết, qua Chương trình OCOP, sản vật bản địa được nâng tầm giá trị. HTX của ông đầu tư sản phẩm OCOP trong ngành hàng đồ uống, trong đó sản phẩm Trà linh chi Hoàng Hải đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đạt chuẩn 4 sao.

“Khi lên 4 sao thì sản phẩm đòi hỏi nhiều yêu cầu nghiêm ngặt, khắc khe hơn. Vì vậy, sản phẩm OCOP 4 sao ít hơn hẳn 3 sao, 5 sao thì càng hiếm. Hiện tại, tôi đang kết hợp với một số doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, đồng thời hợp đồng với doanh nghiệp đầu vào hỗ trợ người dân trồng và cung cấp nguyên liệu ban đầu. Khi người dân trong chuỗi liên kết thấy giá trị mang lại thì họ tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất để cung ứng cho HTX. Đây là giá trị mang lại từ việc liên kết chuỗi giá trị từ Chương trình OCOP. Người dân cùng đầu tư sẽ giảm chi phí đầu tư cho doanh nghiệp, HTX và khi đó chỉ chuyên tâm sản xuất sản phẩm OCOP”, ông Vũ đánh giá.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, theo chị Nguyễn Thị Hà - Chủ cơ sở bánh đa Hà Tâm (thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên), mỗi ngày cơ sở của chị sản xuất được khoảng 4.000 chiếc bánh đa các loại. Từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, sản phẩm bánh đa được nhiều người biết đến hơn, dễ tiêu thụ hơn; lượng tiêu thụ gấp đôi so với trước đây. Hơn nữa, sản phẩm bánh đa của gia đình chị đã “vượt luỹ tre làng”, được tiêu thụ ở những thành phố lớn thông qua hệ thống bán lẻ hiện đại.

a6-1695306438.jpg
Sản phẩm bánh đa của cơ sở bánh đa Hà Tâm (thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) đạt chuẩn OCOP 3 sao - Ảnh: Hồng Duyên.

“Từ khi sản phẩm của chúng tôi đạt chuẩn OCOP 3 sao, có hệ thống Trung tâm thương mại và dịch vụ Ngọc Khánh ở số 1, Phạm Huy Thông, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP. Hà Nội đã chủ động liên hệ và mong muốn hợp tác với cơ sở của chúng tôi cung ứng sản phẩm bánh đa để bày bán ở hệ thống siêu thị của họ’, chị Hà vui vẻ nói.

Đây cũng là chia sẻ của chị Chu Thị Hạnh, ở Khu 1, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Theo chị Hạnh, sau khi sản phẩm Thạch Chu Hạnh đạt 3 sao (năm 2023), khách hàng tin tưởng hơn vào sản phẩm nên dễ bán hơn so với khi sản phẩm chưa có thương hiệu. Sản phẩm của cơ sở cũng được nâng lên một tầm cao hơn  và tiếp cận được nhiều thị trường, khách hàng tiêu thụ nhiều hơn so với các sản phẩm nông nghiệp thông thường của huyện. Khách hàng đã quan tâm hơn đến sản phẩm OCOP và có sự hiểu biết nhất định về các sản phẩm OCOP 1 sao, 2 sao, 3 sao...

Còn tại Hà Nội - địa phương dẫn đầu cả nước về sản phẩm OCOP (hiện có 2.167 sản phẩm, chiếm 22% sản phẩm OCOP của cả nước), Chương trình OCOP là động lực để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của mảnh đất “bách nghệ”. Hà Nội đã, đang và sẽ thể hiện rõ vai trò "đầu tàu" trong việc hỗ trợ các tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề trên thị trường Thủ đô, tạo động lực để chương trình này phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.

a11-1695306438.jpg
Sản phẩm OCOP tại Tuần hàng quảng bá nông sản Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2023 - Ảnh: Trần Quỳnh.

Bà Đinh Thị Mai, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư sản xuất và Thương mại Thăng Long Food (thôn Đoài Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội) cho biết, sản phẩm sau khi đạt chuẩn OCOP dễ bán hơn, nhất là khi bán ở các tỉnh. Lượng tiêu thụ lớn hơn do người tiêu dùng tin tưởng vào các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP bởi người dân họ có sự hiểu biết nhất định về các sản phẩm OCOP sẽ có chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như có sự kiểm tra, chứng nhận của các cơ quan chức năng.

“Sản phẩm của công ty vừa phân phối tại các siêu thị cũng như các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP tại các tỉnh. Một số địa phương khách hàng biết đến các sản phẩm OCOP là gì và rất tin tưởng, ưa chuộng”, bà Mai khẳng định.

Theo ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương, Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Thông qua chương trình đã khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm tích hợp đa giá trị, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.

ngo-truong-son-1695306437.jpg

“Thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống. Hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một đại sứ chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền, như: sản phẩm trà Phìn Hồ mang hương sắc, văn hóa của đồng bào người Dao ở vùng núi Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang; sản phẩm từ sen - thể hiện những giá trị về văn hóa, con người xứ sở sen Hồng tỉnh Đồng Tháp...”, ông Sơn nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Văn phòng điều phối NTM Trung ương, sau 05 năm triển khai, Chương trình OCOP đã chứng minh là phù hợp về định hướng để phát huy thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa của các địa phương, đặc biệt là các địa phương còn nhiều khó khăn về phát triển sản xuất hàng hóa, vùng sản xuất tập trung, nhưng lại có sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu và văn hoá đặc trưng…

Đa phần các sản phẩm OCOP đã phát huy được lợi thế, thúc đẩy trách nhiệm và năng lực của các chủ thể, đặc biệt là các HTX, doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất, quảng bá và phát triển thị trường sản phẩm OCOP.

Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, mặc dù đã khẳng định được chất lượng nhưng nhiều sản phẩm OCOP rất khó “chào sân” trong các hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại mà chủ yếu bán online hoặc tiêu thụ qua các kênh truyền thống như chợ, tạp hóa…

Việc “thua ngay trên sân nhà” khiến người tiêu dùng chưa tiếp cận được một kênh cung cấp nông sản Việt chất lượng cao.

Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh sẽ tiếp tục thông tin.

Vi Hoa - Hà Khải - Trần Quỳnh - Hồng Duyên - Trần Hùng