Đẩy mạnh hợp tác phát triển, phục hồi kinh tế hậu Covid-19 khu vực Mekong

Ngày 23/9, Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – ASEAN (VASEAN) đã tổ chức Diễn đàn Mekong lần thứ X với chủ đề “Đẩy mạnh hợp tác phát triển, phục hồi kinh tế hậu Covid-19 khu vực Mekong”. Qua đó, kết nối các doanh nghiệp đối thoại về chính sách, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội tham gia vào các dự án hợp tác phát triển kinh tế của các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS).

Tại diễn đàn, đánh giá về triển vọng hợp tác phát triển kinh tế giữa Việt Nam và các nước thuộc Tiểu vùng Mekong sau cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19, TS. Nguyễn Hà Phương, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cho rằng: Với lợi thế về mọi mặt và sự nỗ lực hợp tác của mình, Việt Nam ngày càng có vị trí nổi bật trong việc kết nối các quốc gia trong GMS bao gồm: Kết nối cứng và kết nối mềm. Việt Nam cũng là thành viên tích cực trong nhóm cơ chế hợp tác với đối tác bên ngoài khu vực. Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong phát triển mạng lưới sản xuất và các chuỗi giá trị gia tăng trong GMS. Không chỉ đóng vai trò trong việc kết nối cứng và kết nối mềm trong GMS mà chính Việt Nam là đối tác thương mại và đầu tư lớn của các nước GMS. Những lĩnh vực có triển vọng chủ yếu mà Việt Nam có thể hợp tác với các nước trong khối gồm có Giao thông vận tải; Năng lượng; Thương mại và đầu tư; Nông nghiệp Du lịch.

c49626ac545c9002c94d-1663923742.jpg
Diễn đàn Mekong lần thứ X. Ảnh: Hương Lan.

TS. Mai Huy Tân, Viện trưởng Viện Kinh tế tuần hoàn và Phát triển bền vững Mekong (Mekong Cesdi) cho rằng, Nông nghiệp, lâm nghiệp là một ngành kinh tế rất quan trọng của Việt Nam. Trong đó, vùng Mekong Delta với diện tích 40.890 km2 và dân số hơn 18 triệu là vùng kinh tế trọng điểm số 1 về nông nghiệp. TS Mai Huy Tân cũng đã giới thiệu 2 mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong nông nghiệp gắn với năng lượng xanh tại Mekong Delta gồm: Tổ hợp KTTH Agine hoạt động trong ngành trồng và chế biến lúa gạo, kết hợp chăn nuôi và năng lượng xanh và Tổ hợp KTTH GreenDevi trong ngành chăn nuôi, thủy sản, gắn với năng lượng xanh.

Phân tích cụ thể về hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường của 2 tổ hợp này cho thấy, 2 tổ hợp có thể đem lại tổng doanh thu 38.800 tỷ VNĐ/năm, tương đương 1.612 triệu USD/năm; tạo việc làm cho 3.000 lao động/năm, được đào tạo nghề miễn phí để trở thành công nhân kỹ thuật; Tổng số nông dân được đào tạo mới miễn phí để canh tác hữu cơ trên diện tích vùng nguyên liệu 9.600 ha khoảng 34.000 nông dân/năm; Giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ: từ 330 triệu đồng/ha/năm đến 400 triệu đ/ha/năm; Thu nhập bình quân của nông dân trên mỗi ha canh tác nông nghiệp hữu cơ từ việc cung cấp nông sản hữu cơ (đã trừ chi phí sản xuất): khoảng 200 triệu VNĐ/ha/năm; Thu nhập bình quân của người lao động: (bao gồm tiền lương, BHXH, tiền thưởng) khoảng 180 triệu VNĐ/năm/người; Giảm phát thải khí nhà kính: 4.890.000 tấn CO2/năm.

Do đó, gợi ý về hợp tác trong nông nghiệp ở các nước tiểu vùng MeKong mở rộng, TS. Trương Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm tư vấn Chính sách nông nghiệp cho rằng: "Cần phải thay đổi tập quán sản xuất, thay đổi giống, lịch canh tác trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi sinh kế để thích ứng biến đổi khí hậu và tận dụng lợi thế khác biệt mùa vụ. Tìm kiếm thị trường mới, cải tiến kỹ thuật canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm. Khuyến khích áp dụng các chứng chỉ chất lượng như GAP, phát triển đồng bộ PGS, chứng chỉ hữu cơ. Quản lý thương mại xuyên biên giới tốt hơn, điều phối hài hòa hoạt động xuất khẩu để mang lại lợi ích lớn hơn cho người dân mà vẫn tuân thủ các cam kết quốc tế. Cải thiện đào tạo, giáo dục, tăng cường năng lực, nhận thức của người dân, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước. Tăng cường liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và thị trường trong nước và giữa các nước. Xây dựng các biện pháp khuyến khích để giảm tình trạng sử dụng tài nguyên thiên nhiên không bền vững, đặc biệt là ngăn chặn việc khai thác quá mức cát sông, động, thực vật thủy sinh, cấm các biện pháp khai thác tận diệt. Hợp tác chặt chẽ trong chia sẻ thông tin và điều phối sử dụng nước sông Mekong, huy động hỗ trợ hợp tác lưu vực. Giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là bảo vệ rừng và lớp phủ thực vật để giảm phát thải khí nhà kính, khuyến khích sử dụng các chế phẩm sinh học".

Trong khuôn khổ hoạt động của Diễn đàn, Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam cũng tổ chức kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp và triển lãm giới thiệu sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, uy tín của các cơ quan, doanh nghiệp tham gia.

Đông Nghi