Đào Đình Bảng khoe sắc đón xuân

Đào Đình Bảng (thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) ngày càng khẳng định được thương hiệu riêng trong lòng "người chơi" đào gần xa. Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, làng đào Đình Bảng lại tấp nập du khách tham quan, mua đào. 
dao-dinh-bang-1706673270.png
Thời tiết thuận lợi, hoa đào sinh trưởng, phát triển tốt, ra nụ đều, cánh đào dày, thẫm màu và lâu phai tàn. Ảnh minh họa

Nghề trồng đào ở Đình Bảng có từ những năm 2000, khi một số hộ dân địa phương đã mạnh dạn đưa giống đào Nhật Tân (Hà Nội) về trồng thử. Những năm sau, dần dà, người dân tự nâng cao tay nghề, tự chiết, ghép, nhân giống đào cho các vụ sau. Bên cạnh đó, nắm bắt được xu thế của thị trường, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng đào bích, đào phai, đào thế sang trồng đào rừng, đào cành để phục vụ thị trường Tết.

Theo người dân trồng đào, do thời tiết cuối vụ thuận lợi, nụ đào ra đều và đẹp hơn so với năm ngoái, cánh đào dày, thẫm màu hơn và lâu bị phai tàn. Do vậy, giá đào cũng tăng nhẹ từ 10 - 15% so với năm ngoái, trung bình từ 300 - 500 đồng/cành và từ 800 - 2 triệu đồng/cây đào hạt tại ruộng.

Nhiều hộ trồng đào rừng, đào lâu năm để cho các doanh nghiệp, cơ quan, hộ gia đình có điều kiện thuê đào chơi Tết với giá dao động từ 2 - 8 triệu đồng/cây, tùy từng gốc. Nghề trồng đào Tết đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình nơi đây, mở ra một hướng sản xuất mới đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân trên địa bàn phường.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND phường Đình Bảng cho biết, hiện có khoảng 340 hộ tham gia trồng đào, với tổng diện tích gần 90ha, tập trung chủ yếu trên địa bàn các khu phố: Trung Hòa, Bà La, Tỉnh Cầu, Xuân Đài và Ao Sen.

Thương hiệu đào Đình Bảng ngày càng vươn xa, hiện không chỉ cung cấp cho khách hàng trong tỉnh mà còn vươn tới các tỉnh, thành lân cận như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên...

Để khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân nâng cao hiệu quả trồng đào, từ năm 2014, địa phương đã quy hoạch vùng trồng đào tập trung, đồng thời, đầu tư kinh phí xây dựng kênh tưới, tiêu, đường giao thông, hệ thống điện sản xuất, chiếu sáng. Năm 2023, phường đã mở 2 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc đào cho 130 hộ dân.

Thời gian tới, Đình Bảng tiếp tục tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ dân, khuyến khích người dân tiếp tục phát triển nghề trồng hoa cây cảnh, trong đó trọng tâm là nghề trồng đào. Đây là giải pháp vừa phát triển được nghề truyền thống của địa phương, vừa giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Đồng thời, tiếp tục bố trí kinh phí làm đường, hệ thống thủy lợi xung quanh các khu trồng đào để người dân thuận lợi trong việc sản xuất, kinh doanh đào./.

Trần Quỳnh