Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp với sự tham dự của hơn 150 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nằm trong Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 13/8/2024 về danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật).
Đây là hỗ trợ kỹ thuật do Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên Hợp Quốc tài trợ trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP), nhằm nhằm hỗ trợ Cục Biến đổi Khí hậu trong việc phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.
Mục tiêu của Hỗ trợ kỹ thuật nhằm phân tích và xây dựng mô hình đánh giá tác động các phương án quản lý tín chỉ các - bon và hạn ngạch phát thải khí nhà kính tại Việt Nam, từ đó cung cấp các khuyến nghị để hỗ trợ quá trình xây dựng hệ thống quản lý quốc gia, hướng tới việc vận hành hiệu quả thị trường các - bon tại Việt Nam. Thông qua quá trình đánh giá, liên danh tư vấn sẽ cung cấp các khuyến nghị về xác định các phương án quản lý tối ưu đối với hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon, hướng tới vận hành hiệu quả thị trường các-bon tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã tích cực tham gia các nỗ lực quốc tế về biến đổi khí hậu và chủ động đưa ra các cam kết lớn trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, tại Hội nghị COP 26, Việt Nam đã cam kết sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để đạt được các cam kết này và mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam, một trong những biện pháp quan trọng là định giá các-bon.
Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 06 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn đã đưa ra lộ trình phát triển thị trường các-bon của Việt Nam. Trước mắt, tháng 6/2025 sẽ bắt đầu phân bổ hạn ngạch và triển khai thí điểm hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính (ETS). Trong thời gian tới, cần phải có phương án thiết kế và quản lý hệ thống ETS phù hợp với điều kiện thực tiễn phát triển của Việt Nam. “Nhiệm vụ đánh giá do UNOPS chủ trì thực hiện, kéo dài từ nay đến tháng 6/2025 nhằm phục vụ triển khai giai đoạn thí điểm” - ông Quang chia sẻ.
Lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu cho rằng, hành lang pháp lý và lộ trình thực hiện đã có, việc cần làm là phải đánh giá tính toán cụ thể xem mực độ ảnh hưởng vĩ mô, ảnh hưởng đến doanh nghiệp ở mức độ như thế nào? Phải có phương án thiết kế và quản lý đối với hệ thống ETS để làm sao phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam./.