Công điện chỉ đạo ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh thêm

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện chỉ đạo chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khẳ năng mạnh thêm thánh áp thấp nhiệt đới.
bao-16975187862451896198581-1697524942.jpeg
Ban hành công điện về việc chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Ban hành công điện ứng phó với vùng áp thấp

Hồi 18 giờ ngày 16/10/2023 Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 14/CĐ-QG gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hoá đến Khánh Hòa; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ban ngành, các địa phương và các qua quan thông tấn báo chí về việc chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hồi 04 giờ ngày 17/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 14,7-15,7 độ Vĩ Bắc; 110,3 - 111,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ.

Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5 - 10km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. 

Đến 04 giờ ngày 18/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39 - 49km/giờ), giật cấp 8. Sóng biển cao từ 2 - 3 mét.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật từ cấp 8): từ vĩ tuyến 13,5 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,5 độ Kinh Đông. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.  

Dự báo ngày 17 - 18/10 vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông và vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ, phía Nam vịnh Bắc Bộ gió cấp 5 - 6, giật cấp 7 -8, biển động. Độ cao sóng từ 2 - 4m.

ngap-lut-1697525039.jpg
Trước tác động của mưa lớn, các địa phương đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng các diện tích lúa, hoa màu tại các khu vực trũng, thấp

Ngoài ra, Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7 - 8.

Dự báo từ ngày 17/10 đến sáng 19/10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100 - 250mm, có nơi trên 350mm. 

Khu vực từ Nghệ An đến Quảng Bình, ngày 19/10 có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50 - 100mm, có nơi trên 150mm; mưa lớn trên khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế có xu hướng giảm dần.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi.

Chủ động ứng phó

Trước tác động của mưa lớn, các địa phương đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng các diện tích lúa, hoa màu tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

ngap-lut-1-1697525064.jpg
Các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.

Để chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới; Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố; các Bộ, ngành chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm (Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: từ vĩ tuyến 13,5 - 17,5 độ vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 112,5 độ kinh Đông và được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.

Các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương tăng cường thông tin, truyền thông về diễn biến vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong 24 giờ tới để các cấp chính quyền và người dân chủ động ứng phó.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương chịu ảnh hưởng tiếp tục triển khai Công điện số 950/CĐ-TTg ngày 12/10/2023 của Thủ tướng chính phủ về việc chủ động ứng phó mưa lũ khu vực miền Trung; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, để chủ động, sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó.

Các tỉnh, thành phố huy động lực lượng hỗ trợ người dân ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ; kịp thời hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến vùng áp thấp và mưa dông, lốc xoáy, gió giật mạnh, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định về nguyên nhân đợt mưa lớn đang diễn ra tại khu vực Trung Bộ: Hình thái thời tiết điển hình của khu vực miền Trung là tác động của không khí lạnh cộng với dải hội tụ nhiệt đới và gió Đông (di chuyển từ phía Đông vào) gây mưa lớn. Trong những ngày tới do ảnh hưởng của các yếu tố trên cộng với sự tương tác vùng áp thấp sẽ tiếp tục gây mưa lớn cho khu vực miền Trung.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, từ ngày 16 - 17/10, vùng áp thấp dịch chuyển vào trong đất liền cộng với gió Đông Nam mạnh sẽ tiếp tục gây mưa lớn trong khu vực đất liền các tỉnh, thành phố Trung Bộ trong các ngày từ 16 - 18/10.

Hiện, vùng áp thấp di chuyển từ Tây đến Đông, điều này không loại trừ trường hợp là vùng áp thấp có khả năng mạnh thêm xấp xỉ mức áp thấp nhiệt đới hoặc áp thấp nhiệt đới gây gió giật mạnh các vùng ven biển khu vực từ Quảng Trị - Bình Định, ảnh hưởng tới các hoạt động của tàu thuyền, tàu cá ở vùng ven biển. Vùng núi khu vực có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng ở khu vực trũng, thấp.

Người dân cần đề phòng tình trạng mưa lớn làm "ngọt hóa" ở vùng ven biển ảnh hưởng tới việc nuôi trồng thủy sản.

Nguyễn Duyên