Đấy là câu chuyện của cô Bùi Anh Đào, giáo viên Trường tiểu học Thanh Tân 2, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Cô giáo dành cả thanh xuân để “cõng chữ” lên với học sinh nghèo.
Những lá đơn chưa gửi
Cô giáo Bùi Anh Đào (sinh năm 1980), tại vùng quê chiêm trũng huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghề “gõ đầu trẻ”. Năm 2001, sau khi tốt nghiệp Khoa sư phạm của Trường Đại học Vinh cô được phân công về điểm trường lẻ tại thôn Thanh Vinh, xã Thanh Tân để công tác.
Thời bấy giờ, nơi đây còn hoang sơ, dân bản còn sống trong cảnh 3 không: “không đường, không điện, không trường”. Đặc biệt hơn, học sinh ở đây nói tiếng Việt còn chưa rõ nên rất khó khăn trong việc giảng dạy đối với một giáo viên vừa tốt nghiệp như cô Đào.
Cô Bùi Anh Đào nhớ lại: “Lúc đầu khi tôi vừa đặt chân lên đây công tác, bản làng còn thưa thớt, các em học sinh đi học lại không đều, nhiều em nói tiếng Việt chưa rõ nên rất khó khăn trong việc truyền đạt kiến thức. Nhiều đêm đi dạy về, đối mặt với cảnh tối om của núi rừng trong ánh đèn dầu le lói, tôi đã khóc. Chỉ mong rằng thời gian trôi thật nhanh để có thể xin về dưới xuôi”.
Tuy suy nghĩ vậy, nhưng nhìn các em học sinh nơi đây, vì nghèo đói nên ước mơ chưa thể vượt qua những quả đồi cao để tiếp cận văn minh đã thôi thúc cô ở lại, nỗ lực để tạo nên “kỳ tích”.
Không chịu khuất phục trước khó khăn thử thách, ngoài giờ đứng lớp, cô lại tiếp chuyện với những giáo viên cũ, hoặc những người bản địa để học tiếng địa phương. Với nỗ lực không biết mệt mỏi, chỉ trong thời gian ngắn, cô Đào đã có thể trò chuyện với các em một cách cởi mở, thân mật. Từ đó, lớp học của cô trò trở nên sôi động hơn, học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn.
Em Hà Trung Hiếu, từng là học sinh lớp cô Đào chia sẻ: “Trên lớp, cô Đào luôn hướng dẫn nhiệt tình để học sinh có thể tiếp thu nhanh. Những câu từ tiếng Việt mà chúng em chưa hiểu, cô lại chuyển sang tiếng Thái để giảng nên các em học sinh đều yêu mến cô. Không chỉ có vậy, những học sinh nào tiếp thu chậm, đều được cô tổ chức những buổi dạy miễn phí để có thể theo kịp các bạn”.
Thấm thoát thời gian công tác tại vùng cao của cô Đào đã hết, những điều cô mong mỏi từ khi đặt chân lên đây đã đến. Nhưng khi cô cầm những lá đơn xin chuyển công tác lên thì trong đầu cô lại hiện ra những hình ảnh của đứa trẻ nhỏ nơi miền sơn cước đang tươi cười chào đón. Không đành bỏ lại các em nên cô Đào chỉ biết cất lá đơn đi, hẹn khi nào các em tốt nghiệp xong cô sẽ về.
Thế nhưng, hết lứa học sinh này đến lớp khác nối tiếp nhau, cô Đào như những người chèo đò chưa bao giờ ngơi nghỉ. Cũng từ đó, những lá đơn xin chuyển trường của cô chỉ đành gác lại, xem nó như một kỷ niệm của những ngày đầu đứng lớp trong hành trình nghề làm giáo viên.
Cô giáo vùng cao đa nghề
Không chỉ truyền đạt kiến thức cho các em học sinh, những cô giáo vùng cao như cô Đào còn phải “lấn sân’ sang các ngành nghề khác như thầy lang, thợ cắt tóc, người làm dân vận...
Cô Đào chia sẻ: “Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, những cô giáo vùng cao như chúng tôi ngoài việc đứng lớp ra còn phải làm cả bác sĩ, lẫn thợ cắt tóc. Thậm chí có những lần phải giả làm thầy cúng để bắt ma, cho cha mẹ học sinh yên tâm. Do ở vùng núi cao, bà con quanh năm sống trong nghèo đói, dân trí lại không đồng đều nên mỗi lần về thăm nhà, tôi đều mua dự trữ một đống thuốc phòng khi các em đau ốm”.
Tính đến nay, đã gần 25 năm cô giáo Bùi Anh Đào đến với trường, đã từng trèo đò đưa tiễn bao nhiêu thế hệ học sinh. Những đứa trẻ ngày nào giờ đây đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Nhưng mỗi khi các em đi qua mái trường, trong lòng lại hiện lên hình ảnh cô giáo miền xuôi nhỏ nhắn, đang say sưa giảng bài.
Để có thể yên tâm công tác, ngoài đam mê với nghề, cô Đào còn nhận được sự hậu thuẫn, động viên lớn từ gia đình. Những ngày đầu lên bản với học sinh, nhiều hôm nhớ gia đình, thương đứa con mới hơn 6 tháng tuổi đã phải cai sữa, cô càng quyết tâm hơn. Đặc biệt là người bạn đời của cô, anh Mai Huy Cương, những lúc cô đi công tác, mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều mình anh gánh vác.
Cô Đào kể: “Khi mới lên đây, nếu không có sự động viên, an ủi của gia đình có lẽ tôi đã không vượt qua được. Đặc biệt là thời gian tôi sinh cháu đầu, sau 6 tháng nghỉ thai sản, tôi đã phải lặn lội lên trường với học sinh, lúc đó điện thoại chưa phổ biến, đêm đến nhớ chồng con, tôi chỉ biết mang ảnh ra ngắm rồi khóc thầm”.
Với những hi sinh thầm lặng ấy, cô giáo Bùi Anh Đào luôn được thầy cô, đồng nghiệp yêu mến, học sinh và phụ huynh tin cậy. Gần 25 năm trong nghề, cô nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen của lãnh đạo các cấp và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhưng có lẽ phần thưởng cao quý nhất trong lòng cô chính là nhìn những học sinh của mình lớn khôn và thành đạt.
Bà Nguyễn Thị Dự, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cô giáo Bùi Anh Đào là một giáo viên rất tâm huyết với nghề, trên cương vị nào cô cũng luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cô là một trong những giáo viên nhận được nhiều giấy khen của các cấp, là tấm gương sáng để đồng nghiệp noi theo”.
Giờ đây, kinh tế đã khởi sắc, cô trò Trường tiểu học Thanh Tân 2 đã có mái trường mới, có ánh điện để thắp sáng, lớp học không cần thông dịch viên nữa. Những người dân nơi đây có lẽ cũng đã quên cô Đào là người miền xuôi, vì từ lâu trong lòng họ, cô như một phần không thể thiếu trong cộng đồng dân tộc nơi đây./.