Qua nhiều năm kiên trì thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định mục tiêu đến năm 2025 tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 25% GDP và đặt ra nhiệm vụ cơ cấu lại công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, từ đó có khả năng tham gia sâu và có hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Đánh giá công nghiệp Việt Nam đang đóng góp lớn nhất cho ngân sách Nhà nước, là một ngành đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chỉ rõ, công nghiệp đã tạo ra các sản phẩm xuất khẩu chủ lực và có mức tăng trưởng đều qua các năm. Việc phát triển công nghiệp đã kéo theo chuyển đổi cơ cấu và tăng năng suất lao động, nâng cao đời sống cho người dân, tăng sức cạnh tranh cho các DN.
Tuy nhiên ông Phạm Tuấn Anh cũng nhận thấy, vướng mắc nhất của nền công nghiệp Việt Nam vẫn là nội lực còn yếu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn phụ thuộc quá lớn vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đặ biệt những năm vừa qua, ngành công nghiệp nặng đóng góp cho nền kinh tế rất thấp và năng lực sản xuất cũng như nguồn nhân lực của DN chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại.
Việt Nam vẫn chưa có DN công nghiệp mang thương hiệu đủ lớn, đủ mạnh để có giá trị gia tăng cao, trong khi sản xuất vẫn phụ thuộc nhiều vào các nguyên liệu nhập khẩu, dẫn tới sản phẩm công nghiệp thiếu sự cạnh tranh, giá trị gia tăng không cao. Quá trình phát triển công nghiệp chưa tận dụng được những lợi thế cạnh tranh của việc kết nối giữa khu vực kinh tế với các địa phương, để tạo ra các chuỗi sản xuất công nghiệp.
“Đây là mục tiêu khá thách thức nhưng cũng đặt ra nhiệm vụ cho công nghiệp nước nhà, đòi hỏi sự nỗ lực và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thời kỳ mới. Đặc biệt, vai trò của các DN trong nước cần được nhìn nhận và phát huy hiệu quả hơn để có thể xây dựng được một nền công nghiệp tự chủ”, ông Phạm Tuấn Anh chỉ rõ.
Theo chia sẻ của ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), dù xuất phát điểm với nền công nghiệp nhỏ lẻ lạc hậu và trình độ khoa học công nghệ thấp, các sản phẩm của ngành thép Việt Nam hiện nay đã đáp ứng được các tiêu chuẩn cao nhất trong nước và quốc tế, có kim ngạch xuất khẩu hàng chục tỷ USD mỗi năm. Tuy vậy, ông Thái cho rằng, để đáp ứng trong tình hình mới, các DN trong ngành cần tiếp tục chủ động nguyên vật liệu đầu vào để có kế hoạch để cân đối cho sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, các DN trong ngành cần đẩy mạnh công tác marketing, tiếp thị để kịp thời nắm bắt các nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường trong và ngoài nước.
“Cần sớm có Chiến lược phát triển phát triển ngành thép Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050 trong đó có các chính sách đặc thù. Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó có cơ chế ưu tiên phát triển các cơ sở gia công, chế tạo chi tiết, cấu kiện, phụ tùng có sử dụng thép nội địa làm nguyên liệu cho các ngành lĩnh vực khác của nền kinh tế quốc dân có sử dụng thép làm vật liệu”, ông Thái nêu.
Liên quan đến việc triển khai các chính sách ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ (CNHT), ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cho rằng, do đặc thù của các DN CNHT là tập trung sản xuất, nên vẫn còn không ít DN chưa quan tâm nhiều đến vấn đề tiếp cận cơ chế chính sách, dù đã được ban hành khá đầy đủ.
Cụ thể là đến nay vẫn còn nhiều DN ngành CNHT khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước vì vướng thủ tục cấp Giấy chứng nhận ưu đãi cho sản phẩm. DN cần phải làm tới 20 - 30 bộ thủ tục hành chính mới được cấp Giấy chứng nhận này. Ngoài ra, các DN ngành CNHT còn gặp khó khăn khi tiếp cận các ưu đãi về tín dụng, đất đai, thủ tục nhập khẩu thiết bị công nghệ đã qua sử dụng... Vì thế ông Vân kiến nghị và mong muốn, Nhà nước sớm ban hành Luật Phát triển CNHT và các văn bản thực thi dưới luật, để các cấp, ngành chung tay thể chế hóa khuyến khích phát triển ngành CNHT.
“Các DN CNHT cũng kiến nghị Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia liên ngành về phát triển công nghiệp. Nhà nước cần quy hoạch cụ thể từng vùng, từng lĩnh vực để phát triển lĩnh vực công nghiệp, tạo thành những khu kinh tế trọng điểm làm đầu tàu cho phát triển CNHT. Đồng thời cần quan tâm thêm về tài chính ưu đãi cho doanh nghiệp CNHT, ngoài hạn mức tín dụng có thể xét thêm nguồn vốn ODA, cũng như việc khuyến khích các DN khởi nghiệp trong lĩnh vực CNHT để hệ sinh thái CNHT ngày càng đa dạng và hiện đại”, ông Vân đề xuất.
Hướng tới một nền công nghiệp tự chủ, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh chỉ ra, trong phát triển công nghiệp ngoài ưu tiên phát triển tự chủ trong nước phải kết hợp với những thành tựu 4.0, nhất là xu thế xanh hóa trong sản xuất. Chính vì vậy, khi lựa chọn các ngành để phát triển công nghiệp trong thời gian tới nên dựa trên nền tảng những ngành công nghiệp đang có thế mạnh và đang phát triển.
“Cần phải đưa công nghiệp của Việt Nam tiếp cận được những công nghệ sản xuất hiện đại. Trong số các ngành công nghiệp nền tảng ưu tiên phát triển phải có những DN có tiềm năng để xây dựng thành những tập đoàn đủ mạnh, dẫn dắt các ngành công nghiệp phát triển theo. Song song với phát triển công nghiệp nền tảng, vẫn phải phát triển các ngành có sản phẩm là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như CNHT, cơ khí, hóa chất và công nghiệp vật liệu”, theo ông Phạm Tuấn Anh.
Bên cạnh đó, ông Phạm Tuấn Anh cũng đề xuất duy trì các ngành công nghiệp có lợi thế về nguyên vật liệu và nhân công giá rẻ như ngành dệt may, da giày, chế biến nông lâm thủy sản, dược liệu… Ngoài ra, sớm có kế hoạch đón đầu những xu thế công nghệ mới trong các ngành công nghiệp sinh học, điện tử, vật liệu…/.