Đẩy mạnh liên kết, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng

Khai thác những thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên và giá trị văn hóa truyền thống, tỉnh Yên Bái tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa tâm linh.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái khẳng định, là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, ngành Du lịch Yên Bái đã có nhiều khởi sắc, lan tỏa nhiều dấu ấn rực rỡ sắc màu Tây Bắc trong lòng du khách. Khai thác những thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên và giá trị văn hóa truyền thống, tỉnh đã tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa tâm linh.

Nhiều sản phẩm du lịch đã tạo dấu ấn du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn mang thương hiệu “Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu”. Toàn tỉnh hiện có 4 vùng du lịch trọng điểm bao gồm vùng du lịch hồ Thác Bà và sông Chảy; vùng du lịch thành phố Yên Bái và vùng phụ cận; vùng du lịch miền Tây (Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Mù Cang Chải); vùng du lịch Trấn Yên, Văn Yên.

Theo đó, tại vùng du lịch hồ Thác Bà và dọc sông Chảy, các địa phương đã nâng cao chất lượng các homestay khu vực hồ Thác Bà và sông Chảy gắn với văn hóa dân tộc Dao và dân tộc Tày; xây dựng các sản phẩm du lịch mới gắn với hồ Thác Bà như thể thao dưới nước cano - dù lượn....; đầu tư nâng cấp chợ đá quý tại thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên thu hút khách du lịch; khảo sát, khuyến khích các hộ kinh doanh đầu tư khu trưng bày, chế tác và bán các sản phẩm lưu niệm từ đá quý, đá trắng, đặc sản địa phương.

5dm35269-1664728239353574181762-1024x682-1686617559.jpg
Mù Cang Chải là một trong những điểm đến thu hút đông đảo du khách đặc biệt vào giai đoạn mùa lúa chín. Ảnh: BTQ.

Vùng thành phố Yên Bái và phụ cận, tập trung kết nối các công ty lữ hành để hình thành các tour du lịch tìm hiểu lịch sử văn hóa, tham quan một số địa điểm trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ, trình diễn văn hóa, nghệ thuật dân gian như: múa sạp, múa xòe vào các ngày cuối tuần tại các tuyến phố đi bộ, tạo nên sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút du khách đến với Yên Bái.

Tại vùng du lịch trọng điểm miền Tây có các địa phương có tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh. Thị xã Nghĩa Lộ, địa phương đã tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng các mô hình du lịch cộng đồng tại bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi và bản Đêu, xã Nghĩa An. Bên cạnh các homestay của người Thái, đã xuất hiện các homestay mang đậm nét văn hóa của dân tộc Mường. Định kỳ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ cuối tuần phục vụ du khách tại các thôn, bản có hoạt động du lịch cộng đồng.

Huyện Văn Chấn tập trung thế mạnh phát triển các homestay gắn với bản sắc văn hóa dân tộc Mông tại Suối Giàng; mở rộng thêm các hoạt động du lịch mạo hiểm tại xã Tú Lệ... Khai thác lợi thế địa hình, cảnh quan huyện Trạm Tấu đã chuyên nghiệp hóa các hoạt động du lịch leo núi, mạo hiểm, thu hút đông du khách đến khám phá. Củng cố và nâng cao chất lượng du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng.

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, bên cạnh củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động thường niên như dù lượn, chợ phiên vùng cao..., đã phát triển thêm các loại hình du lịch mới xe máy địa hình, chạy maraton trong lòng di sản, leo núi; tổ chức thêm các lễ hội đặc sắc gắn với văn hóa dân tộc Mông như Lễ hội khèn Mông, Lễ hội hoa Tớ dày là những sản phẩm du lịch huyện vùng cao Mù Cang Chải tập trung làm tốt.

Vùng du lịch Bắc Trấn Yên - Văn Yên tập trung lợi thế vùng đó là nâng cao chất lượng các hoạt động du lịch cộng đồng như: nâng cấp chất lượng đạt chuẩn OCOP 4 sao đối với điểm du lịch cộng đồng Bản Tát – Nà Hẩu ; tiếp tục quản lý, thực hiện tốt việc khai thác du lịch tâm linh tại đền Đông Cuông.

Thời gian qua, ngành Du lịch Yên Bái đã có nhiều khởi sắc, năm 2022 tỉnh vẫn đạt mốc gần 1,6 triệu lượt du khách (vượt 44,4% kế hoạch năm, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021), trong đó khách quốc tế đạt 28.000 lượt, doanh thu đạt trên 1.100 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2023 du lịch Yên Bái đón gần 1 triệu lượt khách với doanh thu gần 725 tỷ đồng, tăng 63,5% so cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, ngành Du lịch tỉnh đón khoảng 121.600 lượt khách, tăng 70,2% so với dịp nghỉ lễ cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế đạt trên 5.000 lượt, tổng thu từ du lịch đạt 94 tỷ đồng (tăng 54% so với cùng kỳ năm 2022)...

