Dạy thêm, học thêm – phải xuất phát từ nhu cầu thực tế

Dạy thêm, học thêm - việc đó là hoàn toàn chính đáng, nhưng nhất định phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của người đi học!

Bấy lâu nay, vấn nạn dạy thêm, học thêm (DTHT) như cái ung, cái nhọt mọc trên vùng trọng yếu của cơ thể, để thì đau nhức nhối, mà can thiệp vào thì sợ hậu quả khôn lường! Người gánh chịu không ai khác chính là những đứa trẻ -những học trò đang khổ sở vì vấn nạn này.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, rất nhiều phụ huynh mong muốn con được đi học thêm để tăng thêm kiến thức, thêm sự hiểu biết. Đó có thể là những điều các con không được học trong sách vở, cũng có thể là những kiến thức đã có trong chương trình bài học mà con em họ tiếp thu chậm, chưa kịp nắm chắc. Cần lắm khoảng thời gian được ôn luyện, phụ đạo lại giúp cho các con vững vàng hơn.

Trước xu thế ngày càng phát triển của xã hội, yêu cầu đặt ra với người dạy và người học cũng ngày một cao hơn. Để đáp ứng các yêu cầu của cuộc sống xã hội, trẻ em không chỉ học nhiều về kiến thứ mà còn phải được trang bị thêm nhiều kỹ năng xã hội cần thiết khác. Vì thế mà thời gian dành cho các hoạt động tăng thêm, thời gian vui chơi của trẻ bị giảm thiểu. Ở nhiều gia đình, vì phụ huynh bận làm ăn kinh doanh hoặc mải lao động kiếm sống, không có thời gian kèm cặp và đồng hành cùng con trong thười gian học ở nhà nên họ thật sự rất mong muốn có nơi nào đó để nhờ thầy cô kèm cặp giúp.

Cảnh tượng quen thuộc của nhiều gia đình vào các buổi tối là hình ảnh các ông bố bà mẹ quát mắng, doạ nạt con mỗi buổi tối ngồi vào bàn học. Nước mắt nhễu nhão, nhiều cô cậu học trò vẫn ngơ ra không hiểu bố mẹ đang giảng giải điều gì, trong khi phụ huynh đã tỏ ra hết sức kiên trì và chuyển sang cáu gắt. Câu chuyện này không chỉ của riêng ai. Và mong ước chung của phụ huynh lúc này là: Giá như có thể gửi con cho thầy cô dạy giúp để họ toàn tâm toàn ý với việc nội trợ, kiếm tiền hoặc bất cứ công việc gì khác họ đang làm, miễn sao không phải là cái công việc dễ sứt mẻ tình cảm gia đình: Dạy con học!

Ở một góc chợ nọ, có cô giáo chủ nhiệm đi qua nhà học trò khi thấy phụ huynh đang phùng má trợn mắt, cầm roi hướng dẫn làm bài mãi mà con chưa hiểu. Cô ghé vào nhẹ nhàng: “Chị để em!” Và cậu học trò gạt nước mắt vui vẻ nhẹ nhàng hoàn thành bài chỉ sau vài thao tác hướng dẫn rất đơn giản của cô. Việc học thêm là thế ! Xuất phát từ nhu cầu thực sự của học sinh, của phụ huynh thì nó cần thiết và đáng quý biết bao.

amh-1667273398.jpg
Ảnh minh họa trên Infonet.vn

Đáng tiếc, hiện nay có nhiều lớp dạy thêm, học thêm không xuất phát từ nhu cầu chân chính đó ! Các lớp học được mở ra tràn lan, nạn dạy trước, học trước tiếp tục hoành hành làm cho nhiều học trò khốn khổ.

Ngay khi tiếng trống trường rộn ràng thông báo năm học kết thúc, cánh cổng trường đóng lại thì tua tủa lớp học thêm mở ra. Học sinh chưa kịp được nghỉ hè thì đã được bố mẹ đăng ký cho theo học rất nhiều lớp học thêm. Để đáp ứng nhu cầu của nhiều bậc phụ huynh sính “lớp chọn”, rất nhiều thầy cô đã không ngần ngại dạy trước bài mới trong chương học, các học trò nháo nhác tìm thầy tìm cô sang năm chủ nhiệm để kịp bắt nhịp với những giờ học năm sau.

Thương thay, các học trò mải đi tìm lớp học kỹ năng, năng khiếu, hay còn mải nghỉ hè theo đúng nghĩa sẽ là những người sẽ gặp những khó khăn nhất định. Đầu năm học, khi gần như cả lớp đã thuộc làu các bài cô sắp dạy thì đám trò “mải chơi” kia lơ ngơ như chẳng biết gì.

