Phát triển ngành thủy sản bền vững đạt được các mục tiêu về xuất khẩu
Theo Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, hiện nay vùng ĐBSCL có khoảng 4.561 cơ sở sản xuất giống thủy sản và 310 nhà máy sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học phục vụ cho nuôi trồng thủy sản của khu vực. Bên cạnh đó, vùng đang có 362 cơ sở chế biến đông lạnh, trong đó có 102 nhà máy chế biến thủy sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường quốc tế, nhiều nhà máy chuyên chế biến cá tra, tôm, và các loại thủy sản giá trị cao tập trung nhiều tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp và An Giang.
Ông Nguyễn Văn Hữu, Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cũng như khu vực ĐBSCL hiện nay phụ thuộc vào các thị trường nhập khẩu và bị hạn chế về công nghệ, năng lực sản xuất. Cùng với đó là vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn chế về trong xây dựng thương hiệu. Hiện nay, vùng ĐBSCL đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, sạt lở, nước biển dâng và xâm nhập mặn.
Theo đánh giá, Việt Nam đã tham gia ký kết 16 FTA bao gồm các FTA song phương, đa phương và các hiệp định này đã giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cũng không hề nhỏ khi các quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia đang cạnh tranh gay gắt với thủy sản của Việt Nam, cùng với đó là các rào cản thương mại, những quy định nghiêm ngặt về kiểm dịch an toàn thực phẩm, chống bán phá giá tại các thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, áp lực về môi trường, nhu cầu phát triển bền vững đòi hỏi cần có những biện pháp để phát triển ngành thủy sản của Việt Nam cũng như khu vực ĐBSCL một cách bền vững, đạt được các mục tiêu về xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Văn Hữu, mục tiêu phát triển thủy sản khu vực ĐBSCL đến 2030 có diện tích nuôi trồng 990.000 ha, trong đó nuôi nước lợ chiếm khoảng 740.000 ha, nuôi nước ngọt chiếm khoảng 150.000 ha. Sản lượng nuôi trồng đạt trên 4,8 triệu tấn, trong đó tôm nước lợ 1,2 triệu tấn, cá tra khoảng 2 triệu tấn. Đối với các vùng nuôi phải được kiểm soát về môi trường, dịch bệnh và an toàn thực phẩm.
"Mục tiêu 100% các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung phải được kiểm soát về môi trường dịch bệnh, an toàn thực phẩm và diện tích sản lượng nuôi trồng thủy sản sản xuất theo mô hình hợp tác xã và liên kết chuỗi phải đạt trên 30%, lao động nuôi trồng thủy sản được tập huấn, đào tạo nghề phải đạt trên 30%. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt một trong các chứng nhận VietGap và và các chứng nhận khác tương đương trên 20 % và hệ thống hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là hệ thống thủy lợi đáp ứng được trên 50 % nhu cầu của của vùng nuôi trồng tập trung", ông Hữu nói.
Tính đến hết tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 8,2 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt hơn 3,2 tỷ USD; xuất khẩu cá tra đạt gần 1,7 tỷ USD. Dự báo năm nay xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt trên 10 tỷ USD.
Giải pháp kiểm soát “tam giác gây bệnh” trên vùng thủy sản
Các chuyên gia cho biết, việc kiểm soát "tam giác gây bệnh" trong nuôi trồng thủy sản, bao gồm 3 yếu tố chính: vật chủ, mầm bệnh và môi trường, tất cả đều ảnh hưởng trực tiếp đến thành bại ngành thủy sản. Khi 3 yếu tố này kết hợp trong một môi trường thuận lợi, dịch bệnh sẽ bùng phát.
Tiến sĩ Đặng Thị Hoàng Oanh, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Cần Thơ, đề xuất cải thiện môi trường sống, duy trì mật độ thả nuôi hợp lý và nâng cao chất lượng thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho vật chủ.
Bà lưu ý những thay đổi nhỏ trong môi trường như độ pH hoặc nhiệt độ nước có thể gây stress cho vật chủ, làm suy yếu hệ miễn dịch và khiến chúng dễ nhiễm bệnh.
“Đối với tôm, người nuôi cần chọn giống sạch bệnh, có sức đề kháng cao và từ các nhà cung cấp uy tín, đồng thời cần ươm giống trong ao từ 3-4 tuần trước khi thả nuôi để giảm nguy cơ lây nhiễm. Đối với con cá tra, chủ ao cần cải tạo ao nước trước khi thả. Đồng thời tiêm vacxin phòng bệnh và áp dụng phương pháp chẩn đoán bệnh sớm”, bà Hoàng Oanh nói.
Trong khi đó, một số chuyên gia cũng cho rằng việc kiểm soát đồng thời cả 3 yếu tố trong "tam giác gây bệnh" là điều bất khả thi. Dù nông dân có thể trang bị thiết bị hiện đại để quản lý các chỉ số môi trường nhưng việc kiểm soát chất lượng con giống là không thể, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng bởi phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài.
“Cần tổ chức các khóa huấn luyện để nâng cao năng lực cho nông dân trong phòng chống dịch bệnh. Đồng thời tăng cường liên kết từ cơ quan, nông dân với các trung tâm đào tạo, để nghiên cứu những đề tài sát với thực tế sản xuất. Xây dựng một hệ thống liên kết giữa người nuôi, nhà cung cấp giống tạo thành một vòng tuần hoàn trong kiểm soát các yếu tố gây bệnh”, Tiến sĩ Vũ Ngọc Út, Hiệu trưởng Trường Thủy sản, Đại học Cần Thơ chia sẻ.
Theo đại diện Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), Bộ đã đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm để phát triển ngành thủy sản bền vững trong thời gian tới. Trước hết, triển khai Luật Thủy sản và các quy định hiện hành để đảm bảo các cơ sở nuôi trồng thủy sản hoạt động đúng pháp luật.
Đồng thời hoàn thiện khung pháp lý vào năm 2027. Đầu tư hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản, đảm bảo phù hợp với biến đổi khí hậu. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo các vùng sinh thái, xây dựng các khu nuôi tập trung và nhân rộng các mô hình nuôi bền vững đảm bảo truy xuất nguồn gốc và liên kết chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả.
Cục Thủy sản cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn, nhằm tận dụng hiệu quả phụ phẩm trong nuôi trồng và chế biến thủy sản. Tăng cường sự liên kết giữa người nuôi, doanh nghiệp chế biến và nhà xuất khẩu để tối ưu hóa giá trị sản phẩm và đảm bảo ngành thủy sản phát triển bền vững./.