Quảng cáo #128

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với mục tiêu phát triển bền vững

Hội thảo khoa học với chủ đề “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với mục tiêu phát triển bền vững” đã đề xuất các sáng kiến thúc đẩy du lịch bền vững, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ giá trị văn hóa đặc trưng.

Trong khuôn khổ Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông lần thứ 2, chiều 26/12, tại Thành phố Gia Nghĩa, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với mục tiêu phát triển bền vững”.

hoi-thao-cong-vien-dia-chat-toan-cau-5-1735218078.jpg
Các đại biểu đã thảo luận về các giải pháp khai thác Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với các mục tiêu phát triển bền vững. (Ảnh CTV)

Dự hội thảo có 150 đại biểu, đại diện các Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các công ty du lịch lữ hành và các đối tác của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có diện tích 4.760 km², trải dài trên địa bàn 6 huyện, thành phố của tỉnh Đắk Nông gồm: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và Thành phố Gia Nghĩa. Đây là Công viên địa chất toàn cầu thứ ba tại nước ta, sau Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) và Công viên địa chất Non nước Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng).

Với 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 m, các miệng núi lửa, thác nước..., Công viên địa chất Đắk Nông từ lâu đã nổi tiếng là một vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới. Đây cũng là nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học, nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử.

hoi-thao-cong-vien-dia-chat-toan-cau-3-1735218129.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh phát biểu khai mạc hội thảo.(Ảnh CTV)

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh khẳng định, năm 2024 đánh dấu chặng đường 20 năm thành lập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO (2004 - 2024).

Đến nay, mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã có 213 công viên ở 48 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Đây là một hành trình đầy tự hào, thể hiện tinh thần hợp tác quốc tế trong bảo tồn di sản địa chất, giáo dục cộng đồng và phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, Hội thảo khoa học nhằm thảo luận và làm rõ hơn mối quan hệ giữa Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với các mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng tìm ra các sáng kiến và giải pháp sáng tạo để thúc đẩy du lịch bền vững, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ những giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc tại Đắk Nông. Đồng thời, tiến tới mở rộng hợp tác với các cơ sở giáo dục và nghiên cứu để khai thác tiềm năng của Công viên địa chất như một lớp học ngoài trời, phục vụ giáo dục và nâng cao ý thức bảo tồn.

“Với sự hiện diện của các chuyên gia, các nhà khoa học và các nhà quản lý dày dặn kinh nghiệm, Hội thảo này sẽ là diễn đàn quý giá để chia sẻ tri thức, sáng kiến và tầm nhìn. Đây cũng là cơ hội để cùng nhau xây dựng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông trở thành một mô hình tiêu biểu trong việc cân bằng giữa bảo tồn và phát triển”- bà Hạnh nói.

hoi-thao-cong-vien-dia-chat-toan-cau-4-1735218158.jpg
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có diện tích 4.760 km², trải dài trên địa bàn 6 huyện, thành phố của tỉnh Đắk Nông (Trong ảnh là Hang động núi lửa C7 dài hơn 1.240m).

Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung vào các nội dung về giải pháp phát triển du lịch canh nông, du lịch nông trại gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; hướng đi bền vững trong việc kết hợp bảo tồn di sản và phát triển kinh tế tại địa phương; vai trò của chính quyền địa phương trong việc định hướng và phát triển du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; vai trò của đối tác trong phát triển du lịch cộng đồng gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; tiềm năng hợp tác giữa nhà trường và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông trong công tác bảo tồn di sản.

Hội thảo là dịp để mở rộng kết nối với các cơ sở giáo dục và đào tạo, nhất là các trường đại học, các viện nghiên cứu nhằm khai thác tối đa tiềm năng của Công viên địa chất, phục vụ công tác nghiên cứu và giáo dục, hướng tới xây dựng một cộng đồng trẻ có trách nhiệm và ý thức sâu sắc về vai trò của mình trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách bền vững./.

Bình Nguyên