Công nghiệp bán dẫn sẽ tạo nền tảng để Việt Nam thành công trong 'kỷ nguyên số'

Công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng và trọng yếu quốc gia trong tương lai. Việc phát triển công nghiệp bán dẫn là cơ hội để Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp điện tử Việt Nam nhất là khi ngành này đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sang thiết bị điện tử sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thiết bị internet vạn vật (IoT)...
cong-nghiep-ban-dan-01-1708995411.jpg
Thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam đang tạo sức hút các nhà đầu tư. (Ảnh minh họa)

Công nghiệp bán dẫn sẽ giữ vai trò trọng yếu

Công nghiệp bán dẫn cũng là cốt lõi của công nghiệp chuyển đổi số - thị trường lớn nhất của chip bán dẫn Việt Nam với hơn 100 triệu dân. Ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, năm 2024, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ liên quan đến nghiên cứu, thiết kế, chế tạo chip bán dẫn.

Ngành công nghiệp bán dẫn là một ngành đặc thù, do đó, nếu sử dụng các chính sách thông thường sẽ rất khó phát triển. Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng, đề xuất những chính sách đặc biệt để tháo gỡ cho ngành chip bán dẫn cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào nghiên cứu, chế tạo, phát triển và sản xuất chip bán dẫn trong thời gian tới.

Theo ông Đàm Bạch Dương, thực tế, các chính sách hiện nay cho ngành chíp bán dẫn nằm rải rác ở nhiều văn bản. Chip bán dẫn nằm trong danh mục công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Hoạt động nghiên cứu, chip bán dẫn nằm trong danh mục các sản phẩm quốc gia...

Hiện, Chính phủ, các bộ, ngành rất quan tâm đến việc đẩy mạnh ngành công nghiệp chip bán dẫn; để thực hiện chủ trương thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xây dựng các chương trình khoa học và công nghệ, chùm nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực này. Thông qua việc nghiên cứu, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ trên cơ sở thực tiễn của Việt Nam để ngành công nghiệp chíp bán dẫn có thể đi ngắn nhất, nhanh nhất, thành công nhất.

cong-nghiep-ban-dan-03-1708995394.jpg
Phát triển Công nghiệp Bán dẫn cũng là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử nước nhà. (Ảnh minh họa)

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết hiện nhiều nhà đầu tư lớn của các quốc gia phát triển đang sẵn sàng đầu tư sang Việt Nam trong lĩnh vực chip bán dẫn. Ở góc độ Bộ Khoa học và Công nghệ, với thế mạnh cơ quan quản lý nhà nước về nghiên cứu, Bộ sẽ tập trung vào việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các chip bán dẫn.

Cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu, việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp chíp bán dẫn rất quan trọng. Hiện nhiều trường đại học đã triển khai đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông...

Hiện nay, có trên 50 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn, trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo các chuyên gia kinh tế, tổng nhu cầu nhân lực trình độ đại học trở lên trong lĩnh vực chíp bán dẫn, thiết kế vi mạch trong 5 năm tới khoảng 20.000 người; trong 10 năm tới khoảng 50.000 người.

Việt Nam thực hiện Chiến lược Quốc gia về phát triển Công nghiệp Bán dẫn

Tại "Diễn đàn Quốc gia về Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ Số Việt Nam" diễn ra vào cuối năm 2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Từ năm 2019 đến nay, ngành Công nghiệp Công nghệ Số Việt Nam đã có những bước phát triển và trưởng thành rất đáng khích lệ. Số lượng doanh nghiệp Công nghệ Số tăng 30%, doanh thu Công nghiệp Công nghệ Số tăng 32%, tỷ trọng Make in Vietnam - Làm ra tại Việt Nam của các sản phẩm Công nghiệp Công nghệ Số tăng từ 21% lên 29%. Riêng lĩnh vực sản xuất phần mềm cho nước ngoài tăng trưởng 43%, và chúng ta hiện có tới trên 1.400 doanh nghiệp loại này, với doanh thu đang tiến dần đến mốc 10 tỷ USD.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, phát triển Ứng dụng Số cho các ngành thì cũng chính là sáng tạo sản phẩm, cũng chính là Make in Viet Nam. Các nhà mạng, các doanh nghiệp Công nghệ Số phải coi đây là hoạt động nghiên cứu phát triển. Thị trường các ứng dụng 5G sẽ đạt 670 tỷ USD vào năm 2025, tức là giúp cho doanh thu nhà mạng tăng tới 50% so với năm 2020.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, năm 2024 cũng sẽ là năm thương mại hoá, phát triển 5G trên phạm vi toàn quốc để tạo ra hạ tầng cho các ứng công nghiệp. Năm 2024 còn là năm phát triển AI hẹp, tạo ra các ứng dụng AI cho từng lĩnh vực. Năm 2024 cũng là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Chiến lược Quốc gia về Phát triển Công nghiệp Bán dẫn.

cong-nghiep-ban-dan-04-1708995490.jpg
Công nghiệp bán dẫn cũng là cốt lõi của công nghiệp chuyển đổi số - thị trường lớn nhất của chip bán dẫn Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Công nghiệp Bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, và không chỉ có vậy đó còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30-50 năm tới.

"Lợi thế căn bản nhất của chúng ta là người Việt Nam có gien về STEM (toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học). Mà STEM là căn bản của công nghệ bán dẫn, của thiết kế chip. Trong các lợi thế thì lợi thế gien là quan trọng nhất, chắc cũng không kém lợi thế về địa chính trị. Từ lợi thế nhân lực sẽ ra các lợi thế khác. Từ trung tâm toàn cầu về nhân lực bán dẫn sẽ dẫn tới trung tâm toàn cầu về công nghiệp bán dẫn," Bộ trưởng chỉ rõ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhận định, phát triển Công nghiệp Bán dẫn cũng là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà (như thiết điện tử tiêu dùng, thiết bị điện tử y tế, thiết bị điện tử công nghiệp,...), nhất là khi ngành này đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sang thiết bị điện tử AI, thiết bị IoT.

Công nghiệp Bán dẫn cũng là cốt lõi của công nghiệp Chuyển đổi Số, Công nghiệp Chuyển đổi Số là thị trường lớn nhất của chip bán dẫn. Việt Nam có tới 100 triệu dân, là một thị trường lớn, lại đang ở giai đoạn phát triển nhanh, công nghiệp hoá nhanh, Chuyển đổi Số nhanh, tiêu dùng điện tử nhiều, nên sẽ là một bối cảnh thuận lợi cho ngành Công nghiệp Bán dẫn nước nhà.

"Công nghiệp Bán dẫn là một chuỗi cung ứng, một hệ sinh thái có tính toàn cầu. Chúng ta sẽ phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam trong một hệ sinh thái trong nước và toàn cầu. Vừa có tự chủ, vừa có hợp tác quốc tế. Nhưng Việt Nam vẫn phải tiến tới một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, không chỉ là một vài công đoạn. Công nghệ đang thay đổi rất nhanh, có thể còn nhanh hơn. Chỉ có một chuỗi cung ứng quốc gia đầy đủ thì mới đáp ứng được tốc độ nhanh và giá thành thấp," Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm./.

Bình Châu