Đắk Nông: Nhiều mô hình chăn nuôi chưa tuân thủ quy trình xử lý nước thải

Mặc dù hệ thống xử lý nước thải đúng quy định đã và đang là yêu cầu bắt buộc đối với các hộ chăn nuôi, nhưng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn còn nhiều trang trại xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường.
ktx-nuoc-suoi-den-ngom-do-trang-trai-lon-xa-thai-2-1697162432.jpg
Dòng “suối nước đen” do trang trại lợn xả thải trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông, thời gian gần đây, cơ quan chức năng thường xuyên nhận được phản ánh người dân về các trang trại nuôi heo trên địa bàn.

Được biết, trang trại chăn nuôi heo của bà Phạm Thị Thúy, ở xã Nam Bình (Đắk Song) đã nhiều lần xả ra môi trường với lượng lớn nước thải chuồng trại. Sau khảo sát và điều tra, cơ quan chức năng xác định nước xả từ trang trại của bà có BOD5 vượt 11,18 lần, COD vượt 7,26 lần, TSS vượt 11,71 lần, Coliforms vượt 4.600 lần… Đây là các thông số vượt quy chuẩn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Cũng nằm trong địa bàn huyện Đắk Song, trang trại nuôi heo của ông Vũ Văn Ru, ở xã Nâm N’Jang được xác định xả thải ra ngoài môi trường với nhiều thông số vượt quy chuẩn như: BOD5 vượt 1,95 lần, COD vượt 1,79 lần, TSS vượt 4,72 lần, Coliforms vượt 15,6 lần…

Sai phạm tương tự, trang trại nuôi heo tại xã Nam Bình của gia đình bà Phạm Thị Dung xả thải ra ngoài môi trường với nhiều thông số vượt quy chuẩn như BOD5 vượt 20,31 lần, COD vượt 13,25 lần, TSS vượt 181,22 lần, Coliforms vượt 56.000 lần...

Ngay sau bà Dung là trang trại chăn nuôi heo ở xã Đắk N’Drung của ông Phạm Văn Vịnh xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn như: BOD5 vượt 4,08 lần, COD vượt 2,56 lần, TSS vượt 3,07 lần, Coliforms vượt 34 lần…

Với những sai phạm quy định về môi trường như vậy, các chủ trang trại bị phạt hành chính lần lượt là bà Phạm Thị Thúy 377,5 triệu đồng, ông Vũ Văn Ru 127,5 triệu đồng, bà Phạm Thị Dung 225 triệu đồng và ông Phạm Văn Vịnh 220,5 triệu đồng. Ngoài ra, các chủ trang trại còn phải thực hiện thu gom nước thải ra ngoài môi trường để xử lý theo quy định và chịu chi phí trưng cầu đo đạc, phân tích mẫu nước thải.

Chỉ mới trong 4 ngày liên tiếp (từ 9/10 đến 12/10) UBND tỉnh Đắk Nông đã xử phạt 4 trường hợp vi phạm. Những sai phạm này không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên mà còn ảnh hưởng xấu đến đời sống sinh hoạt của bà con sống xung quanh các trang trại. Đây là tình trạng đáng báo động, cần được nhanh chóng điều tra và xử lý nghiêm.

Theo Thông tư 28/2022/TT-BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành:
Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng thuộc đối tượng áp dụng phải thực hiện công bố hợp quy và đăng ký công bố hợp quy theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ; Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Khi nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng được đánh giá, công bố hợp quy, tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng thuộc đối tượng áp dụng phải chịu sự đánh giá giám sát không quá 12 tháng/1 lần hoặc đột xuất khi cần thiết.
Cáp Vương - Lệ Thành