Kiến thức đã học trước từ hè, trẻ nắm bập bõm và không còn hứng thú, chỉ trực nói leo theo cô vì chúng đã biết trước rồi. Một lớp gần 40 học sinh mà đến gần cả lớp học trước rồi thì thử hỏi cô có còn kiên trì, hứng thú giảng giải cặn kẹ nữa không hay chỉ giảng qua loa cho xong và cảm thấy hậm, hực khó chịu khi cả lớp đang “chạy” bon bon lại bị cản lại bởi mấy trò “chậm hiểu”?

Dẫu là xuất phát từ nhu cầu của một số phụ huynh muốn con mình học giỏi, muốn được gửi trẻ đi học hè để trẻ đỡ quên bài thì cũng cần thống nhất chặt chẽ về cách quản lý nội dung dạy thêm học thêm.

Nhiều phụ huynh có mong muốn con thi vào lớp chọn hoặc trường điểm, tham gia đạt giải cao các cuộc thi do ngành giáo dục tổ chức, đó là nguyện vọng chính đáng, nhưng thiết nghĩ không vì vậy mà các cơ sở giáo dục, các nhà trường biến công tác bồi dưỡng học sinh giỏi thành việc tiếp tay cho nạn dạy thêm học thêm tràn lan.

Nhiều nhà trường, khi hết năm học có thông báo đầu năm học sau thi lại đầu vào các lớp chọn, đó phải chăng là tiếng nói kích cầu cho việc chạy đua học thêm, dạy thêm của phụ huynh học sinh trong suốt cả dịp hè? Thay bằng việc nghỉ ngơi, vui chơi và tham gia các hoạt động phát triển năng lực, thể chất, trẻ gặp phải áp lực từ chính phụ huynh ép con ôn luyện cả hè để thi đỗ vào, hoặc khỏi bị bật ra khỏi guồng quay lớp chọn mà con đang theo học.

Đã có nhiều trường hợp phụ huynh không cho con đi học thêm hè, đầu năm học cô giáo chủ nhiệm gọi điện “tư vấn” nên chuyển lớp cho con vì con đuối hơn các bạn. Nhiều học sinh đầu năm học tâm lý không ổn định vì lúc nào cũng thấp thỏm khi cô thông báo “thi vòng loại” để dành cơ hội cho những bạn lớp bên ôn luyện suốt hè muốn thi vào lớp chọn mà các con đang theo học.

Chính cái tâm lý hơn thua, ganh đua của người lớn, cách thức thi tuyển không đúng thời điểm, thiếu khách quan của nhà trường đã tạo lỗ hổng để tiếp tay cho nạn dạy thêm học thêm, mà người chịu nhiều hậu quả nhất vẫn là các học trò. Dạy thêm, học thêm nếu xuất phát từ các thầy cô giáo thì cũng có năm bảy hướng, người vì lòng yêu nghề tha thiết, người vì tâm huyết muốn truyền hết những kiến thức, hiểu biết của mình để giúp ích cho các học trò, người muốn bù đắp cho trò nhwuxng hao hụt về kiến thức. Điều đó thật chính đáng!

Nhưng sẽ thật đáng buồn nếu nó xuất phát từ nhu cầu tăng thu nhập cho giáo viên. Đồng lương thấp không thể đáp ứng nổi cuộc sống, nhiều thầy cô vừa lo dạy học, vừa lo đủ các nghề kiếm sống, và cách thông thường: Là mở lớp dạy thêm. Kiến thức vốn là thứ thiêng liêng cao quý, nghề giáo vốn là nghề sống thanh bạch nhất bất từ xa xưa. Sẽ thật đau lòng nếu các bài học được đem ra mua bán, trao đổi như mớ rau con cá ngoài chợ, và sẽ chẳng ai mặc cả cao thấp y như việc người ta bước chân vào cửa hiệu thuốc tây.

Sống được bằng nghề đã khó, giữ được tiếng trong sạch của nghề càng khó hơn khi gánh nặng cơm áo gạo tiền hàng ngày ghì sát đất. Mọi nghề đều có thể làm thêm để có thu nhập chân chính, cớ sao nghề dạy học lại lắm nỗi chuân chuyên? Thầy cô có kiến thức, có thời gian, có đòi hỏi thiết yếu của xã hội mà lại phải chịu bó tay vì không cẩn thận là bị đánh đồng, mang tiếng!

Thiết nghĩ, việc tăng thu nhập cho người làm công tác giảng dạy phải là ưu tiên hàng đầu của Nhà nước, để việc tăng thu nhập cho giáo viên không bị đổ dồn vào việc phải tổ chức dạy thêm bất chấp như một số nơi. Nhiều học sinh bất đắc dĩ phải theo học các lớp học thêm với cường độ quá dày, thậm chí vào các khung giờ mà đáng ra các con phải được ăn, được nghỉ, được vui chơi.

Ngẫm thấy, người lao động được đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, còn cái sự học của nhiều học trò hiện nay cư diễn ra không hồi kết, không giờ nghỉ, mặc cho hiệu quả ra sao. Dạy thêm, học thêm - việc đó là hoàn toàn chính đáng, nhưng nhất định phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của người đi học./.

Hải Vân