Trong hồ sơ dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) gửi Bộ Tư pháp để thẩm định, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan chủ trì soạn thảo, đã đề xuất bổ sung 5 vấn đề mới cần lấy ý kiến.
Thứ nhất, dự thảo luật xác định rõ 5 loại hình báo chí gồm báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình và kênh nội dung của cơ quan báo chí trên không gian mạng.
Thứ hai, dự thảo luật đưa ra khái niệm "Tổ hợp báo chí truyền thông chủ lực đa phương tiện", là mô hình các cơ quan báo chí có nhiều loại hình khác nhau, có các đơn vị trực thuộc, doanh nghiệp liên kết hoặc góp vốn. Mô hình này đóng vai trò then chốt trong việc định hướng dư luận và được áp dụng cơ chế tài chính, lao động, tiền lương đặc thù.
Tương tự, “tổ hợp báo chí địa phương” là mô hình tương ứng tại cấp địa phương, có vai trò chủ đạo trong công tác định hướng dư luận tại địa bàn. Dự thảo đề xuất giao Chính phủ quy định chi tiết về cơ chế đặc thù cho hai mô hình trên.

Thứ ba, Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất cho phép các cơ quan báo chí được liên kết sản xuất nội dung, ngoại trừ các mảng thời sự và chính trị. Chính phủ sẽ có quy định cụ thể để thúc đẩy hoạt động hợp tác mà vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ.
Thứ tư, các nền tảng số báo chí được phép tích hợp dịch vụ trực tuyến bên cạnh việc đăng tải nội dung báo chí, phù hợp với quy định pháp luật và sẽ do Chính phủ hướng dẫn cụ thể.
Thứ năm, tạp chí khoa học được phép phát hành các ấn phẩm báo chí là tạp chí chuyên ngành, nhằm tạo thuận lợi cho việc công bố kết quả nghiên cứu từ các tổ chức khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chỉ rõ một số hạn chế của Luật Báo chí hiện hành. Cụ thể, luật chưa tách bạch rõ giữa báo và tạp chí, dẫn tới việc nhiều cơ quan tạp chí lợi dụng chức năng báo chí để hoạt động như cơ quan báo. Các điều kiện cấp phép còn áp dụng chung cho mọi đối tượng, khiến công tác quản lý bị lỏng lẻo và chưa phát huy vai trò của cơ quan chủ quản.
Ngoài ra, quy định về cấp phép hoạt động báo chí hiện vẫn thiếu các điều khoản về thu hồi giấy phép, hay việc chấm dứt hoạt động của cơ quan báo chí. Trách nhiệm và phạm vi quản lý báo chí tại địa phương cũng chưa được làm rõ.

Dù tạp chí khoa học là ấn phẩm chuyên sâu và định kỳ, nhưng hiện vẫn bị biến tướng theo hướng giống báo chí thông thường; chưa có quy định rõ về nguồn thu phù hợp với tính chất hoạt động. Một số tạp chí khoa học còn để nhà báo, phóng viên hoạt động vượt quyền hạn.
Luật hiện tại cũng chưa có quy định đầy đủ về văn phòng đại diện và phóng viên thường trú, dẫn tới sự thiếu đồng bộ trong quản lý. Quy định về bổ nhiệm, miễn nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí cũng chưa phù hợp với các nguyên tắc của Đảng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, các điểm mới trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đã cụ thể hóa tinh thần của 4 nghị quyết đột phá gần đây của Bộ Chính trị: Nghị quyết 57/2024 về phát triển khoa học – công nghệ và chuyển đổi số; Nghị quyết 59/2025 về hội nhập quốc tế; Nghị quyết 66/2025 về đổi mới công tác xây dựng pháp luật; và Nghị quyết 68/2025 về phát triển kinh tế tư nhân.
Đánh giá về dự thảo Luật sửa đổi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng, cần có thêm những nội dung cụ thể về tiêu chí thành lập, công nhận, cơ chế quản lý, điều hành các Tổ hợp báo chí, các cơ chế đặc thù về tài chính, lao động, tiền lương,... từ đó có cơ sở để giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Liên quan tới nội dung về liên kết sản xuất nội dung, đại diện Bộ Công an cho rằng, để tránh nguy cơ tư nhân hóa báo chí, dự thảo Luật cần có quy định rõ ràng về việc cơ quan báo chí được góp vốn tại các doanh nghiệp hay doanh nghiệp được góp vốn cho cơ quan báo chí.