Thời gian qua, tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi của tỉnh là rất cao, nhất là các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, do: Tình hình thời tiết thay đổi bất lợi, làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh; Thực trạng chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân cư vẫn diễn ra khá phổ biến; Việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật gia tăng mạnh; Một bộ phận người chăn nuôi chưa chú trọng áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Do vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan chuyên môn tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đồng thời báo cáo kịp thời, đầy đủ thông tin dịch bệnh động vật theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, các Chương trình và Kế hoạch quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo; các Chương trình, Kế hoạch của UBND tỉnh.
Cụ thể, đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố: Thành lập các Đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại các địa phương có nguy cơ cao; đặc biệt kiểm tra công tác tiêm phòng vắc xin, giám sát, cảnh báo và báo cáo dịch bệnh.
Chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng đại trà cho đàn gia súc, gia cầm vụ Thu - Đông năm 2023 trên địa bàn theo Kế hoạch của Sở Nông nghiệp và PTNT; đồng thời rà soát tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm phát sinh mới, đến tuổi tiêm phòng; tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh DTLCP cho đàn lợn theo chỉ đạo, hướng dẫn của Cục Thú y và Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh.
Các cơ quan chuyên môn và UBND cấp xã tăng cường cán bộ kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt lưu ý những nơi có ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, khi ổ dịch ở phạm vi nhỏ lẻ; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật ra môi trường dẫn đến lây lan dịch bệnh....
Đối với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản: Chuẩn bị đầy đủ các loại vắc xin, vật tư, hóa chất để cung ứng kịp thời cho các địa phương triển khai công tác tiêm phòng đại trà, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm và công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch.
Chỉ đạo cán bộ chuyên môn tăng cường bám sát cơ sở để nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh; tổ chức lấy mẫu giám sát, lấy mẫu xét nghiệm nhằm phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện ổ dịch. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn công tác tiêm phòng và công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các huyện, thị xã, thành phố....
Ngoài ra, phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Sở Y tế) triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đồng thời, phối hợp với Báo Bắc Ninh, Đài PT - TH tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện các biện pháp “chăn nuôi an toàn sinh học”./.