Có thể nói, chưa bao giờ hoạt động du lịch lại trở nên sống động, hấp dẫn và tạo được dấu ấn đẹp trong cộng đồng và trong lòng người dân TP. Hồ Chí Minh như hiện nay, mặc dù ngành du lịch vừa mới “trỗi dậy” sau đợt “ngủ đông” vì dịch bệnh Covid-19.
Hàng loạt các sản phẩm được công bố và khảo sát trong thời điểm đang tập trung cao điểm cho sự kiện Hội chợ Triển lãm Du lịch Quốc tế lần thứ 16 năm 2022, sự kiện lớn nhất khu vực hạ nguồn sông Mê Kông đã thể hiện ý chí quyết tâm, sự nỗ lực, đồng lòng của toàn ngành thi đua lập thành tích, cùng cả nước hướng đến kỷ niệm ngày Quốc khách nước nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2022).
Tất cả đều đã được ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh xác định trong kế hoạch mở cửa, phục hồi du lịch theo chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City” và kế hoạch “Mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng”.
Vừa qua, tiếp nối chuỗi hoạt động ra mắt các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới của Quận 1, Quận Hóc Môn và Quận 12… Sở Du lịch đã phối hợp với Quận Tân Bình, Quận Gò Vấp, Công ty Du lịch Chim Cánh cụt, Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch TST, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - GĐ Sở Du lịch, cùng với sự tham gia của đại diện các sở, ngành liên quan và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đã thực hiện chuyến khảo sát 2 sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn.
Chương trình “Gò Vấp - Trăm năm tìm lại dấu xưa”, với các điểm đến nổi bật
Phù Châu Miếu: Ngôi miếu có tuổi đời gần 300 năm trên dòng sông Vàm Thuật, là một di tích kiến trúc nghệ thuật đã được xếp hạng. Miếu được tạo dựng khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Trước năm 1975, miếu là một trong những địa điểm hành hương nổi tiếng của người dân Sài Gòn - Gia Định. Từ năm 1992 đến nay, sau nhiều lần trùng tu, miếu Nổi đã trở thành một ngôi miếu khang trang bằng vật liệu hiện đại, nhưng vẫn theo kết cấu kiến trúc cổ kính mang đậm nét văn hóa Việt - Hoa. Mặt tiền miếu quay về hướng Nam, được cất theo chữ tam (三), gồm ba tòa nhà nối liền nhau bởi sân thiên tỉnh. Mái lợp ngói âm dương tráng men xanh ngọc, gồm hai tầng chồng khít lên nhau. Toàn bộ kiến trúc trong miếu được trang trí bằng nghệ thuật khảm gốm, cẩn sứ hình rồng, phượng rất tinh xảo, có tính nghệ thuật cao.
Đình Thông Tây Hội: Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia, là Ngôi đình cổ nhất của vùng đất Gia Định xưa và của miệt đất phương Nam còn tồn tại đến nay. Đình Thông Tây Hội còn lưu giữ hiện vật quý gồm các tác phẩm chạm khắc nghệ thuật như: Bao lam, hoành phi, câu đối và trang thờ… Đặc biệt, có một số bức hoành phi được xếp vào những bức hoành phi tiêu biểu trong các di tích kiến trúc nghệ thuật ở TP. Hồ Chí Minh, như: Bức hoành phí “Kính như tại” (cung kính như thần có tại chỗ) niên đại 1881 và “Chung linh dục tú” (linh khí hội tụ) niên đại 1906; bức hoành phi “Quốc thái dân an” (Nước thịnh dân mạnh).... Tại đây, đoàn trồng cây lưu niệm, cây vấp - một loại cây đặc trưng gắn với địa danh của vùng đất này.
Nhà thờ Hạnh Thông Tây: Do Denis Lê Phát An (cậu ruột của Hoàng hậu Nam Phương) cho xây dựng theo phong cách kiến trúc Byzantine của Châu Âu rất độc đáo. Trong nhà thờ còn có 2 ngôi mộ vợ chồng ông Lê Phát An là cách để tưởng nhớ công của ông bà đã đóng góp cho giáo dân nơi đây, là một đặc ân đặc biệt hiếm có trong công giáo. Tồn tại và phát triển gần 100 năm, nhà thờ Hạnh Thông Tây vẫn còn lưu giữ những giá trị kiến trúc ban đầu, góp phần bảo tồn sự phong phú di sản kiến trúc cổ đô thị tại TP. Hồ Chí Minh.
