Sự kiện hội nghị Công viên địa chất toàn cầu kỳ vọng thu hút trên 1,9 triệu lượt du khách đến Cao Bằng

Tháng 9/2024, tỉnh Cao Bằng sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế lần 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Sự kiện cũng được kỳ vọng giúp tỉnh Cao Bằng đạt mục tiêu đón trên 1,9 triệu lượt người, trong đó khách du lịch quốc tế đạt hơn 34.300 lượt trong năm nay.
du-lich-caobang-03-1711852377.jpg
Núi Mắt thần trong Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng.

Sự kiện có ý nghĩa nâng tầm quảng bá du lịch

Đây là sự kiện mang tầm quốc tế và khu vực, có ý nghĩa lớn đối với ngành Du lịch Cao Bằng nói riêng và đất nước nói chung, góp phần quảng bá du lịch Cao Bằng với thế giới.

Non nước Cao Bằng chính thức được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu vào ngày 12/4/2018, trở thành công viên địa chất toàn cầu thứ hai tại Việt Nam sau Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn tại Hà Giang.

Công viên Địa chất Toàn cầu Non nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.000km2, trải dài trên 6 huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích các huyện Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An.

Đây là nơi sinh sống của 8 dân tộc anh em, như: Tày, Nùng, H’Mông, Kinh, Dao, Sán Chay (Sán Chỉ), Hoa, Lô Lô. Nơi đây còn được xem là một trong những nơi được người tiền sử ngụ cư sớm nhất ở Việt Nam, và là cái nôi của cách mạng Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngoài ra còn nhiều di tích văn hóa, lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học, cùng hàng trăm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác.

Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng là một vùng đất hiếm có ở Việt Nam để du khách có thể tìm hiểu lịch sử của trái đất qua các dấu tích. Các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản…, đặc biệt là các cảnh quan đá vôi, là những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của trái đất.

du-lich-cao-bang-02-1711852420.jpg
Núi Các Mác, suối Lênin tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó.

Đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện, đánh giá và đề xuất xếp hạng trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi phong phú, đa dạng (như các tháp đá, nón, thung lũng, hang động, hệ thống sông hồ, hang ngầm…) phản ánh một chu kỳ tiến hóa karst hoàn chỉnh ở vùng nhiệt đới bắc Việt Nam.

Thêm vào đó là rất nhiều kiểu loại di sản địa chất khác như hóa thạch cổ sinh, ranh giới giữa các phân vị địa chất, đứt gãy, các loại hình khoáng sản hình thành ở vùng đất này.

Vùng đất này có bề dày văn hóa, lịch sử với hơn 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 Khu di tích quốc gia đặc biệt, đó là: Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Pác Bó – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước năm 1941 lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài; Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo - nơi năm 1944 Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay; Khu di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950.

Công viên Địa chất Toàn cầu Non nước Cao Bằng có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như khu Du lịch Sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, quần thể hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao… và đặc biệt là Thác Bản Giốc, từng được bình chọn là một trong bốn thác vùng biên giới lớn và đẹp nhất trên thế giới.

Tạo sức hút du khách đến với Cao Bằng

Trước đó, tại hội nghị triển khai công tác Du lịch và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng ngày 21/3/2024, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đề nghị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Ngoại vụ, các cơ quan, ban, ngành, địa phương tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, chủ động đề xuất các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của ngành, địa phương; rà soát kỹ công tác hậu cần, phục vụ bảo đảm chu đáo, chuyên nghiệp.

Năm 2024, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tập trung tham mưu thu hút các nhà đầu tư chiến lược, xây dựng hạ tầng theo hướng đồng bộ đa chức năng tại 3 Di tích Quốc gia Đặc biệt, các danh thắng quốc gia, vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng gắn với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngành tiếp tục đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ; thực hiện hiệu quả các hoạt động ứng dụng công nghệ số trong du lịch. Đồng thời, ngành tổ chức hiệu quả các hoạt động xúc tiến, quảng bá trong nước, quốc tế; tham gia hiệu quả các hoạt động hợp tác, liên kết phát triển du lịch; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ di sản địa chất, di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và môi trường trên địa bàn.

du-lich-caobang-01-1711852449.jpg
Thác Bản Giốc - một điểm đến hấp dẫn của du lịch Cao Bằng.

Trong năm 2023, tỉnh Cao Bằng đã đón tiếp khoảng 1,9 triệu lượt du khách, tăng 72% so với năm 2022, và bằng 112% kế hoạch năm. Trong đó, có khoảng 34.000 lượt du khách quốc tế.

Tổng doanh thu từ du lịch tại tỉnh Cao Bằng đạt 1.334 tỉ đồng, tăng 14,5% so với năm 2022. Công suất sử dụng phòng tại các cơ sở lưu trú đạt 46,5%.

Du lịch phát triển đã thúc đẩy thương mại - dịch vụ phát triển, góp phần cải thiện, nâng cao thu nhập của đồng bào các dân tộc. Tại Cao Bằng, có 87% gia đình và 84% xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa.

Cùng với vẻ đẹp của thiên nhiên, bản sắc văn hóa đa dạng được kết tinh qua nhiều thế hệ đã làm nên hình ảnh đặc trưng cho vùng đất này. Trong định hướng phát triển của mình, Cao Bằng xác định sẽ trở thành trung tâm du lịch của khu vực miền núi trung du phía Bắc./.

Bình Châu