Nắm bắt thời cuộc, chị Nguyễn Thị Thơ - phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Thương mại cà phê Minh Dũng ở thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) đã nỗ lực học hỏi, chinh phục công nghệ dù đã ngoài 50 tuổi. Trên các nền tảng số, chị miệt mài sáng tạo nội dung, chia sẻ video rang xay, chế biến cà phê rang củi theo phương pháp truyền thống. Các video của chị Thơ thu hút sự chú ý và niềm tin từ người tiêu dùng.
Vừa học vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mỗi ngày chị đều tiến bộ. Nhờ sự kiên trì ấy, sản phẩm cà phê rang củi mang thương hiệu Thơ Dũng đã hiện diện trên Facebook, Zalo, TikTok, Lazada, Shopee… và đến gần hơn với người tiêu dùng cả nước. “Công nghệ không chỉ dành cho người trẻ. Nếu chịu khó học, người lớn tuổi như tôi vẫn có thể làm được”, chị Thơ chia sẻ.

Trung bình mỗi buổi livestream, chị Nguyễn Thị Thơ bán được vài chục đơn hàng sỉ và lẻ. Sự tin tưởng của khách hàng vào sản phẩm “hàng thật, người thật” chính là yếu tố then chốt giúp chị duy trì doanh số ổn định và ngày càng mở rộng tệp khách hàng. Không chỉ hiệu quả trong bán hàng, việc ứng dụng công nghệ số còn mang lại giá trị dài hạn cho chị Thơ. “Điều quan trọng hơn là tôi đã bước đầu xây dựng được hình ảnh, định hình thương hiệu cà phê rang củi Thơ Dũng và từng bước khẳng định uy tín với khách hàng”, chị Thơ bày tỏ.
Quay video quy trình rang xay không chỉ giúp khách hàng hiểu rõ nguồn gốc sản phẩm, mà còn là cách người bán thể hiện trách nhiệm với từng hạt cà phê mình làm ra. Mỗi thước phim là một lát cắt sống động về văn hóa cà phê, là câu chuyện được kể bằng lửa, bằng mùi thơm, bằng sự tỉ mỉ để nuôi dưỡng niềm tin và sự hiểu biết đầy đủ về sản phẩm của mình.

Không chỉ doanh nghiệp, nhiều nông dân ở Đắk Lắk cũng đang chủ động tận dụng công nghệ để tiếp cận tri thức, nâng cao kỹ thuật canh tác theo hướng thông minh, hiệu quả và bền vững. Sở hữu hơn 2 ha cà phê xen hồ tiêu, anh Nguyễn Văn Hiền ở xã Ea Bông (huyện Krông Ana) không đơn độc trong cuộc chiến với sâu bệnh. Mỗi khi cây trồng gặp vấn đề, anh mở điện thoại, tìm đến “bác sĩ nông nghiệp” qua các ứng dụng như “2 Nông”, “Nông dân Việt Nam”. Nhờ công nghệ hỗ trợ, anh Hiền theo dõi sát sao tiến trình sinh trưởng, kết nối chuyên gia từ xa, cập nhật kiến thức, kỹ thuật canh tác hiện đại.
Anh Nguyễn Văn Hiền chia sẻ, trước đây mỗi khi cây trồng nhiễm bệnh, anh chỉ biết vội vàng ra tiệm mua thuốc về phun thử, vừa tốn kém vừa thiếu hiệu quả. Giờ đây, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, việc canh tác trở nên thông minh và bài bản hơn. Các ứng dụng nông nghiệp giúp anh tối ưu quy trình sản xuất, giảm chi phí và tăng năng suất. Ngoài ra, anh cũng tìm hiểu cách đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử chonongsandaklak.vn để tìm đầu ra ổn định, giá bán tốt hơn. Tuy nhiên, anh Hiền cũng lưu ý: “Thông tin trên mạng là vô tận, người dùng cần tỉnh táo lựa chọn nền tảng uy tín để tránh rơi vào “ma trận” dữ liệu thiếu kiểm chứng”.

Chuyển đổi số được đẩy mạnh đã đưa công nghệ từng tưởng chừng xa lạ đến gần hơn với nông dân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp tại nhiều địa phương trong tỉnh. Từ đây, những đổi thay lớn dần hình thành. Kinh tế số không chỉ mở ra cách làm mới, mà còn thay đổi căn bản tư duy tiêu thụ sản phẩm. Thay vì chỉ quanh quẩn trong huyện, trong tỉnh, người dân nay đã biết đưa nông sản lên không gian số, mở rộng thị trường ra khắp cả nước qua các sàn thương mại điện tử.
Tính đến cuối năm 2024, Đắk Lắk ghi nhận đã có 1.715 sản phẩm của địa phương đã được niêm yết lên sàn thương mại điện tử với hơn 42.900 giao dịch, xếp thứ 5 toàn quốc. Toàn tỉnh đã có gần 260.000 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, đạt 43% tổng số hộ. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

Để phục vụ chuyển đổi số, hạ tầng viễn thông tại Đắk Lắk đã có bước phát triển mạnh mẽ. Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 61.100 tuyến cáp quang trục, phủ sóng di động 100% xã, mang internet cáp quang đến mọi hộ gia đình. Toàn tỉnh có hơn 2 triệu thuê bao điện thoại, hơn 1,7 triệu thuê bao internet (cáp quang, 4G, 5G), hơn 1,4 triệu người dân trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh. Gần 400.500 hộ gia đình có người dùng smartphone; trên 80% hộ có máy tính; hơn 42.000 người sở hữu chữ ký số cá nhân. 100% ngân hàng đã triển khai dịch vụ tài chính điện tử, đưa công nghệ đến gần hơn với đời sống người dân.
Chính quyền tỉnh Đắk Lắk nhận định “Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, trong đó công nghệ đóng vai trò hành trang, định hình lại cách sống, làm việc và sản xuất trên nền tảng số. Không chỉ mở ra con đường thuận tiện, đây còn là cơ hội bứt phá cho những ai biết nắm bắt.”