COP26 công bố dự thảo thỏa thuận thứ ba

Dự thảo mới nhất của thỏa thuận về biến đổi khí hậu, có thể sẽ được thông qua tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow, vừa được Liên hợp quốc (LHQ) công bố sau các cuộc đàm phán căng thẳng kéo dài nhiều giờ.

Dự thảo, có tên Thỏa thuận biến đổi khí hậu (CMA), đưa ra kế hoạch nhằm thực hiện các cam kết tại Hiệp định Paris được thông qua tại COP21 ở thủ đô nước Pháp năm 2015.

Dự thảo không có nhiều thay đổi lớn so với bản dự thảo công bố ngày 12/11, theo đó các phần được hoan nghênh, liên quan tới tiến độ giải quyết  biến đổi khí hậu, vẫn được giữ nguyên, song không có cập nhật đáng kể về hành động mà các chính phủ đồng ý thực hiện.

Dự thảo mới nhất giữ nguyên phần quan trọng, đó là "loại bỏ dần điện than không sử dụng công nghệ thu giữ carbon và trợ cấp không hiệu quả nhiên liệu hóa thạch", và thừa nhận sự cần thiết phải hỗ trợ hướng tới quá trình chuyển đổi công bằng". Đây được xem là bước ngoặt lớn bởi lần đầu tiên nhiên liệu hóa thạch được đề cập tại một thỏa thuận của Hội nghị thượng đỉnh khí hậu LHQ.

cop26-13112021-1636806928.jpeg
Toàn cảnh một phiên họp của Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (COP 26) tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) ngày 11/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Dự thảo cũng yêu cầu các quốc gia công bố kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2022 tại COP27 ở Ai Cập, để phù hợp với các mục tiêu của Hiệp định Paris. Điều này nhằm thực hiện mục tiêu hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức "dưới 2 độ C" hoặc 1,5 độ C, có tính đến điều kiện của các quốc gia khác nhau. Đây được xem là một bước tiến bởi theo các thỏa thuận khí hậu trước đây của LHQ, các quốc gia được yêu cầu đệ trình các kế hoạch này, còn gọi là đóng góp quốc gia tự quyết  (NDC), 5 năm một lần.

Dự thảo cũng kêu gọi các nước phát triển đến năm 2025 tăng ít nhất gấp đôi tài trợ khí hậu so với mức cam kết năm 2019 (100 tỷ USD/năm)  để giúp các quốc gia đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các đại biểu tại Hội nghị sẽ xem xét bản dự thảo trong sáng 13/11 và dự kiến các quyết định cuối cùng sẽ được thông qua vào phiên họp buổi chiều cùng ngày.

Các nhà quan sát nhận định các cuộc đàm phán nhìn chung mang tính xây dựng, mặc dù một số quốc gia đã tìm cách giảm bớt các cam kết về loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Các nước đang phát triển cũng muốn có thêm sự đảm bảo về tài chính khí hậu, để có thể đối phó với các tác động của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu.

Ông Bob Ward, Giám đốc chính sách và truyền thông tại Viện Nghiên cứu Grantham về Biến đổi Khí hậu và Môi trường thuộc Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, cho rằng dự thảo này khá tích cực bởi tiếp tục  yêu cầu các nước đưa ra những cam kết tham vọng hơn trong năm tới. Ông cho biết nước chủ nhà Anh đã có thể công bố một dự thảo đưa ra được quá trình để thống nhất việc tăng đáng kể đầu tư vào các nước đang phát triển nhằm giúp các quốc gia này chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải carbon và thích ứng với khí hậu. Hội nghị COP26 được coi là thời điểm quyết định để thế giới duy trì mục tiêu giữ nhiệt độ trái đất tăng ở mức 1,5 độ C và hạn chế các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm lũ lụt, cháy rừng và nước biển dâng./.