Ninh Bình: Báo cáo Đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050

UBND tỉnh tổ chức hội nghị nghe báo cáo Đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
nb-1673256870.png
Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thành phố

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đơn vị tư vấn báo cáo tóm tắt Đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2050: Theo đó, cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 nhằm khai thác triệt để tiềm năng lợi thế của tỉnh để thúc đẩy một số ngành, lĩnh vực công nghiệp có tiềm năng dư địa phát triển, có giá trị tăng thêm công nghiệp cao, đóng góp lớn vào ngân sách tỉnh. Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và tận dụng thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lợi thế thương mại tự do và sự chuyển dịch đầu tư nước ngoài sau đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, cơ cấu lại ngành công nghiệp tạo bước đột phá về phát triển công nghiệp tỉnh theo hướng chuyển tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng trưởng dựa trên những ngành tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu, phát triển sản xuất công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến sâu, chú trọng tăng trưởng xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Trong đó, mục tiêu phát triển dựa vào 3 trụ cột chính đó là: Phát triển các ngành công nghiệp chủ lực; phát triển công nghiệp hỗ trợ; phân bố lại không gian phát triển công nghiệp.

Trong giai đoạn 2011-2020 cơ cấu công nghiệp của tỉnh đã chuyển dịch theo hướng hiện đại, tăng dần tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng ngành khai khoáng, duy trì ổn định ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt và ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải. Chuyển dịch cơ cấu đã gắn với tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, tăng trưởng 20,7%/năm; giá trị tăng thêm công nghiệp, tăng trưởng 17,0%/năm và phát triển một số ngành, lĩnh vực có thế mạnh như sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất điện tử, công nghiệp hỗ trợ…

Bên cạnh việc đưa ra phương án duy trì, phát triển hợp lý các ngành công nghiệp không có lợi thế phát triển. Để thực hiện mục tiêu của Đề án ngoài các giải pháp và tổ chức thực hiện Đề án đề xuất các nhiệm vụ cụ thể cần phải thực hiện, như: Tăng cường xây dựng, hoàn thiện và thực thi hiệu quả chính sách, cơ chế phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Bình; đẩy mạnh phát triển các ngành, sản phẩm chủ lực; đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh đầu tư, chuyển giao công nghệ cao, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong phát triển công nghiệp; tăng cường liên kết ngành, liên kết vùng cho phát triển công nghiệp…

Tại hội nghị các đại biểu đã tập trung phân tích làm rõ thêm một số nội dung của Đề án liên quan đến cơ cấu phát triển công nghiệp của tỉnh thời gian trước, hiện nay và xu hướng phát triển công nghiệp trong tương lai; các vấn đề liên quan đến khu, cụm công nghiệp; cơ sở hạ tầng hiện tại cũng như nguồn lực phát triển công nghiệp trong thời gian tới…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những nỗ lực của đơn vị tư vấn và các ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh trong công tác phối hợp xây dựng dự thảo. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn cần tiếp thu đầy đủ ý kiến của các sở, ban, ngành để chỉnh sửa, hoàn thiện Đề án quy hoạch, trong đó cần lưu ý đến quan điểm, mục tiêu phát triển của tỉnh để có những đánh giá, phân tích sâu và phù hợp và rõ từng phần hơn nữa. Đồng thời thêm phần dự báo xu hướng phát triển công nghiệp trong nước và thế giới để mạnh dạn đề xuất các giải pháp để có những định hướng phát triển phù hợp, bền vững trong tương lai./.

Minh Quang