Đánh giá "Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam"

Danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE 500) vừa được công bố cho thấy bức tranh tổng quan về quy mô, hoạt động của các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Việc đánh giá Top 500 doanh nghiệp theo phương pháp mới nhằm tìm ra những ngành nghề nào, doanh nghiệp nào có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.

Mới đây, tại Hội thảo đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo Kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã công bố kết quả nghiên cứu về kết quả hoạt động của 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500).

Nhóm 500 doanh nghiệp VPE 500 được lựa chọn dựa trên việc xếp hạng theo giá trị trung bình thứ hạng của 3 tiêu chí lao động; tổng tài sản; doanh thu. Đây là điểm khác biệt đối với nhiều báo cáo trước đây khi thường sắp xếp theo từng tiêu chí riêng lẻ.

huy-thang-1660295487.jpg
Ảnh minh họa

Theo kết quả nghiên cứu, trong giai đoạn 2016-2020, có tổng cộng 823 doanh nghiệp vào/ra danh mục nhóm 500 doanh nghiệp được lựa chọn hàng năm. Con số này khá lớn khi nhìn sang nhóm chỉ số S&P 500 với khoảng 800 doanh nghiệp vào/ra trong 30 năm.

Trong đó, 237 doanh nghiệp giữ vị trí ổn định suốt 5 năm, chiếm 47,4% tổng số doanh nghiệp. Khoảng 18-20% số doanh nghiệp có mặt trong VPE500 của năm trước không có mặt trong năm sau đó. Tỷ lệ này tại nhóm Fortune 500 giai đoạn 1955-2014 thấp hơn (12,2%).

Xét theo từng ngành lĩnh vực, nhóm ngành dịch vụ có mức biến động lớn hơn so với nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo. Tỷ lệ rút khỏi danh mục VPE 500 của ngành dịch vụ là 38,4%, còn tỷ lệ này tại ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là khoảng 32,8%. Nguyên nhân được nhóm nghiên cứu chỉ ra là bởi tính ổn định của thị trường hoặc chu kỳ đầu tư dài hơn của lĩnh vực sản xuất so với dịch vụ.

"Tổng cục Thống kê là đơn vị đồng hành cùng nhóm nghiên cứu trong thẩm định, xác minh, xác nhận lại số liệu. Đây là phương pháp khoa học khi kết hợp 3 tiêu chí này thì hoàn toàn đồng nhất với phương pháp xếp hạng doanh nghiệp, quy mô doanh nghiệp theo Nghị định 39 của CP cũng đánh giá trên 3 tiêu chí: lao động, nguồn vốn và doanh thu", bà Nguyễn Thùy Dương, đại diện Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê, cho biết.

Đánh giá Top 500 doanh nghiệp theo phương pháp mới này nhằm tìm ra những ngành nghề nào, doanh nghiệp nào có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, từ đó sẽ đề xuất được các giải pháp, cơ chế phù hợp để cho các doanh nghiệp phát triển.

"Việc nghiên cứu 500 doanh nghiệp lớn nhất có ý nghĩa lớn, tạo nền tảng, liên kết với các doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng", TS. Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), đánh giá.

"Khu vực chế biến, chế tạo vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn, trên 52%. Ngoài ra một số doanh nghiệp khác trong lĩnh vực tài chính, bất động sản, xây dựng là những doanh nghiệp có tỷ trong tương đối cao trong danh mục VPE500 hiện nay. Tỷ lệ biến động giữa các năm chủ yếu năm trong nhóm dịch vụ", ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo Kinh tế ngành và Doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, nhận định.

Góp ý tại hội thảo, nhóm nghiên cứu và nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần thiết có những chính sách cụ thể hơn nữa để xây dựng được một lực lượng các doanh nghiệp tư nhân lớn, phát triển ổn định, chống chịu được các cú sốc lớn từ bên ngoài và làm tăng hiệu quả của nền kinh tế. Theo đó, các chính sách với doanh nghiệp tư nhân trong thời gian tới cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng không chỉ tạo thuận lợi với doanh nghiệp trong gia nhập thị trường mà còn giúp doanh nghiệp sống sót và tăng trưởng. Đặc biệt cần khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư để cải tạo năng suất, chuyển dần sang tăng trưởng theo chiều sâu.

Có chính sách kinh tế thúc đẩy liên kết doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, đồng thời nâng cao năng lực doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

Để khuyến khích khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển, nhóm nghiên cứu khuyến nghị, Việt Nam cần có chính sách khuyến khích và tạo phong trào để từng địa phương xây dựng được các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu của mình dựa trên những lợi thế địa phương, tạo điều kiện để doanh nghiệp vươn tầm hoạt động trên phạm vi cả nước.

Anh Vân (t/h)