Toàn tỉnh có 398.653,37ha diện tích đất có rừng (tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh là 55%); có 3 khu Bảo tồn thiên nhiên (gồm vườn quốc gia Bái Tử Long, Khu Bảo tồn thiên nhiên rừng quốc gia Yên Tử và khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng) chiếm diện tích 33.659,8ha; di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh ghi nhận khoảng 4.350 loài, 2.236 chi, 721 họ thuộc 19 ngành, 3 giới động vật, nấm và thực vật và 19 hệ sinh thái chính. Trong đó có 182 loài đặc hữu, 154 loài nguy cấp thuộc Sách đỏ Việt Nam 2007, 56 loài thuộc Nghị định 32/NĐ-CP và 72 loài thuộc Danh mục đỏ IUCN 2009.
Để bảo vệ đa dạng sinh học, duy trì tính toàn vẹn của hệ sinh thái, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, tỉnh đã lập, phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm, trên cơ sở đó từng bước khôi phục các hệ sinh thái gắn với quy hoạch khác cũng như định hướng phát triển của tỉnh.
Ngoài ra, Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020; Quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030... được triển khai đang góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.
Các ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện kiểm kê, bảo vệ khoảng 122.656ha rừng tự nhiên, 19.686ha rừng ngập mặn, 850ha cỏ biển, 140 rạn san hô. Tỉnh đã nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 38% năm 2000 lên 55,06% hiện nay, đứng thứ 14 cả nước. Ngoài ra, tỉnh đã quy hoạch thành lập 3 hành lang đa dạng sinh học loại không liên tục, gồm: Hành lang ven biển, hành lang núi, hành lang biển với tổng diện tích là 131.525ha để quản lý trong giai đoạn 2021-2030.
Trong đó, Quảng Ninh ưu tiên thực hiện trước hành lang sinh thái ven biển (giai đoạn 2021-2025) với các dự án, như: Dự án gây bồi, tạo bãi và trồng cây ngập mặn bảo vệ Đê Thôn 1, xã Hải Đông (TP Móng Cái) đã trồng được 88,1ha; dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng ven biển tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2020 được phê duyệt với quy mô 1.444ha; khoanh vùng 14 khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh...
Về bảo tồn các loài hoang dã và các giống vật nuôi, cây trồng nguy cấp quý hiếm, Ban quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên đã tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, bảo vệ ranh giới, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, môi trường sống của các loài sinh vật tại khu bảo tồn.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn thực hiện các hoạt động điều tra, giám sát định kỳ hoặc theo chuyên đề đa dạng sinh học; thực hiện các chương trình dự án bảo tồn tại chỗ đối với các loài như: Bách bệnh, lá khôi tía; hải sâm trắng... và bảo tồn chuyển chỗ đối với các loài như: Rắn hổ mang chúa, mèo rừng, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn... Đến nay, toàn tỉnh có 63 cơ sở gây nuôi 15 loài (4.119 cá thể) động vật hoang dã nằm trong phụ lục CITES và danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm.
Đối với hệ sinh thái khác như san hô, thảm cỏ biển... các ngành chức năng của tỉnh nghiên cứu, giám sát, khoanh vùng để bảo vệ và thử nghiệm phục hồi. Trong đó, chú trọng phát triển các khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thuỷ sản. Hằng năm, trên địa bàn tỉnh đã trồng phục hồi và thả rạn san hô, thảm cỏ biển nhân tạo từ 2-3ha. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2035 sẽ đạt 15ha san hô và thảm cỏ biển được trồng thả phục hồi.
Với diện tích mặt biển trên 6.000km2 với nhiều vịnh, vụng kín gió chạy dọc từ TP Móng Cái đến TP Hạ Long, vùng biển Quảng Ninh đa dạng về địa hình, chất đáy và thành phần loài sinh vật có giá trị kinh tế cao. Việc bảo tồn các nguồn lợi thủy sản được tỉnh Quảng Ninh chú trọng triển khai.
Trong 3 năm qua, toàn tỉnh thả hơn 27 triệu con giống tôm, cua, cá các loại về môi trường tự nhiên. Riêng 5 tháng đầu năm 2022, tỉnh thả trên 13 triệu con giống từ nguồn ngân sách và huy động nguồn xã hội hóa. Trong đó, nhiều giống loài thủy sản quý hiếm, thích nghi cao với môi trường tự nhiên, làm gia tăng khả năng sống và phát triển trong môi trường tự nhiên.
Thời gian tới, để tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại địa phương, tỉnh Quảng Ninh đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm như: Củng cố về thể chế, hệ thống quản lý nhà nước về đa dạng sinh học; tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật đa dạng sinh học; phát triển nguồn lực cho bảo tồn đa dạng sinh học; củng cố thông tin và cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học.
Đồng thời, đầu tư nguồn lực để thực hiện các chính sách về bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đặc biệt, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030 đạt kết quả tốt.