Có một chuyện nghe như cổ tích

Trong một chuyến công tác tôi được nghe một cán bộ Ban tuyên huấn Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa kể lại câu chuyện tình yêu của một người phụ nữ với một thương binh. Thoạt đầu chuyện nghe thật khó tin tôi nhất định phải tìm bằng được những nhân vật mà mới nghe qua tưởng như là một câu chuyện cổ tích. Sáng hôm sau tôi vẫy một chuyến xe và tức tốc lên đường.
thuong-binh-gia-wcce-thumb-1658812489.jpg
Ảnh minh họa

Xế trưa hôm ấy tôi dừng lại trước lối vào một ngôi nhà nhỏ ven chân đồi. Cuối năm trời lất phất mưa bụi, một chị phụ nữ đang làm cỏ vườn thấy chúng tôi, chị dừng tay cuốc. Nghe tôi hỏi, phút lúng túng, chị mời chúng tôi vào nhà. Có khách, một người đàn ông hai bàn tay bám chặt hai chiếc ghế con đi ra. Anh không còn đôi chân, gương mặt vuông vức, cương nghị ấy nhìn chúng tôi với đôi mắt như đang cười. Chị giới thiệu với chúng tôi anh là chồng chị, thương binh 1/4…

Có lẽ đã nghe trước câu chuyện của cặp vợ chồng thương binh này nên ấn tượng giây phút ấy trong tôi mạnh đến nỗi tôi có cảm tưởng như vừa chìm trong một ánh chớp mùa hè. Thời gian đi qua, câu chuyện chị kể buổi sáng hôm ấy tôi vẫn thuộc làu. Chị sinh ra trong một gia đình ba má đều là biệt động thành. Chị được ba má chăm sóc, nuôi nấng chiều chuộng từ trong trứng! Còn anh là bộ đội của Trung đoàn Đồng Nai. Sau giải phóng miền Nam đơn vị anh đóng quân ở Hưng Lộc. Những ngày quen biết, ba má chị “cưng” anh lắm, hình như má chị “chấm” anh còn một lẽ anh là dân miền bắc, má chị cũng gốc bắc theo ngoại vào Nam. Ngày ấy chị học xong lớp 12 và mới nhập học trung cấp ở Long Thành. Khoảng một năm sau anh đi chiến trường Căm pu chia, anh đi biệt tăm, biệt tích mãi cho đến khi chị nhận được một lá thư…

Đột nhiên chị nhìn chúng tôi, đôi mắt như ngây dại. Chị kể nhiều lúc có ai hỏi, hoặc ngồi một mình nhớ lại cái ngày ấy người chị bần thần hẳn đi. Đó là một ngày của năm 1979. Chị cầm trên tay một lá thư không quen biết, lá thư người bạn của anh. Bỗng nhiên chị hoảng sợ, chị linh cảm đến một điều gì đấy. Rồi chị lại tự trấn an mình tại sao lại phải sợ, mình với anh ấy chỉ mới thế thôi!

Nhưng không hiểu sao cầm lá thư chị lại tức tốc về thành phố. Chị vừa đi vừa khóc, giá mà má còn sống thể nào má cũng đi với chị, nỗi đau ấy trong chị chưa nguôi ngoai, má vừa mất vì một vết thương cũ tái phát… Người gác cổng Viện quân y không cho chị vào, lúc ấy chị mới sực nhớ ra trong người chị không có một mảnh giấy tùy thân.  Càng nghi ngờ người gác cổng càng hỏi vặn vẹo chị, chị càng lúng túng. Nhưng rồi thấy gương mặt hớt hãi, bươn chải từ xa về, người gác cổng buột miệng “ chị vào đi”. Vào được Viện quân y rồi, chị lại ngơ ngác giữa những thương binh khập khiễng trong bộ đồ trắng. May quá chị gặp một hộ lý có vẻ đứng tuổi đang đẩy xe cơm đi đến.

Chị lúng búng: - Cô ơi…cho cháu hỏi anh Khoa…?

- Anh Khoa nào, ở A mấy, B mấy?

- Anh Khoa bị thương… mất cả hai chân ấy!

Theo tay chỉ của người hộ lý chị chạy ùa vào. Chị đứng khựng lại, suýt nữa chị không nhận được ra anh. Ngày trước anh đẹp trai, cao lớn, khỏe mạnh mà bây giờ chỉ còn một nửa người trên một nửa giường vải trắng toát. Chị thốt lên và như khuỵu xuống…

Chị lại dừng lại nói với chúng tôi: “Các anh có hình dung được giây phút ấy Anh Khoa đã nói gì với em không? Anh ấy nói: Em đi lấy chồng đi… đừng chờ anh nữa! Nói xong anh lại giật mình vì anh không tin em đến tìm anh, vì anh không tin giấc mơ của anh có thể thành sự thật. Anh đã là gì của em đâu mà khuyên em đi lấy chồng. Ngày anh quen ba má em, ba má em coi anh như con, thế thôi!”

