Công dụng bất ngờ của cây hoa sữa

Mặc dù hương thơm mạnh mẽ của hoa sữa có thể gây khó chịu đối với nhiều người, nhưng ít người biết rằng loại cây này còn có nhiều tác dụng dược liệu quý đối với sức khỏe.
cayhoasuc-1698539382.jpg
Hoa sữa có tác dụng chữa bệnh mà ít người biết - Ảnh minh họa.

Hoa sữa còn được gọi với nhiều tên khác nhau như cây mồng cua, mò cua, mùa cua, thuộc họ Trúc đào, là một loại cây nhiệt đới có tính sinh học và dược tính cao. Loài cây này có những đặc điểm dễ nhận biết với màu hoa thường là trắng, trắng xanh kem hoặc có sắc vàng nhạt, kem, và thường mọc thành các chùm hoa.

Cây hoa sữa được trồng rộng rãi ở nhiều tỉnh thành miền Bắc của Việt Nam, mặc dù là biểu tượng đẹp của mùa thu tại Hà Nội nhưng lại mang theo mình một hương thơm đặc trưng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cảm nhận tích cực về mùi hương này. Thực tế, mùi hương đậm đặc của hoa sữa có thể gây khó chịu, đặc biệt là đối với những người dễ dàng bị dị ứng. Trong giai đoạn hoa sữa nở rộ mạnh nhất vào khoảng tháng 10 và tháng 11 hàng năm, nhiều người phải chịu đựng mùi hương mạnh như một thách thức.

Mùi hương của hoa sữa có thể dễ chịu nếu cây hoa sữa được trồng với mật độ thấp, không quá dày đặc. Tuy nhiên, khi cây hoa sữa được trồng quá nhiều tại cùng một khu vực, mùi hương đậm đặc này có thể lan tỏa trong không khí một cách mạnh mẽ, có thể gây giảm lượng oxy và dị ứng đối với những người có cơ địa nhạy cảm.

Cây hoa sữa được biết đến với tác dụng phát hãn, chỉ thống, thông kinh, bình suyễn, tiêu tích, và trừ đờm. Nhân dân thường tận dụng cây sữa để chữa các bệnh như sốt rét, ho suyễn, thiếu máu, và nhiều tình trạng sức khỏe khác. Các phần của cây sữa, chẳng hạn như vỏ cây và lá cây, được sử dụng để làm thuốc dân gian có tác dụng hỗ trợ sức khỏe. Dưới đây là những công dụng không ngờ của hoa sữa mà ít người biết.

Chống viêm

Lá của cây này chứa nhiều alkaloid như picrinine, vallesamine, và scholaricine, những hợp chất có khả năng giảm đau và chống viêm mạnh mẽ. Điều đặc biệt là những chất này thường không gây ra các tác dụng phụ khó chịu, một hạn chế thường gặp khi sử dụng nhiều loại thuốc chống viêm hiện có.

Trong Đông y, hoa sữa đã lâu được sử dụng để điều trị các vấn đề về sức khỏe liên quan đến cơn đau khớp. Các nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng đã xác minh rằng hoa sữa có khả năng giảm đau và giảm viêm nhiễm, và nó tiềm năng trở thành một nguồn tài nguyên thảo dược trong lĩnh vực y học và điều trị bệnh về viêm khớp và đau nhức.

Giảm căng thẳng thần kinh

Chiết xuất methanolic từ vỏ cây hoa sữa đã được phát hiện có tác dụng tích cực trong việc giảm căng thẳng thần kinh và cải thiện hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Ngoài ra, chiết xuất ethanol từ lá hoa sữa cũng được công nhận với khả năng giảm triệu chứng lo âu và giảm căng thẳng.

Trị đau răng

Vỏ hoa sữa có khả năng trị đau răng, nhờ các hợp chất có tính sát khuẩn và khả năng tiêu diệt vi khuẩn cũng như nấm mốc. Việc súc miệng bằng nước sắc từ vỏ hoa sữa có tác dụng chữa đau răng vô cùng hiệu quả, đồng thời còn giúp cải thiện hơi thở, phòng ngừa viêm nhiễm lợi và tăng cường sức khỏe răng miệng.

Điều trị sốt rét

Vỏ cây hoa sữa chứa các alkaloid (là các hợp chất có nguồn gốc tự nhiên do thực vật tạo ra) như ditamine, echitenine và echitamine. Các hợp chất này được sử dụng như một loại thuốc kháng khuẩn và điều trị sốt rét thay cho quinine.

Tuy nhiên, khi sử dụng cây hoa sữa cần tránh nhầm lẫn với cây vú sữa. Sử dụng vỏ cây hoa sữa với liều cao có thể gây độc. Tránh sử dụng bài thuốc trong thời gian dài, vì hoa sữa có thể làm giảm trọng lượng của tinh hoàn, tuyến tiền liệt và ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của nam giới. Hoa sữa có khả năng gây dị ứng cao (đặc biệt là phấn hoa). Vì vậy, cần tránh sử dụng dược liệu cho người bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm kết mạc dị ứng. Trước khi áp dụng bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu này, nên trao đổi với thầy thuốc để được hướng dẫn bài thuốc phù hợp với tình trạng bệnh.

Diễm Quỳnh