Vừa qua, tại lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) 2022 tổ chức tại TP.HCM Vườn quốc gia Cúc Phương lần thứ 4 liên tiếp được trao danh hiệu “Vườn quốc gia hàng đầu châu Á”.
Vườn quốc gia Cúc Phương là lưu giữ một hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi độc đáo và giàu tính đa dạng sinh học vào bậc nhất Việt Nam. Với hệ thực vật rừng mưa nhiệt đới điển hình, cây cối bốn mùa xanh tốt trong đó có nhiều đại thụ đã sống với vài trăm đến hàng ngàn năm tuổi, có đường kính vài mét với chiều cao 40 - 50m.
Với đặc trưng là rừng mưa nhiệt đới, Cúc Phương có quần hệ động thực vật vô cùng phong phú và đa dạng với 2.234 loài thực vật bậc cao và rêu, trong đó có 433 loài cây làm thuốc, 229 loài cây ăn được, nhiều loài được ghi trong sách đỏ của Việt Nam. Từ lâu Vườn quốc gia Cúc Phương đã là trung tâm nghiên cứu của nhiều tổ chức bảo tồn động thực vật trong nước và quốc tế.
Trong 10 năm trở lại đây, tại Vườn quốc gia Cúc Phương đã cứu hộ bảo tồn trên 2.600 cá thể động vật hoang dã thuộc 75 loài. Trong đó, có rất nhiều loài động vật quý hiếm nguy cấp, điển hình là 20 loài linh trưởng, 34 loài rùa cạn và rùa nước ngọt, cùng với 8 loài thú ăn thịt và tê tê, công má vàng, gà lôi trắng...
Thực hiện cứu hộ, bảo tồn các loài động vật hoang dã, năm 2013, Vườn quốc gia Cúc Phương đã hợp tác với Hội Động vật Frankfurt (CHLB Đức) triển khai dự án bảo tồn các loài thú linh trưởng quý hiếm của Việt Nam. Phó Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương Đỗ Văn Lập cho biết: Đến nay, dự án đã hợp tác triển khai sang giai đoạn thứ 5 (2019-2023), một trong những kết quả của dự án là thành lập một Trung tâm Cứu hộ và bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm tại Việt Nam.
Tại đây, hiện đang cứu hộ gần 200 cá thể của 16 loài và phân loài linh trưởng quý hiếm. Tất cả các cá thể linh trưởng tại Trung tâm được chăm sóc tốt. Có 10 loài đã cho sinh sản thành công, trong đó có 3 loài lần đầu tiên được sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt trên thế giới đó là: voọc Mông trắng, voọc Hà Tĩnh và voọc Chà vá chân xám.
Bên cạnh đó, Vườn quốc gia còn có 2 trung tâm cứu hộ khác là: Trung tâm Bảo tồn thú ăn thịt và tê tê; Trung tâm Bảo tồn rùa (TCC). Trong đó, Trung tâm Bảo tồn rùa được thành lập năm 1998 tại Vườn quốc gia Cúc Phương, nằm trong quần thể các trung tâm cứu hộ với những nhóm loài bản địa bao gồm rùa cạn và rùa nước ngọt, linh trưởng và thú ăn thịt nhỏ.
Từ năm 2015 trở lại đây, mỗi năm TCC tiếp nhận 200 đến 400 cá thể của khoảng 15 đến 20 loài rùa khác nhau, chủ yếu từ các vụ tịch thu từ buôn bán trái phép, trong đó chỉ có 6 đến 7% số cá thể là từ các cá nhân tự nguyện chuyển giao.
Thời gian qua, Vườn quốc gia Cúc Phương còn đang thực hiện nhân giống nguồn gen để phục hồi loài hươu sao, nai và các loài như nhím, gà lôi trắng, gà rừng… Qua đó, cung cấp nguồn giống cho cộng đồng dân cư để phát triển kinh tế, mở ra hướng đi mới phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng.
Để bảo tồn nguồn gen các loài thực vật, từ năm 1985, Vườn quốc gia Cúc Phương đã xây dựng vườn cây thực vật, với diện tích 167 ha và là một trong ba vườn thực vật đầu tiên của Việt Nam được ghi trong danh mục Vườn thực vật quốc tế. Vườn thực vật đã trồng và sưu tập được 811 loài cây quý hiếm phục vụ lưu giữ và bảo tồn nguồn gen. Trong đó có 210 loài cây gỗ Cúc Phương, 85 loài cây gỗ ở các vùng khác của Việt Nam, 5 loài nhập nội, 25 loài cây thuộc họ ráy của Cúc Phương, 20 loài cây ăn quả, 15 loài tre trúc, 15 loài cau dừa, 296 loài cây thuốc và 140 loài lan.
Ngoài ra, với địa hình Karts đặc trưng, rừng nguyên sinh Cúc Phương chứa đựng hệ giá trị khảo cổ học, cổ sinh học và địa chất, địa mạo phong phú. Nhiều di chỉ khảo cổ học đã được phát lộ, có giá trị khoa học về lịch sử tộc người. Trong đó đáng chú ý nhất là Hang Con Moong, Động Người xưa, …. Ngoài ra, hàng chục hang động khô đã được phát hiện, đang khai thác qua các tour tham quan khám phá.
Ban quản lý Vườn quốc gia Cúc Phương cho biết, nhằm bảo tồn và phát triển hệ sinh thái tại khu vực này, Ban quản lý luôn thực hiện đồng bộ cả 3 trụ cột: Bảo vệ rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về bảo tồn; giáo dục môi trường gắn với khai thác du lịch sinh thái.
Hiện nay, Vườn quốc gia Cúc Phương đang tiếp tục triển khai các mô hình du lịch mới nhằm đồng thời phát huy giá trị tài nguyên kết hợp với bảo tồn và phát triển bền vững. Nổi bật là Hành trình hồi sinh (cộng đồng, du khách có tình yêu thiên nhiên tham gia cùng với Vườn trong nỗ lực cứu hộ, chăm sóc, bảo tồn các loài động vật hoang dã quý hiếm nguy cấp), Chương trình “Học tập trải nghiệm 01 ngày dành cho học sinh vùng đệm và các địa phương giáp ranh với Vườn quốc gia Cúc Phương”, các chương trình “Tình nguyện” và tour “Về nhà”.