Rồi chị lại nói: “Cái giây phút ấy em cũng nghĩ em có yêu anh ấy đâu, em chưa bao giờ nghĩ mình sẽ là vợ của một anh bộ đội. Em là con út được ba má chiều chuộng, chưa quen gian khổ. Còn các anh bộ đội, các anh mất mát quá làm sao em có thể bù đắp nổi…” Đó là lần thứ nhất chị đi tìm anh ở Viện quân y. Sau đó chị còn đi tìm anh ở bệnh viện Biên Hòa, ở Trung tâm phục hồi chức năng thành phố Hồ Chí Minh, ở Đoàn an dưỡng Vũng Tàu. Anh trốn chị, còn chị đi tìm anh…

Vào một ngày cuối năm 1979, từ Đoàn an dưỡng Vũng Tàu, anh lặng lẽ ra Bắc. Sau này chị mới biết anh đã suy nghĩ nhiều đêm trước lúc quyết định như vậy. Anh không muốn cuộc đời chị phải ràng buộc với anh, để một người phụ nữ như thế phải hi sinh cuộc đời cho anh, anh cảm thấy như mình có tội. Thế rồi chị lại lên tàu ra bắc để tìm đến một đoàn an dưỡng, nhưng không gặp anh, chị ngơ ngẩn ở phương trời xa lạ phải quay về và tưởng rằng thế là đã mất anh.

Cho đến một ngày bỗng nhiên chị nhận được thư anh gửi từ quê vào. Chị sung sướng tột độ và chị chợt nhận ra một chân lý giản đơn, rằng con người ta dù sắt đá đến đâu cũng không thể lừa dối được trái tim mình. Và một lần nữa chị lại đi tìm anh. Chị bước xuống ga Thanh Hóa sau mười ngày ê chề trên chuyến tàu từ thành phố Hồ Chí Minh. Nghe người ta bảo từ ga lên xã Cẩm Ngọc chỉ bảy, tám chục cây số vậy mà chị còn phải nằm chờ vật vả ba ngày nữa mới kiếm được một vé xe đi Cẩm Thủy. Đó là một ngày đầu tháng 5 năm 1980.

Đó cũng là lần chị quyết định lấy anh, một quyết định mà chị cũng đã lường trước những khó khăn, gian khổ, những lực cản ngăn chị lại. Cho đến bây giờ cuộc sống gia đình chị trải qua bao nhiêu năm tháng cam go, hiểm nghèo chị mới chợt nhận ra khi quyết định lấy anh, chị đã đứng cao hơn tất cả những đỉnh cao mà chị đã lường trước.

Ngày tôi đến tìm ngôi nhà của anh chị, anh chị đã sống với nhau 12 năm và đã có hai cháu trai. Cháu Bùi Ngọc Vinh 11 tuổi, cháu Bùi Quốc Việt 9 tuổi. Trong ngôi nhà tình nghĩa xã vừa làm tặng anh chị cách đây bốn năm, mấy ai ngờ trong đó có bốn trái tim vàng. Mấy ai ngờ giữa muôn vàn khó khăn của Đất nước vừa đi ra khỏi cuộc chiến tranh, vết thương chưa liền sẹo lại có một tình yêu giữa đời thường như thế. Dừng câu chuyện kể, chị đỡ anh lên xe và đẩy ra hiên hóng gió…

Hơn hai mươi năm trôi qua kể từ ngày tôi biết anh chị, câu chuyện này tôi đã kể không biết bao nhiêu lần trong những chuyến đi, trong những cuộc gặp gỡ. Nhiều người tin yêu và cảm phục, nhưng cũng không ít người cho rằng tôi đã bịa ra một tình yêu cổ tích, một câu chuyện huyền thoại…Bất giác tôi muốn thốt lên với những ai không tin trên đời này có một tình yêu như thế hãy tìm đến xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Chị là Nguyễn Thị Ngọc Minh quê ở Hưng Lộc, Thống Nhất, Đồng Nai. Anh là Bùi Đăng Khoa, thương binh hạng 1/4, quê ở Cẩm Ngọc, Cẩm Thủy, Thanh Hóa.

Cũng chừng ấy thời gian tôi chưa một lần được trở lại ngôi nhà ven chân đồi ấy. Có thể bây giờ anh Khoa, chị Minh đã là ông bà nội, ông bà ngoại rồi. Khi cầm bút chép lại câu chuyện này, tôi mơ thấy một bầu trời hạnh phúc, nồng ấm trong ngôi nhà ấy. Tôi nguyện ước và cầu mong như thế.

Trong một kịch bản cho một bộ phim truyền hinh có tên" Đất Mẹ bao dung" sau này, câu chuyện cổ tích của chị Nguyễn Thị Ngọc Minh và anh Bùi Đăng Khoa được tôi chuyển thể đưa vào trong bộ phim. Khi Đài truyền hình Việt Nam phát sóng họ đổi tên là "Tấm lòng người tỉnh Thanh". Bộ phim được Giải Vàng trong Liên hoan phim truyền hình toàn quân./.

Hồ Anh Thắng