Vườn Quốc gia Pù Mát phát hiện nhiều lợn rừng chết do dịch tả lợn Châu Phi

Sau khi phát hiện nhiều con lợn rừng chết bất thường không rõ nguyên nhân trong khu vực rừng đặc dụng, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm và gửi đến cơ quan chức năng tìm hiểu nguyên nhân để có các biện pháp phòng trừ kịp thời. Sau một thời gian tiến hành xét nghiệm, phân tích, Chi cục Thú y vùng III đã có kết quả kết luận lợn rừng tại Pù Mát chết do nhiễm vi rút dịch tả lợn Châu Phi.
img-8537-1734685340.JPG
Vườn Quốc gia Pù Mát có diện tích 94.000 ha trải dài ở 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương (Nghệ An).

Trong thời gian vừa qua, qua quá trình tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng Vườn Quốc gia Pù Mát (huyện Con Cuông, Nghệ An) đã phát hiện 29 con lợn rừng chết bất thường rải rác ở nhiều khu vực thuộc địa bàn các huyện Con Cuông và Tương Dương. Những cá thể lợn rừng chết đều đã trưởng thành với trọng lượng trung bình từ 30-50kg. Qua kiểm tra, lực lượng kiểm lâm của Vườn quốc gia Pù Mát khẳng định không có dấu hiệu tác động từ việc săn bắn trái phép.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết: “Đây là lần đầu tiên phát hiện lợn rừng chết do dịch tả lợn Châu Phi trong khu vực quản lý của đơn vị. Sau khi xác định nguyên nhân, ban quản lý đã tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo người dân khi phát hiện lợn chết báo cáo ngay với cơ quan chức năng để tiến hành tiêu huỷ chứ nhất quyết không được sử dụng cũng như mổ bán.”

img-8536-1734685340.JPG
Lực lượng chức năng phát hiện lợn rừng chết tại lâm phần trạm Khe Choăng (Con Cuông) quản lý.

Mặc dù đã xác định được nguyên nhân lợn rừng chết nhưng ban quản lý vẫn chưa thể áp dụng các biện pháp phòng, trừ truyền thống như phun thuốc khử trùng hay khoanh vùng dập dịch vì là rừng đặc dụng có rất nhiều loài động vật hoang dã sinh sống, hơn nữa diện tích rộng lớn, trải dài nên rất khó để áp dụng các biện pháp dập dịch như ở các trang trại hay địa phương khác, ông Tuấn cho biết thêm.

Hiện nay, Ban Quản lý Vườn Quốc Gia Pù Mát đang tiến hành xin ý kiến các cơ quan chức năng về phương án xử lý dịch bệnh làm sao để vừa khống chế được dịch mà lại không ảnh hương đến hệ sinh thái của vườn. Song song với đó là tăng cường công tác tuần tra, giám sát các lâm vực nơi mà lợn rừng thường sinh sống và kiếm ăn để kịp thời phát hiện, xử lý nếu có lợn rừng nhiễm bệnh chết./.

Quốc Cường