Tuy nhiên theo đánh giá địa phương, sản phẩm du lịch của Yên Bái vẫn còn nghèo, quy mô nhỏ; việc quản lý, khai thác tài nguyên, năng lực tổ chức, phát triển sản phẩm du lịch chưa cao. Lượng du khách đến Yên Bái dù tăng trưởng hàng năm nhưng thời gian lưu trú ngắn, mức độ sử dụng các dịch vụ hạn chế; hạ tầng du lịch và các dịch vụ phụ trợ còn thiếu và yếu, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế nguồn lực du lịch vốn có. Sản phẩm du lịch vẫn mang tính mùa vụ; các loại hình dịch vụ phục vụ hoạt động vui chơi giải trí chưa được đầu tư; đến nay, chưa hình thành được sản phẩm du lịch MICE; sản phẩm nghỉ dưỡng ven hồ Thác Bà đã hình thành nhưng chưa đạt giá trị cao...

Tỉnh Yên Bái phấn đấu trong năm 2023 thu hút khoảng 1,5 triệu du khách; trong đó, có khoảng 10% khách quốc tế, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 1.350 tỷ đồng. Yên Bái tiếp tục triển khai chủ đề phát triển du lịch năm 2023 là "Yên Bái - Điểm đến di sản thiên nhiên và văn hóa” với phương châm hành động: "Chuyển tài nguyên con người và tài nguyên văn hóa thành tài nguyên du lịch”.

ybao-1686617575.jpg
Địa phương này đẩy mạnh liên kết, phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch mạo hiểm. Ảnh: T.Khánh.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng trên địa bàn tỉnh, ngành Du lịch tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, trải nghiệm du lịch đa dạng, hấp dẫn; khôi phục niềm tin của thị trường về du lịch của tỉnh an toàn, hấp dẫn; triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, đề án về phát triển du lịch, nhất là Nghị quyết 28-NQ/TU ngày 24/02/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 14/4/2024 của HĐND về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; củng cố chất lượng, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch tại các vùng du lịch trọng điểm.

Trong đó, vùng hồ Thác Bà và dọc sông Chảy thuộc các huyện Yên Bình, Lục Yên chú trọng nâng cao sản phẩm du lịch cộng đồng, tham quan hồ Thác Bà, du lịch trải nghiệm gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc… Tập trung xây dựng các thành phần cơ bản của du lịch địa phương: dịch vụ vận chuyển; dịch vụ lưu trú và ăn uống; dịch vụ tham quan; hàng hóa được bày bán hàng tiêu dùng, quà lưu niệm…; các dịch vụ hỗ trợ; cải thiện yếu tố bền vững về môi trường tự nhiên, tăng cường quản lý điểm đến, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường; thúc đẩy hoạt động của 4 vùng trọng điểm, đặc biệt trong phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, các lễ hội truyền thống...

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP.HCM năm 2023. Trong đó, tập trung xây dựng mối liên kết vùng trong hoạt động du lịch với những hoạt động, sự kiện liên kết hợp tác phát triển du lịch cấp khu vực, thu hút sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước. Thúc đẩy hoạt động kết nối, trao đổi thị trường khách du lịch giữa các tỉnh, thành phố trong Nhóm hợp tác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trong Nhóm hợp tác. Tổ chức đón các đoàn khảo sát các chương trình du lịch do Sở Du lịch TP.HCM thành lập khảo sát tại các địa điểm thuộc tỉnh Yên Bái để liên kết hợp tác đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, tour du lịch đưa khách đến tỉnh; phối hợp xây dựng phóng sự truyền thông quảng bá du lịch.

Liên kết trưng bày giới thiệu các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái đến thị trường 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh thông qua các chuỗi cung ứng bán buôn, bán lẻ, hệ thống siêu thị, khu, điểm du lịch. Tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Yên Bái nằm trong các hoạt bên lề của Hội chợ Du lịch quốc tế ITE TP.HCM 2023; tổ chức hoạt động giới thiệu văn hóa dân tộc Thái tại phố đi bộ Nguyễn Huệ với chủ đề “Xoè Thái - Tinh hoa di sản Tây Bắc”; trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch phối hợp trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP địa phương; giới thiệu những nét văn hóa, văn nghệ truyền thống, đặc sắc của tỉnh Yên Bái; giới thiệu các tour du lịch, các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Yên Bái...