Một điểm đến cũng khá thú vị đó là Làng nghề đúc lư đồng. Đến nay An Hội vẫn còn 4 hộ gia đình vẫn còn giữ được nghề đúc đồng thủ công, giữ lửa, truyền nghề cho con cháu. Mặc dù làm nghề khá vất vả, trải qua 7 công đoạn hoàn toàn thủ công để ra được sản phẩm nhưng làng nghề đang tạo nên nhiều giá trị quý báu, trước hết là ý nghĩa truyền thống, sự đam mê, gắn bó với nghề, tất cả đã tạo nên nét đẹp và sự khác biệt của du lịch quận Gò Vấp.
Trải nghiệm tập golf cùng HLV chuyên nghiệp và tham quan sân golf Tân Sơn Nhất, kết hợp thưởng thức âm nhạc dân tộc do gia đình Nghệ nhân ưu tú Đức Dậu biểu diễn cũng là một trong những điểm nhấn thu hút khách du lịch khi đến với quận Gò Vấp.
Chương trình du lịch “Tân Bình - Biết bao điều thú vị” với những điểm nổi bật
Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ: Địa điểm gìn giữ rất nhiều hiện vật có giá trị lịch sử về lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ anh dũng kiên cường trong 30 năm chiến tranh (1945 - 1975). Phòng trưng bày đầy đủ nhất những bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Khám phá mô hình mô phỏng địa đạo: Là thế giới thu nhỏ của hàng chục địa đạo đã từng tồn tại trên mảnh đất miền Đông trong hai cuộc kháng chiến toàn dân, gian khổ, bền bỉ và lạc quan. Căn phòng điện ảnh, lưu giữ những hiện vật của các chiến sĩ truyền thông chiến trường ghi lại hình ảnh về một thời hoa lửa oai hùng trong lịch sử dân tộc. Giao lưu với cựu chiến binh, dũng sỹ diệt xe cơ giới Mỹ-phóng viên chiến trường, nghe kể chuyện về một thời hoa lửa oai hùng. Tại khu vực trưng bày những tấm bia đá liệt sĩ, quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh trên chiến trường Campuchia đã làm cho đoàn hết sức xúc động.
Trải nghiệm workshop làm nến thơm tại Dip Soul Candle: Với màu sắc sinh động, mùi hương dịu nhẹ của nến và tự tay thực hiện những cây nến thơm làm món quà ý nghĩa, giúp cho người nhận có một tinh thần thư giãn, thoải mái giữa cuộc sống bộn bề của mỗi người.
Chùa Giác Lâm: Với lối kiến trúc Á Đông và kiểu nhà rường truyền thống Việt Nam uyển chuyển và tinh tế. Đây là ngôi chùa cổ nhất Nam Bộ với tuổi đời gần 300 năm, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1988. Kiến trúc đặc sắc tiêu biểu cho chùa cổ Nam Bộ với cấu trúc dạng chữ Tam, mái chùa dạng bánh ít. Hệ thống bao lam, hoành phi, phù điêu, câu đối, liễn...được chạm khắc tinh xảo, trang trí các biểu tượng, đề tài phong phú tiêu biểu trong văn hóa Nam Bộ.
Kết thúc chương trình khảo sát, đoàn thưởng thức món chay tại Nhà hàng Zenhouse, một trong những nhà hàng chay được đánh giá có khung cảnh và món ăn ngon nhất thành phố với nhiều món chay được chế biến công phu, tinh tế với nhiều hương vị phù hợp với người Nam Bộ, người Hoa hay thực đơn phù hợp với người Nhật, Hàn, Châu Âu…đặc biệt Lẩu cù lao, món ăn tiêu biểu của thời khẩn hoang, thể hiện đặc trưng văn hóa sông nước Nam Bộ đã tạo một ấn tượng, cảm xúc đối với nhiều thực khách.
Hai sản phẩm du lịch mới trên sẽ giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống của địa phương, các công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc cùng các trải nghiệm thú vị sẽ tiếp thêm động lực phát triển cho du lịch TP. Hồ Chí Minh; tạo được sự lan tỏa, đạt hiệu quả thiết thực và nâng cao hoạt động thu hút khách du lịch tại địa phương.
Ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng trong năm 2022 sẽ tiếp tục cho ra mắt nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, mới lạ, chất lượng dịch vụ cao phục vụ du khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần phục hồi du lịch, phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố.
Tuy nhiên, sản phẩm du lịch có được du khách biết đến và đón nhận hay không phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng điểm đến, chất lượng của các dịch vụ kèm theo. Từ đó, du khách trong và ngoài nước khi đến TP. Hồ Chí Minh cảm nhận sự sống động và nhộn nhịp của một Thành phố thân thiện, nghĩa tình.