Theo đó, sáng kiến này thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm xã hội, còn được biết đến là tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Các nhà đầu tư sử dụng bộ tiêu chuẩn ESG để đo lường mức độ một doanh nghiệp bảo vệ môi trường, quản lý mối quan hệ với người lao động, khách hàng và cộng đồng nơi doanh nghiệp hoạt động và áp dụng quản trị doanh nghiệp minh bạch và có trách nhiệm giải trình.
Đây là sáng kiến về ESG đầu tiên ở Việt Nam dành cho các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng. Các doanh nghiệp này hiện chiếm hơn 90% số lượng doanh nghiệp của khu vực kinh tế tư nhân, thu hút hơn 50% lực lượng lao động của nền kinh tế và đóng góp khoảng 40% GDP. Do vậy, các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội và bền vững môi trường của Việt Nam.
Tiêu chuẩn ESG là sự công nhận rằng, sự bền vững của doanh nghiệp thể hiện ở nhiều mặt, không chỉ ở khía cạnh các vấn đề môi trường mà còn là vấn đề con người, nguồn lực và các hệ thống. Các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng, tạo ra tác động tốt cho cộng đồng và có tiếp thu ý kiến, góp ý từ những người dân bị ảnh hưởng bởi doanh nghiệp thì đạt được sự tăng trưởng ổn định và có các mô hình kinh doanh vững chắc hơn.
Sáng kiến này sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng áp dụng tiêu chuẩn ESG. Mục tiêu là đến năm 2025, sáng kiến này sẽ cung cấp các gói hỗ trợ kỹ thuật ESG cho 300 doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng, trong đó, có 10 doanh sẽ nhận được hỗ bổ sung để thí điểm, triển khai hoặc mở rộng các mô hình kinh doanh ESG sáng tạo. Nỗ lực này góp phần vào thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 167 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững.
Theo đại diện USAID, sáng kiến mới này được triển khai thông qua Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC). Với tổng số vốn lên tới 36,3 triệu USD do USAID tài trợ, IPSC hướng tới gỡ bỏ các hạn chế về chính sách, thị trường ở cấp độ doanh nghiệp cản trở sự phát triển của SGBs, bao gồm cả những doanh nghiệp do phụ nữ và nhóm yếu thế làm chủ, và qua đó thúc đẩy khu vực tư nhân đổi mới và năng động, đủ sức cạnh tranh trên toàn cầu và gia tăng cơ hội phát triển kinh tế. Thời gian thực hiện Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam kéo dài 5 năm, từ 2021-2025.